Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hỗ trợ người nghèo tìm thị trường tiêu thụ nông sản

Hợp tác xã (HTX) kiểu mới là mô hình đang phát triển mạnh mẽ tại Đắk Nông. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 167 HTX kiểu mới, trong đó 103 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt ngày càng có nhiều phụ nữ khởi nghiệp với mô hình HTX  trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ như: Trồng dâu nuôi tằm, sản xuất đặc biệt vùng miền, rau an toàn…

Đây là cơ hội để người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Để giúp các HTX tìm  được đầu ra bền vững cho nông sản, công ty TMT kết hợp với các tổ chức hỗ trợ người dân giải được bài toán: Chưa có những kế hoạch kinh doanh dài hơi và quản lí tài chính chưa hiệu quả.

Hỗ trợ người nghèo tìm thị trường tiêu thụ nông sản - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc thiểu số được hướng dẫn bán nông sản trên sàn giao dịch điện tử.

Việc hỗ trợ các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng là một trong những ưu tiên của Đắk Nông. Trong 5 năm qua, nhiều nguồn vốn khác nhau từ các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án NGO, ODA có liên quan đến hỗ trợ HTX đã và đang tiếp tục được đầu tư vào Đắk Nông như: Dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam", chương trình "Mỗi làng một sản phẩm" và "Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" … 

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với mạng lưới nông dân, HTX rộng khắp các tỉnh Tây Nguyên, TMT nhận thấy đây là cơ hội để giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ, nhằm phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng thông qua mô hình HTX. Đặc biệt với dự án "Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", người nông dân đã được tiếp cận với những phương thức tiếp cận thị trường mới, khai thác được tối ưu các kênh bán hàng truyền thống và online.

Nhiều năm sinh sống bằng nghề trồng cà phê, cuộc sống của gia đình chị Bon (người M’Nông, ở huyện Krông Nô, Đắk Nông) vẫn gặp rất nhiều khó khăn do giá sản phẩm trên thị trường lên xuống bấp bênh. Sau 2 năm liên tiếp giá cà phê sụt giảm, có lúc chỉ còn vài nghìn đồng/kg, năm 2005 gia đình chị tìm hiểu và quyết định chuyển qua trồng xoài keo.

Thời gian đầu, chị gặp phải rất nhiều những khó khăn vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Số tiền vay ngân hàng làm vốn nay cũng không còn, sản phẩm không bán được, gia đình chị lại lần nữa rơi vào cảnh khó khăn. May mắn thay, tháng 9/2019, gia đình chị cùng 450 phụ nữ dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được tham gia dự án "Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" của TMT.
Đây là dự án hỗ trợ phát triển kinh tế cho các phụ nữ dân tộc thiểu số tự mở rộng và phát triển kinh doanh. Các lớp tập huấn nâng và hỗ trợ sau tập huấn, hướng dẫn những phương pháp canh tác mới và cách thức quảng bá thương hiệu nông sản địa phương đã được doanh nghiệp mang đến bà con.

Lần đầu tiên gia đình chị Bon được các chuyên gia dự án xuống tận nơi tập huấn các chiến lược kinh doanh, phương thức marketing sản phẩm ra thị trường, hoạch định giá, lập tài khoản mạng xã hội, viết nội dung quảng bá sản phẩm. Chị cho biết: "Những điều các chuyên gia truyền đạt đều là những kiến thức hoàn toàn mới lạ đối với tôi, sử dụng những trang online để bán hàng là những điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi rất bất ngờ khi có thể bán sản phẩm của mình ở trên mạng".

Sử dụng khoản vốn được dự án cho vay, vận dụng những kiến thức được hướng dẫn, chị Bon thuê người thiết kế bao bì sản phẩm, sau đó chụp hình đăng bài lên các trang bán hàng online như Facebook, Zalo… Chỉ sau vài tháng những chiến lược đó đã đem lại hiệu quả rõ rệt, doanh số tăng lên đáng kể, sản phẩm của chị được nhiều người biết đến hơn, thậm chí có cả người nước ngoài.

Không chỉ riêng chị Bon, rất nhiều HTX kiểu mới khác cũng đạt được những thành công nhất định nhờ có các dự án của TMT. Chỉ sau một thời gian ngắn, TMT đã xây dựng được kế hoạch kinh doanh và bộ công cụ nhận diện thương hiệu cho 6 HTX với 81 thành viên, trong đó có 44 thành viên nữ. Số thành viên được hưởng lợi gián tiếp là 397 người. TMT cũng kết nối bán hàng qua kênh offline tại Phiên chợ xanh Buôn Ma Thuột (6 HTX tham gia), Hội chợ hàng nông sản OCOP (9 HTX tham gia), ký gửi gian hàng tại Cửa hàng đặc sản Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột ( 8 loại sản phẩm của 6 HTX)…

Ngoài ra, 6 HTX cũng đã được hỗ trợ lên bán hàng trên Facebook, Zalo và mở rộng gian hàng chung cho các HTX trên sàn VOSO. Sự kết hợp giữa những người nông dân thiểu số cần cù và những hỗ trợ có tầm nhìn xa của TMT đã và đang mở ra cánh cửa giảm nghèo hiệu quả cho mảnh đất Đắk Nông nắng gió.