Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không được chủ quan trong việc phòng chống bão

(Dân sinh) - Chuẩn bị ứng phó với bão số 6 tại tỉnh Bình Định, chiều ngày 9/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cùng đoàn công tác đã trực tiếp thị sát, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 6 tại tỉnh Bình Định.

Báo Người Lao Động đưa tin: Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết để ứng phó với bão số 6, tỉnh đã yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị phải túc trực 24/24 giờ từ ngày 9/11, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn, ứng phó trong mọi tình huống, giảm tối thiểu thiệt hại về người và tài sản. Nhanh chóng cấp phát bao tải cát miễn phí cho dân, hỗ trợ lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa, lồng bè.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định duy trì 100% quân số, thành lập 5 đoàn công tác, chuẩn bị phương tiện, trang bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ phương tiện cứu hộ cứu nạn như: phao bè, xuồng, nhà bạt, giường, chiếu, vật chất sinh hoạt tại các phòng tập trung, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ...

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là không được chủ quan trong việc phòng chống bão - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi bà con xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn trong chuyến thị sát

Sau khi đi kiểm tra một số địa bàn xung yếu của địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định cơn bão số 6 rất mạnh, giật cấp 14 -15 và Bình Định là trung tâm của bão đổ bộ. Khả năng tối 10/11và sáng ngày 11/11 bão sẽ đổ bộ, vì vậy chính quyền và người dân không được chủ quan.

"Bão vào đất liền đúng dịp thủy triều lớn sẽ gây sóng to, mưa lớn, nếu chủ quan thì sẽ rất nguy hiểm. Cần khẩn trương rà soát khu vực có thể xảy ra lũ quét, lũ ống… để sơ tán người dân đến nơi an toàn", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu tỉnh Bình Định tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi và hoạt động của tàu thuyền; tập trung rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn. Hướng dẫn, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch, đặc biệt lưu ý hướng dẫn bảo đảm an toàn đối với các phương tiện vãng lai của địa phương khác.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là không được chủ quan trong việc phòng chống bão - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chính quyền và người dân Bình Định không được chủ quan với bão số 6

Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch và công trình cơ sở hạ tầng trên biển và các đảo. Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở do nước dâng cao, sóng lớn, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản trên biển và ven biển, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão đổ bộ vào...

Theo báo Lao Động: Tại Phú Yên dự kiến di dời 10.000 hộ dân với khoảng 30.000 người trước khi "quái vật" Nakri (bão số 6) đổ bộ trực diện vào địa phương. Đây được xem là cuộc di dời dân lớn nhất lịch sử bão lũ tại tỉnh này. Đặc biệt, trước 12 giờ trưa nay (10.11), hàng nghìn lao động trên 2.900 bè nuôi sẽ được hoàn tất di dời.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, tỉnh Phú Yên là địa phương sẽ hứng chịu trực tiếp tâm của cơn bão số 6. Vì vậy, việc di dời dân được chính quyền tỉnh này gấp rút thực hiện từng phút, từng giờ.

Tại khu vực biển thôn An Hòa, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, triều cường đánh liên tục. 21 hộ dân với 80 nhân khẩu tại đây dự kiến sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Chính quyền địa phương đã huy động gần 100 lượt người để đắp các bờ cát tạm nhằm hạn chế sóng đánh sập nhà và các công trình gần bờ biển. Đến 16h ngày 9.11, do có gió lớn, sóng cao, hàng chục chiếc thuyền thúng bị hất văng lên bờ. Gió lớn cũng khiến một số nhà dân bị tốc mái, dù bão số 6 chưa vào.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là không được chủ quan trong việc phòng chống bão - Ảnh 3.

Trước 12 giờ trưa nay (10.11), hàng nghìn lao động trên 2.900 bè nuôi tại vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) và vịnh Vũng Rô (huyện Đông Hòa, Phú Yên) sẽ được di dời xong. Ảnh: X.T

Ông Bùi Văn Quang (trú thôn An Hòa, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu) lo lắng: "Bão chưa vào, nhưng nhà của tôi đã bị tốc mái. Nhà có 4 người đang phải tìm chỗ để tránh bão, đề phòng nhà bị sập. Bà con xung quanh xóm cũng đang giúp nhau vận chuyển đồ đạc".

Ông Lê Xuân Hiền - Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu) - cho biết, việc huy động các lực lượng như: Bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ cùng với người dân đắp hơn 1.000 bao cát chỉ là giải pháp tạm thời. Ngày 10.11, địa phương thực hiện di dời tất cả 21 hộ dân đến nơi an toàn, việc di dời sẽ được thực hiện xong trước 12 giờ ngày 10.11. Ở các khu vực khác, chính quyền địa phương sẽ kiểm tra và tiếp tục di dời dân nếu cần thiết.

Xử lý thực cảnh người nuôi trồng thủy sản ở vịnh Vũng Rô (huyện Đông Hòa) và vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) còn chần chừ chưa di dời đến vùng an toàn, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các lực lượng chức năng phải liên tục kêu gọi, kiểm tra và nếu cần phải thực hiện cưỡng chế. Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng khu vực nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài đã có 2.900 bè nuôi (tính bình quân có 4 - 5 người trên mỗi bè) thì số người là rất lớn.

Trực tiếp đi kiểm tra tại khu vực Vịnh Xuân Đài, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết hiện nay, tỉnh đã yêu cầu lực lượng lực lượng bộ đội biên phòng dùng tàu công suất lớn của Hải đội 2 và phương tiện của các đồn biên phòng, kiểm ngư đi kiểm tra và vận động người dân sớm vào bờ. Nếu có người cố tình ở lại trên bè thì phải thực hiện cưỡng chế.

Việc di dời người trên lồng bè chậm nhất phải xong trước 12 giờ ngày 10.11. Ngoài các hộ cần phải di dời ở vùng nuôi trồng thủy sản, Phú Yên đã sẵn sàng các phương án di dân ở vùng xung yếu, trũng thấp. Ước tính, khi bão số 6 trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Phú Yên, số hộ dân cần phải di dời là 10.000 hộ với khoảng 30.000 người.

Theo dự báo, bão số 6 với sức gió mạnh giật trên cấp 12 và mức độ rủi ro thiên tai là rất lớn. UBND tỉnh Phú Yên đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo qua các phương tiện thông tin đại chúng, các thuê bao điện thoại di động đang hoạt động.

Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân cần tránh chủ quan và nâng cao ý thức trong việc phòng, tránh bão, để hạn chế thấp nhất về tính mạng và tài sản.