Quay lại Dân trí
Dân Sinh

"Lá chắn trắng" - tác phẩm nổi bật của hội họa Việt Nam mùa dịch Covid-19

(Dân sinh) - “Lá chắn trắng” của họa sĩ Nguyễn Lộc là một tác phẩm nổi bật của hội họa Việt Nam đã bắt kịp tính thời sự của đại dịch Covid-19. Đặc biệt hơn, đây cũng là một trong số những tác phẩm hiếm hoi được anh thể hiện theo phương pháp siêu thực nhưng đã thành công, trái ngược hoàn toàn với phong cách quen thuộc của Nguyễn Lộc là hiện thực.

Bức tranh "Lá chắn trắng" do họa sĩ Nguyễn Lộc thể hiện đã lập tức gây sốt cộng đồng mạng với lượt "thích" và bình luận đạt mức đáng mơ ước. Đặc biệt, tác phẩm này sẽ được họa sĩ gửi tặng chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật "Vượt qua đại dịch Covid-19".

Là họa sĩ đồng thời là một nhà giáo đang làm công tác giảng dạy tại Trường Cao đẳng văn hóa Việt Bắc, họa sĩ Nguyễn Lộc dành nhiều quan tâm tới các vấn đề thời sự. Vì thế, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, anh cũng bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn giống như bao người dân khác. Với nghề nghiệp của mình, anh có ý định sẽ thể hiện sự quan tâm của cá nhân về đại dịch lên bề mặt tranh. Ý tưởng được anh ấp ủ trong nhiều ngày nhưng chỉ đến khi có tin bác sĩ Việt Nam đầu tiên bị phơi nhiễm, cảm hứng sáng tạo mới ùa về. Anh đã vẽ một mạch và hình thành tác phẩm “Lá chắn trắng”.

Điều gây ấn tượng với người xem về bức tranh chính là hình ảnh về đội ngũ y bác sĩ trong công tác phòng chống dịch. Hay cụ thể ở tranh là sự ám ảnh về sắc trắng và những đôi mắt. Sắc trắng vốn hay gợi đến một cái gì đó trong trắng, mềm mại, ngây thơ. Nhưng ở đây, nó là biểu tượng cho người thầy thuốc, những người được anh diễn tả như một sự tinh khiết, đem lại niềm tin cho mọi người trước dịch bệnh. Đồng thời, những người thầy thuốc còn mang sự hoàn thiện, tươi sáng và vẻ rắn rỏi. Bởi họ đang là lá chắn rắn hơn sắt thép, để bảo vệ những người dân Việt Nam yêu thương.

Còn những đôi mắt đỏ bởi vất vả, căng thẳng, có chút âu lo nhưng đầy kiên nghị, mạnh mẽ. Và đó là những đôi mắt chung của bao người chiến sĩ áo trắng. Họ đang cùng một cái nhìn, cùng nghĩ suy, cảm xúc và ý chí. Nên sự rắn chắc của lá chắn này không chỉ được tạo nên bởi kinh nghiệm, tài năng của ngành y Việt Nam mà nó còn được tạo nên bởi sức mạnh của sự đoàn kết, nghị lực phi thường của những người con Việt nơi tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh.

Bức tranh chính là sự tôn vinh và cũng là niềm tin yêu trước những chiến sĩ áo trắng Việt Nam nghị lực, giỏi giang, kiên cường. Theo chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Lộc, khi vẽ bức tranh này, anh nghĩ rằng mình phải làm gì đó để góp phần giúp người dân Việt Nam giữ vững niềm tin yêu vào sức mạnh của những y bác sĩ. Chính vì thế, anh đã vẽ bức tranh xuất phát từ sự xúộng, lòng biết ơn và đương nhiên phi lợi nhuận. Hơn thế, nghề dạy học luôn đứng trước những con mắt trong trẻo, khát khao nhận thức đã giúp họa sĩ Nguyễn Lộc hướng về cộng đồng nhiều hơn, thương yêu và có khát vọng sẻ chia.

Khi bức tranh được tác giả đưa lên mạng xã hội, tác phẩm lập tức nhận được sự yêu mến và quan tâm của nhiều người với 16.000 lượt "like", bởi đã nói hộ tấm lòng của biết bao người dân Việt Nam hướng về đội ngũ các thầy thuốc. Đặc biệt, với sức mạnh của ngôn ngữ tạo hình, tác phẩm sẽ có cơ hội đến với nhiều người yêu nghệ thuật quốc tế. Và rất có thể, một “Ghen Cô Vy” thứ 2 của hội họa Việt Nam sẽ bay cao, bay xa, mang hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Và cũng có thể vì điều này, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Lộc đã được Ban tổ chức chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật “Vượt qua đại dịch Covid-19” chọn làm hình ảnh đại diện cho toàn bộ sự kiện. Điều này thể hiện mong muốn lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của chương trình với sự chung sức của các nghệ sĩ, các nhà sưu tầm và người dân Việt Nam sẽ tạo nên sức mạnh về vật chất, tinh thần, để khích lệ, động viên các thầy thuốc vượt qua khó khăn, làm lá chắn chống lại dịch bệnh.

Có thể nói, với phương pháp thể hiện siêu thực, “Lá chắn trắng” của họa sĩ Nguyễn Lộc là một tác phẩm nổi bật của hội họa Việt Nam đã bắt kịp tính thời sự của đại dịch Covid-19. Đặc biệt hơn, đây cũng là một trong số những tác phẩm hiếm hoi được anh thể hiện theo phương pháp siêu thực nhưng đã thành công, trái ngược hoàn toàn với phong cách quen thuộc của Nguyễn Lộc là hiện thực.

Với một tác phẩm thành công như vậy, họa sĩ Nguyễn Lộc đã quyết định hiến tặng cho chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật “Vượt qua đại dịch Covid-19”. Lý do được họa sĩ chia sẻ là bởi đây là hoạt động kịp thời đem lại giá trị vật chất cụ thể cho những người trực tiếp tham gia vào công tác chống dịch. Cụ thể là đội ngũ y bác sĩ đã lan tỏa, cổ động giá trị tinh thần cho giới mỹ thuật và công chúng.

"Lá chắn trắng" - tác phẩm nổi bật của hội họa Việt Nam mùa dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Họa sĩ Nguyễn Lộc

Họa sĩ Nguyễn Lộc (SN 1969) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện là giảng viên Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Nguyễn Lộc đã đoạt Giải A, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (2012 - 2016), Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi Sáng tác tranh nghệ thuật và tranh cổ động về chủ đề “ Bộ đội Cụ Hồ” - Người chiến sỹ hải quân” (2018-2019). Bên cạnh đó, họa sĩ Nguyễn Lộc đã góp mặt tại Triển lãm toàn quốc về đề tài quân đội (1999), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (2000), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (2005), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (2010).