Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lạng Sơn: Lồng ghép, đồng bộ các giải pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

(Dân sinh) - Kết quả thực hiện công tác “Tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân” giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận, xác minh tổng số 139 trường hợp; trong đó có 117 người được xác định là nạn nhân bị mua bán. Đáng chú ý, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và tại cộng đồng được quan tâm thực hiện.

Tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (Ban Chỉ đạo 138) tỉnh Lạng Sơn, vốn là tỉnh miền núi có đường biên giới dài 231,74 km, có nhiều đường mòn, lối mở, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt liên quan đến các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em.

Trong những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn là địa điểm trung chuyển mà tội phạm mua bán người lợi dụng địa hình để đưa phụ nữ, trẻ em và người lao động sang Trung Quốc bán.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Lạng Sơn, đa số các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng hoặc không có nghề nghiệp ổn định, họ thiếu thông tin và thiếu kiến thức để cảnh giác, đề phòng, do đó họ dễ dàng bị lợi dụng, tin vào các đối tượng phạm tội và trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

"Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia, vì vậy công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn", báo cáo nêu.

Thực hiện Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1057/QĐ-LĐTBXH ngày 12/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt Đề án "tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán" giai đoạn 2016 - 2020; Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 2369/KH-BCĐ ngày 02/8/2016 tổ chức thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020.

Để tổ chức, triển khai thực hiện công tác phòng, chống mua bán người, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, hàng năm Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Đề án 3.

Với vai trò chủ trì Đề án 3, Sở LĐ-TB&XH xây dựng Kế hoạch số 142/KH-SLĐTBXH ngày 23/12/2016 thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2016-2020.

Cùng với đó, hàng năm tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người với các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em;

Song song, đẩy mạnh công tác phối hợp, hợp tác với các ngành chức năng trong công tác hỗ trợ nạn nhân, cung cấp các dịch vụ phù hợp hỗ trợ nạn nhân, đem lại nhiều kết quả đáng kể góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, quán triệt các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh.

Hàng năm xây dựng kế hoạch về việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên nắm tình hình liên quan đến hoạt động mua bán người, sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện đảm bảo thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo đó, kết quả thực hiện công tác "Tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân", giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận, xác minh tổng số 139 trường hợp; trong đó có 117 người được xác định là nạn nhân bị mua bán.

Đáng chú ý, công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và tại cộng đồng được quan tâm thực hiện.

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương trong việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, y tế.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia công tác hỗ trợ nạn nhân... góp phần bảo đảm cho các nạn nhân bị mua bán khi trở về đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không có cơ sở hỗ trợ nạn nhân chuyên biệt mà sử dụng Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh vừa là cơ sở tiếp nhận ban đầu, vừa là cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 15/6/2020 ngành LĐ-TB&XH tiếp nhận và hỗ trợ 65 nạn nhân bị mua bán. Trong 06 tháng đầu năm 2020, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đã tiếp nhận 03 nạn nhân bị mua bán. Số nạn nhân trên đã được đưa vào Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh và bố trí chỗ ăn, nghỉ, bảo vệ, quản lý, kiểm tra sức khoẻ và chữa bệnh ban đầu.

Ngoài ra, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh còn tiếp nhận và hỗ trợ cho gần 1.000 trường hợp là công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bị trao trả do các lực lượng chức năng tỉnh chuyển đến.

Sau khi cơ quan công an hoàn tất công tác điều tra, xác minh và phân loại đối tượng, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh tiếp tục hướng dẫn đối tượng hoàn tất thủ tục, đồng thời hỗ trợ tiền ăn đường, tiền tàu xe cho họ trở về gia đình.

Do đặc thù địa hình là tỉnh biên giới nên hơn 90% các nạn nhân được tiếp nhận là người ngoài tỉnh, do đó công tác hỗ trợ tập trung chủ yếu vào hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và hỗ trợ đi lại cho các nạn nhân. Trong 05 năm không tiếp nhận trường hợp nạn nhân bị mua bán là người dân trong tỉnh.

Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH đều tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án. Qua đó đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Có thẻ nói, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người nói chung, Đề án 3 "tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán" giai đoạn 2016-2020 nói riêng. Hầu hết các nội dung của Đề án đã được tổ chức thực hiện. 

Từ những kết quả đạt được, tỉnh Lạng Sơn đề ra định hướng xây dựng đề án giia đoạn 2021- 2025

Xác định thời gian tới dự báo tình hình hoạt động của bọn tội phạm mua bán người trên thế giới, khu vực và trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, mục tiêu chung sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Mục tiêu cụ thể, 100% các trường hợp đã tiếp nhận, tự trở về được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân; 100% nạn nhân có nhu cầu được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật; Xây dựng được ít nhất 01 mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trên tuyến, địa bàn trọng điểm.

Đi liền với đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện; lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội như dạy nghề, tạo việc làm, giảm nghèo…; tạo điều kiện tốt nhất để nạn nhân tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp sẵn có…

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; thực hiện lồng ghép công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em;

Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi cung cấp thông tin nạn nhân; kịp thời phối hợp hỗ trợ nạn nhân; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân. Xây dựng, nâng cấp hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh và tại cộng đồng; thống nhất hoạt động kết nối, chuyển tuyến nạn nhân.