Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi): Nhiều nội dung mới phù hợp với yêu cầu thực tế

(Dân sinh) - Đó là vấn đề được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) chiều 17/6.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của UB về các vấn đề xã hội của QH về sự cần thiết phải ban hành luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, xét về mặt tổng thể, so với luật hiện hành, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới phù  hợp với yêu cầu thực tế của người lao động, doanh nghiệp với mục đích tạo việc làm, nâng cao tay nghề và thu nhập cho người lao động, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích các bên, đặc biệt là quyền và lợi ích của người lao động, phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức lao động quốc tế  và xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới

Về phạm vi điều chỉnh, qua giám sát và lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp và người lao động đều tán thành sự thay đổi phạm vi điều chỉnh so với luật hiện hành từ "hoạt động đưa người lao động đi làm việc của nước ngoài theo hợp đồng" thành "chính sách về người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đại biểu, đây là sự thay đổi có tính chất bao trùm các chính sách.

Nhấn mạnh người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần tăng cường chất lượng hơn số lượng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cũng đồng thời cho rằng, hiện nhiều quốc gia dân số già đang rất cần lao động, có chính sách ưu đãi cho lao động nhập cư, vậy, đối sách của ta ngay trong Luật này phải như thế nào, nếu không có quy định chặt chẽ Việt Nam sẽ bị "chảy máu chất xám".

Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi):  Nhiều nội dung mới phù  hợp với yêu cầu thực tế của người lao động, doanh nghiệp - Ảnh 1.

ĐB Cầm Thị Mẫn cho rằng Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới phù hợp với yêu cầu thực tế

Liên quan đến quy định bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao nhiệm vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài,  đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị cân nhắc xem có nhất thiết  phải bổ sung thêm không trong khi doanh nghiệp có thể làm được?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu kinh nghiệm của địa phương này, đó là thời gian qua, Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở LĐ-TB&XH của tỉnh hoạt động rất hiệu quả trong việc thực  hiện  các chương trình hợp tác về lao động giữa Đồng Tháp và các đối tác nước ngoài. Sau khi lao động hết hạn về nước, Trung tâm còn có nhiệm vụ giới thiệu việc làm cho người lao động cho các doanh nghiệp FDI của  Hàn Quốc, Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Bộ máy Trung tâm rất tinh gọn và có hiệu quả,  do vậy "nên thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố hay áp dụng cách làm giống ở Đồng Tháp?", đại biểu đặt câu hỏi.

Trong khi đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) thống nhất với quy định bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vì theo đại biểu, tình hình phát triển lực lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước  ngoài rất cần phải mở rộng đơn vị sự nghiệp công lập, không thể chỉ giới hạn đơn vị sự nghiệp công lập  đơn vị trực thuộc Bộ. Đây là nhu cầu thực tiễn, là phương thức tạo thuận lợi cho sự phát triển lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và phân cấp mạnh hơn cho địa phương.

Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi):  Nhiều nội dung mới phù  hợp với yêu cầu thực tế của người lao động, doanh nghiệp - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu kinh nghiệm của Đồng Tháp trong XKLĐ thời gian qu

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cũng cho rằng, vấn đề này trong Luật hiện hành cũng đã quy định, tuy nhiên, Luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và các cơ quan của Chính phủ. Ở Dự thảo Luật này đã mở rộng ra là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố. Đây cũng là tạo điều kiện rất thuận lợi cho các trường nghề vì thực tế hiện nay các trường nghề  có một lượng lớn sinh viên sau  khi ra trường có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài ( chẳng hạn như các trường điều dưỡng), quy định này sẽ tạo điều kiện sinh viên vì đây là hoạt động phi lợi nhuận. Bà Dung cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cho phép trường dạy nghề được ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài để đưa sinh viên sang thực tập nghề có thời hạn được trả lương

Về điều kiện của doanh doanh nghiệp hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, việc quy định vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ đồng là cần thiết vì hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện với đối tượng đặc thù liên quan đến con người, vì vậy, doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực này cần phải có tiềm lực kinh tế để đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự. Do vậy, việc tăng vốn chủ sở hữu và tăng tiền ký quỹ là cần thiết đối với doanh nghiệp xin giấy phép hoạt động.

Về thời hạn giấy phép của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 5 năm theo quy định tại Dự thảo Luật, theo đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An), đây là việc làm cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước  định kỳ rà soát và chấm dứt hoạt động của các đơn vị hoạt động dịch vụ không có hiệu quả.

Cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) nêu thực tế: hiện nay, nhiều người lao động có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài nhưng không nắm được đầy đủ thông tin về thị trường lao động, chi phí cho việc đi lại, chế độ đãi ngộ, khi về nước thì lại không biết mình sẽ được hỗ trợ gì, tìm việc ở đâu. Do đó, nếu chúng ta xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên để cung cấp cho người lao động trước trong và sau khi về nước, người lao động sẽ được tiếp cận thông tin một cách dễ dàng nhất, nhanh nhất để họ có sự chuẩn bị đầy đủ hơn về mọi mặt trước khi đi và yên tâm hơn khi về nước sẽ dễ dàng tìm được việc làm.

"Trong Luật hiện hành và Dự thảo Luật có đề cập một số nội dung về cung cấp thông tin cho người lao động nhưng nhưng như vậy là chưa đủ và thực tế hiện nay chúng ta làm chưa tốt. Từ thực tiễn trên, tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm chính sách, cơ chế về cung cấp thông tin và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách thực chất và có hệ thống, đó chính là đã bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động ngay từ trong nước" đại biểu đề nghị.