Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lý do 2 công ty Việt bị cấm đưa thực tập sinh sang Nhật

Đây là hai công ty hàng năm đưa thực tập sinh kỹ năng sang Nhật làm việc khá đông với nhiều ngành nghề khác nhau.

Liên quan đến việc Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam mới đây thông báo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam đã liên lạc với Cơ quan quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài (OTIT) cho rằng căn cứ quy định của Bản ghi nhớ hợp tác song phương về thực tập kỹ năng (TTS) đã ký kết giữa Nhật Bản và Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ xóa tên hai doanh nghiệp khỏi danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện phái cử TTS sang Nhật Bản.

Điều tra "thỏa thuận" phí quản lý

Cụ thể, hai doanh nghiệp bị nêu đích danh xóa tên khỏi danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện phái cử TTS sang Nhật Bản gồm: Công ty cổ phần nhân lực TTC Việt Nam (TTC Vietnam Human Resources Joint Stock Company) và Công ty cổ phần kết nối nhân lực Việt (Viet Human Resources Connection Joint Stock Company).

"Chúng tôi xin thông báo rằng kể từ nay về sau khi làm thủ tục xin phê duyệt kế hoạch TTS kỹ năng tại Cơ quan quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài sẽ không thể sử dụng hai doanh nghiệp phái cử đã nêu. Thông báo này cũng được đăng tải trên website của Cơ quan quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài", bản thông báo của Đại sứ quán Nhật Bản nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, xác nhận hai doanh nghiệp bị xóa tên nói trên đã vi phạm quy định của Bản ghi nhớ hợp tác song phương về TTS đã ký kết giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Cả hai công ty nói trên đều có trụ sở chính tại Hà Nội. Đây là hai công ty hàng năm đưa thực tập sinh kỹ năng sang Nhật làm việc khá đông với nhiều ngành nghề khác nhau. Trên website của Công ty cổ phần nhân lực TTC Việt Nam, cập nhật biểu đồ thể hiện số lượng TTS do công ty này đưa sang Nhật không ngừng tăng, năm 2016 là 200 người, 3 năm sau năm 2019 vọt lên 1.000 TTS. Công ty này đặt mục tiêu trong năm 2020, sẽ đưa 2.200 thực tập sinh sang Nhật.

Còn trên website của Công ty cổ phần kết nối nhân lực Việt, thông tin khá ít ỏi, đơn hàng phỏng vấn cập nhật mới nhất là tháng 3/2018.

Vậy hai doanh nghiệp này đã vi phạm những gì khiến bị xóa tên khỏi danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện phái cử TTS? Trao đổi với Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, một đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, vụ việc này đã được OTIT theo dõi và điều tra từ nhiều tháng trước, tuy nhiên đến khi có đầy đủ bằng chứng họ mới công bố thông tin và yêu cầu xóa tên hai doanh nghiệp này khỏi danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện đưa TTS kỹ năng sang Nhật. Đồng thời tổ chức này cũng xem xét đánh giá các nghiệp đoàn có liên quan đến hai doanh nghiệp nói trên.

Lý do 2 công ty Việt bị cấm đưa thực tập sinh sang Nhật - Ảnh 1.

Trung tâm đào tạo tiếng Nhật của Công ty cổ phần nhân lực TTC Việt Nam

Theo vị đại diện, có một số lý do phía Nhật đánh giá không đúng chuẩn mực của Bản ghi nhớ hợp tác song phương về TTS kỹ năng đã ký kết giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trong đó tập trung làm rõ có "thỏa thuận" ngầm giữa công ty phái cử Việt Nam và nghiệp đoàn của Nhật về phí quản lý TTS. Đây là lý do chính, OTIT tập trung điều tra.

Thực tập sinh trúng tuyển vẫn được sang Nhật

Đại diện một công ty phái cử nhiều năm làm việc với các đối tác Nhật bật mí, phí quản lý TTS các nghiệp đoàn Nhật trả bình quân 1 triệu đồng/tháng/TTS. Khoản tiền này thường được chuyển khoản hàng tháng. Tuy nhiên một số công ty phái cử cạnh tranh không lành mạnh, đã thỏa  thuận ngầm với nghiệp đoàn không lấy khoản phí này hoặc cắt tỉ lệ phần trăm. “Đây là hình thức cạnh tranh không lành mạnh, tạo hình ảnh không tốt với hình ảnh công ty phái cử Việt Nam”, vị này lên tiếng phản đối.

Với câu hỏi hai doanh nghiệp bị xóa tên nói trên, hàng năm đưa TTS sang Nhật khá đông, vậy quyền lợi và quan hệ lao động của TTS sẽ giải quyết như thế nào? Vị đại diện doanh nghiệp giải thích, sau nhiều lần đàm phán, phía Nhật Bản cho phép các ứng viên đã phỏng vấn trúng tuyển tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục liên quan để sang Nhật làm việc.

Còn những vướng mắc có liên quan khác doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục giải quyết những tồn đọng, kể cả những doanh nghiệp không hoạt động thì vẫn giải quyết các tồn đọng cho TTS và học viên, vì doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có ký quỹ 1 tỷ đồng.

Đồng thời một doanh nghiệp bị đưa vào diện cấm đưa TTS sang Nhật, thông thường sẽ có thời gian 5 năm mới xem xét có chấp thuận đưa TTS sang Nhật hay không.

Cũng theo vị này, việc OTIT siết chặt như vậy để bảo vệ quyền lợi người lao động và hình ảnh quốc gia của họ. Theo đó thời gian tới họ sẽ rà soát lại hoạt động các nghiệp đoàn, trong đó tập trung việc tính toán, kiểm soát chi phi giá thuê chỗ ở cho TTS theo khu vực để khỏi bị nâng giá.

Chúng tôi đã gọi đến số máy của lãnh đạo Công ty cổ phần nhân lực TTC Việt Nam, tuy nhiên số máy này không liên lạc được.

380 công ty xuất khẩu lao động

Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đang niêm yết danh sách 380 công ty xuất khẩu lao động. Trong 3 năm gần đây, số lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài khoảng 140.000 người, riêng thị trường Nhật có khoảng 70.000 TTS.