Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mức vay vốn tạo việc làm sẽ tăng gấp đôi, từ ngày 8/11

(Dân sinh) - Người lao động được vay mức tối đa 100 triệu đồng sẽ có thêm cơ hội để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nghị định số 74/2019/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2016-CP ngày 9 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 23/9/2019.

Theo đó, Nghị định 74 quy định mức vay vốn được nâng lên gấp đôi so với quy định hiện hành. Cụ thể, người lao động (NLĐ) được vay mức tối đa là 100 triệu đồng (mức cũ, tối đa là 50 triệu đồng). Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 NLĐ được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (mức cũ, tối đa 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng trên 1 lao động).

Mức cho vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn. Thời hạn vay vốn tối đa là 120 tháng (mức cũ tối đa không quá 60 tháng). Thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng chính sách và đối tượng vay vốn thỏa thuận.

Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Về lãi suất vay vốn, tăng lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động thông thường từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (6,6%) như hiện nay lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (7,92%%).

Nghị định 74/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 8/11/2019 đây là một tin vui đối với không chỉ đối với NLĐ mà còn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người dân.

Mức vay vốn tạo việc làm sẽ tăng gấp đôi, từ ngày 8/11  - Ảnh 1.

Trồng rau hữu cơ.

Từ nguồn vốn cho vay để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Trung ương và nguồn bổ sung từ ngân sách chuyển ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội hàng năm đã giải quyết việc làm trên 40 ngàn lao động. Chương trình cho vay tạo việc làm, nhiều hộ gia đình có thêm nguồn vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi và chuyển đổi nghề. Đặc biệt nhiều hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp được vay vốn đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi nghề, phát triển dịch vụ để tăng thu nhập cho gia đình.

Mức cho vay hiện nay tối đa chỉ có 50 triệu đồng/lao động khi được nâng lên tới 100 triệu đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, người lao động mạnh dạn đầu tư vào các mô hình cây, con đặc sản, mô hình liên kết để có thu nhập cao hơn, góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 74, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh Quang Mạnh Hà cho biết: “Với mức vay nâng lên tối đa 100 triệu đồng sẽ tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu của nhân dân lúc này đang thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể Nhân dân thông qua kênh thông tin đại chúng để mọi người được biết chính sách. Cũng như tạo thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh”.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội, việc tăng nguồn vốn vay sẽ thuận lợi cho người dân nhưng vẫn tiềm ẩn khó khăn. Nhất là khi nguồn vốn bổ sung cho chương trình cho vay tạo việc làm còn hạn chế trong khi nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn.