Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Năm 2020: Đặt mục tiêu giảm tần suất tai nạn lao động 5-7%

(Dân sinh) - So với giai đoạn 2011- 2015, trong 4 năm 2016 - 2019 tần suất tai nạn lao động chết người giảm 10,77%. Có được kết quả trên là nhờ sự chuẩn bị và tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức chiều 26/12, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Luật An toàn vệ sinh lao động đi vào cuộc sống

Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết, sau khi Luật ATVSLĐ được ban hành, công tác hướng dẫn, triển khai được quan tâm tổ chức thực hiện, các quy định pháp luật về ATVSLĐ, như: Chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; bồi dưỡng bằng hiện vật; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được các cấp, các ngành, doanh nghiệp coi trọng thực hiện.

Năm 2020: Đặt mục tiêu giảm tần suất tai nạn lao động 5-7% - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Trong năm 2019, đã triển khai thanh tra theo kế hoạch tại 76 doanh nghiệp. Qua thanh tra đã ban hành 277 kiến nghị yêu cầu các đơn vị khắc phục sai phạm; ban hành 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 45 triệu đồng; lập biên bản vi phạm và đề nghị Thanh tra Bộ và thanh tra Sở LĐ-TB&XH các tỉnh: Quảng Nam, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương xử phạt đối với 19 đơn vị doanh nghiệp và 2 kiểm định viên, tước quyền sử dụng 2 tháng chứng chỉ kiểm định viên của 1 kiểm định viên vi phạm, đình chỉ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện từ 2 - 3,5 tháng đối với 4 tổ chức, đơn vị.

Cục tham mưu cho Lãnh đạo chỉ đạo khắc phục hàng chục vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra chất lượng hàng hóa trong nhập khẩu, chứng nhận hợp quy trong sản xuất và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. "Thực hiện thanh tra tại 80 hộ gia đình của 6 làng nghề trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Bắc Ninh, qua thanh tra đã chỉ ra và hướng dẫn khắc phục 371 kiến nghị. Đây là vấn đề mới và rất khó lần đầu tiên triển", ông Thắng nhấn mạnh.

Trong năm 2019, Cục An toàn lao động đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho 328 kiểm định viên và 7 lớp huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho 502 lượt học viên. Tổ chức đánh giá hồ sơ, thẩm định, trình Lãnh đạo Cục cấp Giấy chứng nhận hoạt động kiểm định cho 43 tổ chức đủ điều kiện hoạt động kiểm định và xử lý 420 hồ sơ cấp chứng chi kiểm định viên.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tổ chức hoạt động kiểm định kiểm định an toàn năm 2019 các tổ chức đã thưc hiện kiểm định được khoảng trên 3 triệu máy, thiết bị trên toàn quốc. Các tổ chức hoạt động kiểm định an toàn đã thực hiện kiểm định được khoảng 1,5 triệu máy, thiết bị. Số lượng sản phẩm, hàng hóa đã được các tổ chức chứng nhận hợp quy là 8.520.262 sản phẩm.

Năm 2020: Đặt mục tiêu giảm tần suất tai nạn lao động 5-7% - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng

Số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, trong năm 2019 tổng số vụ tai nạn lao động đến thời điểm báo cáo có khoảng 7.290 vụ, tổng số nạn nhân bị nạn khoảng 8.100 người, số vụ có người chế khoảng 992 vụ và số người chết 1.139 người. Giai đoạn 2016 - 2019 đã có trên 4.500 doanh nghiệp được tư vấn xây dựng, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động, trong đó có trên 400 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu, làm mẫu xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động; Dự án đã hỗ trợ huấn luyện cho trên 60.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động, công tác y tế lao động và an toàn, vệ sinh viên đạt 100% mục tiêu đề ra; hỗ trợ phổ biến thông tin về ATVSLĐ thường xuyên, liên tục tại 63 tỉnh/thành phố, đến trên 40 làng nghề, 600 hợp tác xã, trên 50.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2000 hội viên nông dân làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tính đến hết ngày 12/12/2019, đã tổ chức huấn luyện, đào tạo theo chức năng 3260 Lớp với 104.648 lượt học viên, trong đó: số lớp tăng 200% số học viên tăng 171% so với năm 2018. Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo đặt hàng của Cục là 15 lớp với 600 học viên là đối tượng không có quan hệ lao động; Đối tượng có quan hệ lao động là người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt là 23 lớp với 920 học viên.

Ông Thắng cho biết, năm 2020, phấn đấu tiếp tục mục tiêu giảm tần suất tai nạn lao động 5-7% đã được đề ra trong Chương trình Mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm - An toàn lao động. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất 50% mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm thông qua kiểm định an toàn thiết bị máy và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chúc mừng những kết quả Cục An toàn lao động đã đạt được trong năm 2019. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chỉ đạo: "Trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng các Nghị định hướng dẫn Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, vì thế Cục An toàn lao động cần tập trung xây dựng thể chế, tham mưu các nội dung liên quan để Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành nhiệm vụ xây dựng văn bản đã được giao. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đổi mới hoạt động của Hội đồng an toàn vệ sinh lao động. Triển khai hiệu quả các hoạt động Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – việc làm và an toàn lao động".