Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ngư dân đoàn kết một lòng, ra khơi bám biển bảo vệ chủ quyền

(Dân sinh) - Với ngư dân, ra khơi bám biển trong thời điểm này không chỉ để mưu sinh mà còn để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn không có giá trị với ngư dân Việt Nam.

Theo An ninh Thủ đô, những ngày này, hàng vạn con tàu của ngư dân dọc bờ biển dài hàng nghìn km của đất nước hình chữ S vẫn ngày đêm vươn khơi khai thác hải sản ở những ngư trường truyền thống bao đời nay. Họ vẫn giong buồm tiến thẳng ra biển khơi bất chấp lệnh cấm trái phép của Trung Quốc đối với hoạt động đánh bắt hải sản từ 12h ngày 1-5 đến 12h ngày 16-8-2020 trên các vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Đây không phải là lần đầu Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt phi lý, phi pháp này và cũng chẳng phải lần đầu khiến ngư dân của chúng ta e sợ và chùn bước. Trung Quốc từ năm 1995 bắt đầu thi hành lệnh cấm đánh bắt hải sản thường niên với lý lẽ bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đại dương khỏi nguy cơ đánh bắt quá mức, trong đó đơn phương áp đặt lệnh cấm này ở Biển Đông từ năm 1999.

Sẽ là bình thường nếu lệnh cấm đánh bắt hải sản của Trung Quốc chỉ đối với những vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của nước này. Điều bất bình thường và bất hợp pháp cũng như nguy hiểm là phạm vi áp đặt của lệnh cấm đơn phương này bao trùm cả các vùng biển của những bên liên quan khác trong khu vực, trong đó có những vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

Vì thế, núp dưới cái gọi là “bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đại dương khỏi nguy cơ đánh bắt quá mức”, Trung Quốc đã tinh vi lồng ghép vào đó yêu sách chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Điều này càng thấy rõ hơn khi đi liền với lệnh đánh bắt cá, Trung Quốc tăng cường triển khai một đội ngũ tàu chấp pháp đông đảo như hải giám, hải cảnh… với những con tàu sắt to lớn hàng nghìn, hàng vạn tấn để thực hiện cái gọi là “truy bắt và xử phạt” các trường hợp vi phạm lệnh cấm đơn phương và trái phép mà họ áp đặt.

Lệnh cấm đánh bắt trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông vì thế chính là một công cụ để nước này hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền vốn đã bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế và vô giá trị với các bên liên quan khác. Lệnh cấm đơn phương này, dưới góc độ nào đó, chẳng khác nào chiếc bẫy chủ quyền tinh vi mà Trung Quốc giương lên ở Biển Đông, ngư dân của bên liên quan nào nếu lo sợ, e ngại trước sự sự uy hiếp của những con tàu chấp pháp hung hăng sẽ bị “sập” chiếc bẫy chủ quyền mà họ giăng ra, gián tiếp công nhận chủ quyền theo yêu sách phi lý và phi pháp.

Hội Nghề cá Việt Nam ngay sau khi Trung Quốc công bố lệnh cấm đối với hoạt động đánh bắt hải sản từ 12h ngày 1-5 đến 12h ngày 16-8-2020 đã kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý này. Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan. Hội Nghề cá Việt Nam tuyên bố, lệnh cấm của Trung Quốc không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Theo Báo Công an, tại cảng cá Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và cảng cá Kỳ Hà (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) tấp nập tàu thuyền vào ra.

Tàu này vừa cập bến bán cá, tàu khác đã nhanh chóng chuẩn bị thực phẩm, xăng dầu, đá… nối đuôi nhau tiếp tục vươn ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa … để đánh bắt hải sản. Bất chấp quy chế cấm đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc.

Ngư dân đoàn kết một lòng, ra khơi bám biển bảo vệ chủ quyền - Ảnh 1.

Tàu cá Quảng Ngãi thẳng tiến ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau hơn một tháng lênh đênh trên ngư trường Hoàng Sa, tàu cá QNg 95122 TS của ngư dân Nguyễn Nở (trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) trở về đất liền cùng với bạn tàu, sau khi lên cá (bán cá cho chủ vựa), tàu lại chuẩn bị nhu yếu phẩm, bơm nạp nhiên liệu để tiếp tục ra ngư trường Hoàng Sa khai thác hải sản.

Ngư dân đoàn kết một lòng, ra khơi bám biển bảo vệ chủ quyền - Ảnh 2.

Tàu cá Quảng Nam cập cảng mang nhiều hải sản về bờ.

Trước việc Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá hết sức vô lý trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân Nguyễn Nở khẳng định: “Lệnh cấm này không có giá trị đối với anh và các bạn tàu”.

Theo ngư dân Nở, đây là hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc, ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân cả nước nói chung đều rất bức xúc với việc làm này. Vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống từ bao đời nay của ngư dân Việt Nam.

"Những năm qua, chúng tôi vẫn ra khơi bám biển, bám đảo. Tuy nhiên, việc đánh bắt còn gặp nhiều khó khăn bởi tàu của ngư dân chúng tôi thường bị các tàu lớn phía Trung Quốc  đuổi và đâm chìm. Dẫu vậy, ngư dân chúng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ không bám biển nữa chứ nói gì đến lệnh cấm phi lý ấy", ngư dân Nở nói.

“Đây không phải là vì kế sinh nhai mà còn là nhiệm vụ bảo vệ, khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo thiêng liêng Trường Sa và Hoàng sa của Việt Nam”, anh Nở nhấn mạnh.

Còn ngư dân Huỳnh Trương (50 tuổi, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cùng 14 thuyền viên đã vừa cập cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang) sau gần 1 tháng vươn khơi đánh bắt trở về từ vùng biển Hoàng Sa. Sau khi tàu cập cảng, các thuyền viên trên tàu tranh thủ bán 7 tấn cá nục tươi rói cho thương lái và phân công các ngư dân khác kiểm tra máy móc, ngư lưới cụ để chuẩn bị vươn khơi trở lại.

“Tôi và mọi ngư dân khác ở địa phương có biết thông tin việc Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông từ ngày 1-5. Tuy nhiên, việc ban hành lệnh cấm này là phi lý, hết sức ngang ngược, tôi và các anh em ngư dân tỉnh Quảng Nam cùng ngư dân cả nước vẫn quyết tâm vươn khơi, bám biển. Qua đó, góp phần bảo vệ chuyển biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ngư dân Trương bày tỏ.

Theo Báo Lao động, ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết: “Các tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên ngăn cản, rượt đuổi bắt, đánh đập và cướp tài sản của ngư dân chúng tôi, mà cho ngư dân chúng tôi nản lòng. Nhưng ngược lại ngư dân chúng tôi quyết tâm sống không thể thiếu Hoàng Sa và Trường Sa vì nơi đó đã có một phần xương máu của cha ông ta và chúng tôi kiên quyết góp phần cùng ngư dân cả nước để khẳng định bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc mà bao đời qua cha ông ta đã gìn giữ”.

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, mà hằng năm từ ngày 1.5 đến 16.8 đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá này.

“Việc Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông đã vấp sự phản đối và không có giá trị đối với ngư dân Quảng Nam nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung. Vì vậy, ngư dân Quảng Nam cùng ngư dân Việt Nam vẫn quyết tâm bám biển suốt năm. Quảng Nam có 750 tàu thuyền (trong đó có 36 tàu vỏ thép) đánh bắt xa bờ, khoảng gần 10.000 lao động vẫn đang hiện diện ở 2 ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” - ông Ngô Tấn nói.

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi, ông Ngô Tấn cho hay, các cơ quan, ban ngành tỉnh luôn khuyến khích ngư dân thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển (từ 5-10 tàu) và đánh bắt cách nhau 2-3 hải lý để thông tin liên lạc giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn; tất cả các tàu thuyền đánh bắt xa bờ phải trang bị thông tin liên lạc đầy đủ, trong đó có trang bị máy giám sát hành trình… những máy này có thể kết nối được với đất liền nên rất thuận lợi cho ngư dân yên tâm vươn khơi.