Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trở lại từ đầu tháng 3

(Dân sinh) - Về thị trường nhập khẩu: nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 3 hoặc giảm tốc ở mức độ thấp hơn tại các thị trường có kim ngạch lớn, Bộ Công Thương cho biết.

Cụ thể: nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tháng 3 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung 3 tháng giảm 18%; Hàn Quốc lần lượt giảm 0,7% và tăng 2,4%; Nhật Bản lần lượt tăng 2,3% và tăng 15,8%. 

Đối với thị trường ASEAN, nhập khẩu 3 tháng đầu năm ước giảm 8,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,3%).

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 4,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,3 tỷ USD, tăng 1%.

Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2020 giảm 1,9% so với quý I/2019, ước đạt 56,26 tỷ USD (cùng kỳ tăng 7,7%).

Trong quý I/2020, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp FDI đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, với mức giảm lần lượt là 3,4% và 0,8%.

Chiếm 87,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2020 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 49,47 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tuy nhiên, trong tháng 3, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này có sự tăng trưởng trở lại khi tăng 3,5% so với tháng 2.

Tính chung quý I, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, đạt 13,19 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. 

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 14,1% so với quý I/2019, dầu thô tăng mạnh 67,9%...

Trong khi đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với quý I/2019 như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 8,6%, vải các loại giảm 17,7%, chất dẻo nguyên liệu giảm 6,2%, sắt thép các loại giảm 16%, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 14,5%, xăng dầu các loại giảm 17,6%...

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng giảm 8,2% trong quý I/2020, đạt 3,72 tỷ USD. 

Đáng chú ý, trong nhóm này nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ đã giảm 43,8% về lượng và 46,6% về trị giá so với quý I/2019.