Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những trường hợp sẽ được tăng lương từ ngày 01/01/2020

(Dân sinh) - Nhiều chính sách mới về tiền lương chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2020. Vậy, những trường hợp nào sẽ chính thức được tăng lương từ ngày 1/1/2020.

Theo Điều 4 Nghị định 90/2019/NĐ-CPquy định về việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2020 như sau:

Mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

 Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Như vậy, không phải tất cả người lao động đều được tăng lương khi lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 01/01/2020. Chỉ những người lao động thuộc các trường hợp sau:

Thứ nhất, người đang hưởng lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 90 nêu trên, người lao động làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện bình thường, đủ thời gian làm việc trong tháng và hoàn thành định mức công việc được trả lương ít nhất bằng với mức lương tối thiểu vùng.

Do đó, khi mức lương tối thiểu vùng tăng, người lao động đang có mức lương dưới mức lương tối thiểu vùng sẽ được tăng lương để đảm bảo bằng với mức lương tối thiểu vùng.

Những trường hợp sẽ được tăng lương từ ngày 01/01/2020  - Ảnh 1.

Những trường hợp nào sẽ chính thức được tăng lương trong dịp đầu năm 2020

Từ ngày 01/01/2020, mức lương thấp nhất của những người lao động này như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu của người làm công việc đơn giản nhất

Vùng I

4.420.000

4.420.000

Vùng II

3.920.000

3.920.000

Vùng III

3.430.000

3.430.000

Vùng IV

3.070.000

3.070.000

Thứ hai, người làm công việc đã qua đào tạo đang hưởng lương thấp hơn 7% lương tối thiểu vùng

Vẫn theo tinh thần của Điều 4 Nghị định 90, người lao động làm công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề, mức lương được hưởng ít nhất phải cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Khi lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đã qua đào tạo đang hưởng mức lương thấp hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng sẽ đương nhiên được tăng lương.

Thế nào là người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề? Khoản 2 Điều 5 Nghị định 90 giải thích đó là những người đã có văn bằng, chứng chỉ như: Bằng trung cấp, Bằng cao đẳng, bằng đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ… 

Từ ngày 01/01/2020, mức lương thấp nhất của những người lao động đã qua đào tạo, học nghề được tính.

Vùng

Mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu của người đã qua học nghề, đào tạo nghề

Vùng I

4.420.000

4.729.400

Vùng II

3.920.000

4.194.400

Vùng III

3.430.000

3.670.100

Vùng IV

3.070.000

3.284.900