Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Plan International Việt Nam ra mắt Ban Tham vấn Thanh niên 2020

“Sự tham gia của thanh niên vào hoạt động của Plan là rất cần thiết không chỉ tại Việt Nam mà ở cả các nước khác trên thế giới. Bởi chúng tôi tin rằng không ai trên thế giới này có thể hiểu trẻ em gái và thanh niên bằng chính các em. Giờ là lúc toàn thế giới cần nhìn nhận thanh niên với tư cách là lãnh đạo của tương lai” – bà Anne-Birgitte Albrectsen – Tổng giám đốc tổ chức Plan International khẳng định điều này tại Chương trình ra mắt Ban Tham vấn Thanh niên 2020.

Ngày 1/9, tại Hà Nội, tổ chức Plan International Việt Nam chính thức ra mắt Ban tham vấn Thanh niên (BTVTN). Buổi lễ có sự tham gia (trực tuyến) của bà Anne-Birgitte Albrectsen – Tổng giám đốc tổ chức Plan International, bà Bhagyashri Dengle – Giám đốc tổ chức Plan International khu vực Châu Á Thái Bình Dương và bà Sharon Kane, Giám đốc Quốc Gia, Plan International Việt Nam, và đặc biệt là 19 thành viên của Ban tham vấn là đại diện cho thanh niên (18 đến 24 tuổi) từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, bao gồm Hà Giang, Lai Châu, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, KonTum, TP.HCM. Các bạn đã được lựa chọn qua các vòng thi tuyển gắt gao sau vòng hồ sơ và phỏng vấn.

Plan International Việt Nam ra mắt Ban Tham vấn Thanh niên 2020 - Ảnh 1.

Ra mắt Ban Tham vấn Thanh niên 2020

Trong 3 ngày, từ 31/8 đến 1/9, các bạn đã cùng tham gia hội thảo lập kế hoạch tại Hà Nội để làm quen, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng vai trò, nhiệm vụ và thống nhất chương trình hoạt động của BTV trong nhiệm kỳ 2020 – 2022. Các hoạt động này đều do chính các bạn tự đề xuất và dẫn dắt, đảm bảo đồng hành hiệu quả cùng tổ chức Plan International trên hành trình thúc đẩy quyền trẻ em và bình đẳng giới tại Việt Nam.

Bà Anne-Birgitte Albrectsen – Tổng giám đốc tổ chức Plan International khẳng định: Việt Nam ký Công ước CEDAW năm 1982 và Công ước thực hiện quyền trẻ em năm 1989. Các năm tiếp theo, thông qua sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế trong đó có Plan International, Việt Nam ngày càng ưu tiên nhiều hơn vào thực hiện quyền trẻ em và bình đẳng giới bằng việc đầu tư cho các dịch vụ công như giáo dục, y tế, góp phần cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em và trẻ em gái. Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới còn nhiều thách thức. Ở cấp toàn cầu, chúng ta cần 107 năm nữa để đảm bảo bình đẳng giới trong vị thế chính trị và 202 năm nữa để cân bằng khoảng cách kinh tế liên quan đến yếu tố giới. Trẻ em gái và phụ nữ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trẻ em trai và nam giới ngày càng sẵn sàng đồng hành và chia sẻ. Họ có chung mong muốn về một thế giới nơi tôn trọng tiếng nói và vai trò lãnh đạo của phái nữ.

Plan International Việt Nam ra mắt Ban Tham vấn Thanh niên 2020 - Ảnh 2.

Các em có thể tự tin nói lên tiếng nói của mình.

"Dựa trên kinh nghiệm thực tế, chúng tôi thấy rằng việc thực hiện các sáng kiến thanh niên và các chương trình tại cộng đồng hướng tới sự bình đẳng và không phân biệt sẽ không thể bền vững nếu thiếu sự tham gia và cam kết của thanh niên. Đấy là lý do mà chúng tôi muốn các bạn đồng hành cùng chúng tôi với vai trò đối tác chiến lược" - Tổng giám đốc tổ chức Plan International nhấn mạnh .

Chia sẻ về vai trò của BTVTN, bà Anne-Birgitte Albrectsen khẳng định: "Sự tham gia của thanh niên vào hoạt động của Plan là rất cần thiết không chỉ tại Việt Nam mà ở cả các nước khác trên thế giới. Bởi chúng tôi tin rằng không ai trên thế giới này có thể hiểu trẻ em gái và thanh niên bằng chính các em. Giờ là lúc toàn thế giới cần nhìn nhận thanh niên với tư cách là lãnh đạo của tương lai. Bằng chính năng lực và thế mạnh của mình, các em hoàn toàn có thể thay đổi thế giới. Đó là điều Plan International luôn tin tưởng. Với Plan, xã hội sẽ không đạt được công bằng và bình đẳng nếu như thiếu sự tham gia tích cực của thanh niên". Đó cũng chính là lý do BTVTN được thành lập với mong muốn các em sẽ cùng Plan: thiết kế các chương trình, dự án, sáng kiến vận động chính sách và gây ảnh hưởng liên quan đến trẻ em; Đảm bảo sự tham gia và vai trò dẫn đầu của thanh niên trong các hoạt động ; Huy động thanh niên trở thành những người tiên phong tạo nên sự thay đổi cho bình đẳng giới; Đóng vai trò là đại sứ của Plan International Việt Nam trong các chiến dịch, trực tiếp tham dự các hội thảo và sự kiện trong nước/ quốc tế. Quá trình này nhằm truyền cảm hứng, khuyến khích thanh niên chủ động hơn khi chia sẻ tiếng nói nguyện vọng của chính mình, của trẻ em cũng như các thanh niên khác tại cộng đồng các em đang sinh sống.

Plan International Việt Nam ra mắt Ban Tham vấn Thanh niên 2020 - Ảnh 4.

Đại diện các bạn trẻ ở các vùng miền.

"Em từng rất rụt rè và sợ hãi khi đứng trước đám đông, nhưng từ khi tham gia dự án Plan ở cộng đồng và được Plan tin tưởng đại diện tham gia hội thảo trong nước và quốc tế, em trở nên rất tự tin. Từ việc dẫn chương trình cho các sự kiện của trường, đến hôm nay em có thể đứng trước hàng nghìn người nói lên tiếng nói của mình trong các hội thảo quốc tế. Em hy vọng rằng Plan sẽ có thêm nhiều dự án hỗ trợ trẻ em gái dân tộc thiểu số như em, giúp các em tìm ra tiềm năng của bản thân và cùng nhau phát triển, ngày càng thêm tự tin nói lên tiếng nói của mình. Nếu trẻ em gái có cơ hội thì không gì là không thể!" – Em Hữu, 18 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều tại Quảng Trị chia sẻ.

Bằng sự tham gia tích cực của BTVTN, Plan International Việt Nam tự tin chúng tôi sẽ tiến nhanh hơn trên hành trình bình đẳng giới cho trẻ em gái, trẻ em trai và cho tất cả mọi người.

Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển tập trung vào trẻ em, đặc biệt là quyền bình đẳng cho trẻ em gái. Plan International đã có hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại hơn 75 quốc gia trên toàn thế giới.

Plan International bắt đầu làm việc tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam từ năm 1993. Sứ mệnh của Plan International là hỗ trợ trẻ em, thanh niên và đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên được sinh ra, lớn lên khỏe mạnh và cả thể chất lẫn tinh thần, giúp các em có thể chủ động quyết định tương lai của chính bản thân. Chúng tôi tin tưởng rằng trẻ em gái có khả năng thay đổi thế giới. Vì vậy tham vọng của Plan International là đồng hành cùng các em đảm bảo 2 triệu trẻ em gái trên đất nước Việt Nam đến năm 2022 được học tập, lãnh đạo, ra quyết định và phát triển.