Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ngãi: Từ nông nghiệp đến công nghiệp

(Dân sinh) - Nếu tính thời gian tái lập tỉnh Quảng Ngãi thì cũng trên 30 năm, còn lấy cột mốc lịch sử ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng vừa tròn 45 năm, Quảng Ngãi từ một tỉnh “nông nghiệp toàn diện” đã vững bước chuyển mình sang tỉnh công nghiệp nằm trong “Top ten” của Việt Nam.

Từ chuyện 30 năm trước!

Sau ngày giải phóng, không phải riêng Quảng Ngãi mà cả miền Trung Việt Nam vẫn là những tỉnh thuần nông. Ngày ấy, nông nghiệp vẫn là mũi nhọn kinh tế của hầu hết các địa phương. Gạo vẫn chỉ được tính là "vũ khí chống đói" chứ nói gì đến xuất khẩu như bây giờ. Ngoài cây lúa là cây trồng chủ lực thì ngày ấy, cây mía của Quảng Ngãi cũng được xem thế mạnh để phát triển tiểu thủ công nghiệp, mà biểu tượng một thời là nhà máy đường Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi: Từ nông nghiệp đến công nghiệp - Ảnh 1.

Đồng lúa vào vụ thu hoạch ở Quảng Ngãi.

Nhưng, cuộc cách mạng công nghiệp vào những năm đầu của thập niên 90 mới chính thức tạo đà cho tỉnh Quảng Ngãi dần "thoát nông". Dẫu phải trải qua gần 15 năm sau, ý nghĩa của 6 từ "Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa" mới dần hình thành không chỉ trong tâm tưởng của người dân miền Trung nắng gió này mà chính là hiện thực khi năm 2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức cho ra mắt dòng dầu đầu tiên do Việt Nam sản xuất.

Nếu ngày ấy, Nhà lọc dầu số 1 được đặt ở đâu đó chứ không phải miền Trung hay Quảng Ngãi thì câu chuyện công nghiệp hóa có thể đã khác. Có nghĩa, Quảng Ngãi sẽ không tìm ra được "đòn bẩy" để cất cánh. Bởi lẽ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất giống như thỏi "nam châm" đã thu hút hàng loạt các dự án tầm cỡ về cho Quảng Ngãi.

Rất nhiều nhà lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi qua các thời kỳ cũng phải khẳng định điều này, bởi hơn ai hết họ chính là những người được giao trọng trách quản lý suốt 3 thập niên để công nghiệp Quảng Ngãi "nên hình, nên vóc" như bây giờ. Tất nhiều thế hệ người dân Quảng Ngãi sẽ không thể nào quên cuộc khảo sát mang tính lịch sử vào năm 1994, khi Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần đầu tiên về Quảng Ngãi thị sát vũng Dung Quất. Giữa cái đồi cát trắng mênh mông ấy, ít ai dám nghĩ rằng 25 năm sau nơi đây đã trở thành một đại công trường công nghiệp của miền Trung. 

Quảng Ngãi: Từ nông nghiệp đến công nghiệp - Ảnh 2.

Quảng Ngãi đã chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp một cách ngoạn mục.

Ông Phạm Hữu Tôn, Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh và cũng là người đầu tiên được giao nhiệm vụ Phụ trách Khu công nghiệp Dung Quất là một chứng nhân cho ngày đầu tiên khảo sát Dung Quất của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng rưng rưng nước mắt khi nói rằng: "Không có anh Sáu Dân thì không biết bao giờ Quảng Ngãi mới có nền công nghiệp xứng tầm như ngày nay". 

Không chỉ quyết liệt khi chọn Quảng Ngãi mà trong suốt một thời gian dài, bản thân Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phải đấu tranh rất nhiều để bảo vệ cho quyết định lịch sử ấy, khi vấp phải quá nhiều ý kiến trái chiều về việc đặt nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam ở vùng biển toàn là cát này.

Để có chuyện hôm nay

Thấm thoát cũng đã 45 năm từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ chậm phát triển, đến nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 đã đạt 54.906 tỷ đồng, gấp 19,5 lần so với năm 1989. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10,49%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm và vượt mức 33 triệu đồng/người.

Từ chỗ tổng thu ngân sách năm 1989 (khi mới tái lập tỉnh) chỉ đạt 16 tỷ đồng, chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp quốc doanh và thuế sử dụng đất nông nghiệp, đến nay thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Quảng Ngãi: Từ nông nghiệp đến công nghiệp - Ảnh 3.

"Trái tim" của Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Lĩnh vực công nghiệp đã tạo ra những phát triển vượt bậc, với nhiều bước đột phá. Nếu những năm 1990, nền công nghiệp của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm truyền thống, sản lượng nhỏ, giá trị thấp. Đến nay, Quảng Ngãi đã hình thành các nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp có công suất lớn, giá trị gia tăng cao. Điển hình là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất... đã đóng góp nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước, tạo hàng chục nghìn việc làm cho lao động địa phương và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước đến Quảng Ngãi làm việc nâng giá trị sản xuất công nghiệp lên 116.223 tỷ đồng, gấp 207 lần so với năm đầu tái lập tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 20%/năm.

Quảng Ngãi: Từ nông nghiệp đến công nghiệp - Ảnh 4.

Sản phẩm lọc nước nước biển thành nước ngọt của Công ty công nghiệp nặng Doosan vina xuất khẩu ra nước ngoài.

Công nghiệp Quảng Ngãi đã tạo ra KCN – Đô thị - Dịch vụ VSIP, các KCN Quảng Phú, Tịnh Phong và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương. Những bước đột phá này đã đưa Quảng Ngãi thành tỉnh có các sản phẩm công nghiệp có giá trị, kể cả các sản phẩm siêu trường, siêu trọng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi gần 20 quốc gia trên thế giới.

Chính công nghiệp đã tạo ra kim ngạch xuất khẩu từ mức chỉ đạt 834 nghìn USD năm 1990, tăng lên 591 triệu USD, gấp hơn 700 lần. Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng, mở rộng đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Đan Mạch, UAE, Saudi Arabia và các quốc gia trong ASEAN.

Quảng Ngãi: Từ nông nghiệp đến công nghiệp - Ảnh 5.

Một góc phân xưởng sản xuất ông thép của thép Hòa phát - Dung Quất.

Từ một địa bàn được xem là yếu tiềm năng về du lịch, đến nay, hằng năm, Quảng Ngãi đã thu hút trên 1 triệu du khách trong và ngoài nước. Nhiều dự án đầu tư vào du lịch, với tổng vốn đăng ký trên 3.137 tỷ đồng, doanh thu đạt 950 tỷ đồng, gấp hơn 70 lần so với năm 1989.

Giá trị sản xuất nông - lâm và thủy sản năm 2018 đạt 15.389 tỷ đồng, gấp 5 lần so những năm đầu tái lập tỉnh. Đến năm 1997, Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đại công trình thủy lợi Thạch Nham tưới cho hơn 30.000ha đất canh tác. Đây được xem là cuộc "cách mạng xanh" trải rộng khắp làng quê, ruộng đồng Quảng Ngãi. Nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất và chất lượng. Sản lượng thủy sản đánh bắt năm 2018 đạt 248.543 tấn, gấp hơn 10 lần so với năm 1989. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân...

Tỷ lệ lao động tham gia hoạt động kinh tế có chiều hướng tăng, từ mức 45% (năm 1996) lên mức 67% (năm 2020). Tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm dần qua các năm, đến năm 2018 giảm còn 3,7%. Toàn tỉnh đã có 16.400 người đã đi xuất khẩu lao động ở nhiều thị trường và đây cũng được xem là nguồn nhân lực bổ sung cho công nghiệp của tỉnh trong những năm tới.

Quảng Ngãi: Từ nông nghiệp đến công nghiệp - Ảnh 6.

Kho chứa xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 7,79%. Các chế độ chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời...

Quảng Ngãi dẫu vẫn còn không ít khó khăn ở phía trước, vẫn là tỉnh nông nghiệp còn hiện hữu. Song không thể phủ nhận, công nghiệp đã tạo ra những vị thế mới cho tỉnh Quảng Ngãi, để từ một tỉnh nông nghiệp sau 45 năm bước sang một trang mới.