Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Siết chặt quản lý mua hàng xuyên biên giới

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng trung bình ngành này tại Việt Nam từ 25% - 30%/năm.

Ở thời điểm hiện tại, việc mua bán hành từ các website nước ngoài diễn ra khá thuận lợi. Trên thực tế, chỉ cần có tài khoản và thẻ thanh toán quốc tế, bất cứ ai cũng có thể truy cập và mua hàng tại vào các trang thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba, Ebay… Sau đó, việc chuyển phát sẽ tận nhà sẽ mất từ 5-15 ngày. Không chỉ vậy, một số trang thương mại điện tử trong nước như Lazada, Shopee… cũng sẵn sàng giúp các "thượng đế" đặt lệnh mua hàng trực tiếp từ nước ngoài thông qua dịch vụ liên kết của mình.

Siết chặt quản lý mua hàng xuyên biên giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chị Nguyễn Thu Vân (Hà Nội) - một order với kinh nghiệm làm việc 6 năm trong lĩnh vực này cho biết, xu hướng mua hàng order từ nước ngoài hiện nay của người tiêu dùng Việt đang thay đổi nhanh chóng. Trong giai đoạn đầu khi nói đến order mọi người hay nghĩ đến hàng điện tử, công nghệ, nước hoa… Tuy nhiên, sau 1 thời gian, thị hiếu và thu nhập nâng cao, tất cả các mặt hàng tiêu dùng, kể cả các sản phẩm nhỏ nhất người tiêu dùng đều mong muốn có thể mua sắm từ nước ngoài.

Bộ Tài chính đánh giá, thương mại điện tử phát triển là xu hướng tất yếu, do đó nhà nước cần có các quy định cụ thể để thực hiện việc quản lý.

Để đáp ứng nhu cầu quản lý, đã có hàng loạt quy định được xây dựng trong Luật Giao dịch thương mại điện tử, Nghị định 52 về thương mại điện tử, Nghị định 72 về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Luật An ninh mạng, Luật Quản lý thuế… Tuy nhiên, các quy định này chưa đầy đủ, đồng bộ nên các bên tham gia hoạt động thương mại điện tử, các cơ quan quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Đáng lưu ý, trong thực tế đã phát sinh nhiều tình huống đòi hỏi cần có quy định quản lý nghiêm ngặt.

Bộ Tài chính cho rằng, khi thương mại điện tử qua biên giới phát triển mạnh mẽ, các cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt với các vấn đề như thiếu thông tin, khai báo không chính xác; khó ngăn chặn các lô hàng cấm; hàng hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu; hàng buôn lậu do số lượng hàng hóa gửi nhỏ lẻ trong khi chất lượng thông tin; dữ liệu trước về hàng hóa không có nhiều; khó kiểm soát chống gian lận về phân loại và xuất xứ hàng hóa để được hưởng các mức thuế suất ưu đãi đặc biệt…

Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng "Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu". Mục tiêu của Đề án là đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm: Đảm bảo việc quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.

Đối tượng điều chỉnh của Đề án gồm: Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử (cơ quan hải quan, cơ quan thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử); người mua hàng (tổ chức, cá nhân); người bán hàng; chủ các sàn giao dịch thương mại điện tử; các doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; doanh nghiệp là đại lý cho các sàn giao dịch thương mại điện tử; website thương mại điện tử bán hàng; doanh nghiệp là đại lý làm thủ tục hải quan…

Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp như, cần quy định chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan phải cung cấp thông tin về hàng hóa và người bán hàng; cần quy định cụ thể về chấp nhận trị giá mua bán qua thương mại điện tử là trị giá thực của giao dịch để thực hiện tính thuế với điều kiện các thông tin về việc mua bán được gửi đến hệ thống quản lý chung.

Theo số liệu từ Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đóng góp 21% doanh thu tổng thương mại điện tử toàn cầu và tạo ra nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Năm 2018 có 1,6 tỷ người trên thế giới mua sắm trực tuyến, dự kiến năm 2019 kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu ước tính đạt 3,4 nghìn tỷ USD và con số này sẽ tăng lên 4,06 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

Tại Việt Nam, theo số liệu công bố của Statista, năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 2,269 tỷ USD và nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất năm 2018. Qua báo cáo ba năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2019) về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình năm từ 25% đến 30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.

Dưới góc độ doanh nghiệp thương mại điện tử về mua bán hàng hóa từ nước ngoài, ông Phạm Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Fado, nêu kiến nghị cần chính sách thuế, hải quan thông thoáng, đơn giản, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp thương mại điện tử. Bởi vì, thương mại điện tử xuyên biên giới chủ yếu dừng ở nhập khẩu các món hàng, linh kiện, chi tiết nhỏ lẻ với thuế suất không được ưu đãi. Trong khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng sản phẩm nguyên chiếc lại hưởng nhiều ưu đãi từ các hiệp định thương mại. Do đó, nguồn thuế thu được từ thương mại điện tử là không nhỏ nếu như doanh nghiệp được tạo điều kiện kinh doanh.