Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Nỗ lực phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm

(Dân sinh) - Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống AIDS; phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình tội phạm về ma túy ngày càng có diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành của tỉnh này phải nỗ lực hơn nữa…

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến cuối tháng 8/2019, toàn tỉnh có 7.468 người nghiện có hồ sơ quản lý, số người nghiện hiện đang sống ngoài cộng đồng là 6.732 người, đang cai nghiện tại cơ sở cai nghiện của tỉnh là 576 người, số đang bị tạm giữ tại Trại giam Công an tỉnh là 160 người.

Về tình hình lây nhiễm HIV/AIDS, lũy tích đến cuối tháng 8/2019, toàn tỉnh có 8.295 người nhiễm HIV/AIDS, số người nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống và đang quản lý là 4.182 người, trong đó số bệnh nhân đang điều trị ARV là 3.793 người, số bệnh nhân đang điều trị Methadone là 2.602 người. Người bị nhiễm HIV/AIDS xuất hiện ở 27 huyện, thị, thành phố. Trong đó, Mường Lát và Quan Hóa là 2 huyện có tỷ suất nhiễm HIV cao nhất trong toàn tỉnh.

Các đối tượng buôn bán ma túy bị lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa bắt giữ trong năm 2019

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 3.388 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động bán dâm; hoạt động mại dâm rất đa dạng, trá hình, biến tướng và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn.

Trước tình hình trên, những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh này đã tập trung chỉ đạo, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, thông báo của Chính phủ về công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, đồng thời ban hành nhiều chỉ thị, đề án, chương trình, kế hoạch công tác có tính chiến lược để lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo số liệu từ Ban chỉ đạo 138 tỉnh Thanh Hóa, năm 2018 và 8 tháng năm 2019, lực lực phòng, chống ma túy tỉnh này đã bắt giữ 1.271 vụ, 1.695 đối tượng phạm tội và liên quan đến ma túy, triệt xóa 124 điểm, tụ điểm về ma túy. Bắt xử lý 18 vụ, 60 đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm, mua bán dâm; khởi tố 18 vụ, 18 bị can về hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm, xử lý hành chính 42 đối tượng mua bán dâm.

Đến cuối tháng 8/2019, toàn tỉnh đang điều trị ARV cho 3.793 bệnh nhân nhiễm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 2.602 người; cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 1.102 lượt người; cấp phát hàng vạn bơm kim tiêm và bao cao su cho các đối tượng nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm.

Thanh Hóa: Nỗ lực phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm  - Ảnh 3.

Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa trao giấy khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích trong đấu tranh với tội phạm ma túy dịp tháng 8/2019

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa cũng đã phối hợp, tổ chức nhiều buổi thảo luận nhằm làm rõ thêm những nội dung liên quan đến tình hình tội phạm trên tuyến biên giới; số người nghiện ma túy được uống Methadone, hiệu quả của việc uống Methadone; công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Từ đó đưa ra các giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng phạm tội và lây nhiễm HIV.

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, có đường biên giới giáp nước bạn Lào và đường biển dài đã tác động không nhỏ đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhưng với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo 138 tỉnh Thanh Hóa luôn được Bộ Công an đánh giá cao trong việc thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn.

Thanh Hóa: Nỗ lực phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm  - Ảnh 4.

Các em học sinh Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt thành phố Thanh Hóa hưởng ứng lễ phát động tháng cao điểm phòng chống ma túy, HIV/AIDS, phòng chống tội phạm tháng 9/2019

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra các giải pháp như: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng, tập trung ở các địa bàn trọng điểm, trong thanh thiếu niên, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và nhóm đối tượng có nguy cơ cao; Tiếp tục thực hiện tốt phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới"; tích cực thực hiện tốt đề án "Vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội trong gia đình và cộng đồng dân cư"; đẩy mạnh các hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận người cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Rà soát, phân loại đối tượng để nâng cao hiệu quả cai nghiện. Tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra tình trạng bỏ trại, trốn trại, gây án mạng trong trại; đồng thời kết hợp tốt giữa cai nghiện với dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người nghiện ma túy để sau khi cai nghiện thành công họ có thể tìm được việc làm, ổn định cuộc sống và không tái phạm trở lại. Các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; phát hiện, triệt xóa các điểm, tụ điểm ma túy, không để phát sinh các tụ điểm mới phức tạp.