Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dịp giáp Tết

Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, đáp ứng đúng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dịp giáp Tết - Ảnh 1.

Xe chở nông sản Việt Nam ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Văn Phúc (SGGP)

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), từ năm 2019 đến nay, hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có khó khăn hơn, trong đó có mặt hàng trái cây, rau củ- thông tin trên tờ Sài Gòn Giải Phóng.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng cho biết, theo chu kỳ, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán hàng năm thường rất sôi động, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm và trái cây.

Mặc dù đã có những nỗ lực giải quyết của các bộ ngành, địa phương, lực lượng chức năng tại chỗ, song tình trạng ùn ứ nông sản cục bộ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc vào dịp cao điểm vẫn tái diễn.

Vấn đề này không thể giải quyết căn cơ nếu không có những biện pháp mang tính đồng bộ và lâu dài, từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến đóng gói đến khâu giao nhận, xuất khẩu; từ cơ quan quản lý nhà nước đến hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.

Vì vậy, Bộ Công thương vừa có thông báo về tình hình xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc vào dịp Tết Canh Tý năm 2020, đề nghị doanh nghiệp, nhà vườn, người dân chủ động theo dõi sát diễn biến thông quan để đảm bảo chất lượng hàng hóa và tiến độ xuất khẩu.

Trong đó, Bộ này đề nghị các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, đáp ứng đúng yêu cầu của nước nhập khẩu; kịp thời điều tiết tiến độ vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu biên giới khi có phát sinh hiện tượng bất thường, ùn ứ.

Cách tốt nhất, doanh nghiệp cần chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại nông sản, trái cây và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất, đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về quy cách, chất lượng, nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới; nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói… như đã thỏa thuận với nước nhập khẩu.

Mặt khác, theo tờ Pháp luật TP. Hồ Chí Minh nhiều công ty xuất nhập khẩu nêu thực tế hiện chi phí logistics ngành trái cây, gạo, thủy sản của nước ta chiếm tỉ lệ rất cao, 18%-30%, cao hơn nhiều so với các nước (chỉ chiếm khoảng 12%-14%). Những loại chi phí này đẩy giá thành sản phẩm của Việt Nam tăng cao, khó cạnh tranh với các nước.

Về vấn đề này, ông Toản nhận định: "Ngay như cửa khẩu Móng Cái ở Quảng Ninh, nơi sôi động của thủy sản nhưng chúng ta mới làm được phần cứng là cầu phao. Do vậy, cần phải xây dựng hạ tầng logicstics ở biên giới, như các kho lạnh chứa nông sản giúp bảo quản kéo dài thời gian, thậm chí chi phối thị trường nguồn cung. Tôi nghĩ đây là xu hướng có tính chất quyết định về mặt phần lõi giúp giảm giá thành, giúp nông sản Việt cạnh tranh được với thế giới cả về giá và chất lượng".

Ông Toản cho biết thêm vào tháng 5/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam sẽ thăm chính thức Trung Quốc. Nhân dịp này, một số mặt hàng như sầu riêng, chanh leo, khoai lang, thạch đen, tổ yến, cá rô phi, cua, cá ngừ, ngao, sứa, rươi... sẽ được tập trung đàm phán để mở cửa chính ngạch.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải tổ chức phân luồng ở khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng logistics như kho lạnh ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), khu trung chuyển ở Lạng Sơn, trung tâm logistics ở Bắc Giang. Cùng đó là vận động các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phía Trung Quốc mở thêm các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu nông sản, trái cây tại khu vực biên giới.

Tin liên quan