Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thương binh Nguyễn Đại Hải – Làm giàu đâu chỉ để cho mình

(Dân sinh) - Cuộc chiến của dân tộc đã lùi xa mấy chục năm, với lớp trẻ bây giờ, chiến tranh chỉ còn hình dung được qua sách vở, qua những bài học lịch sử, những thước phim tư liệu... Nhưng đối với những người lính trở về từ chiến trường năm xưa, ký ức về những năm tháng hào hùng đó chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí họ và còn có một điều ngược lại đặc biệt nữa là họ vẫn luôn rất “lính” trong cuộc sống bình thường. Dấu ấn đó được thể hiện rất rõ nét với anh Nguyễn Đại Hải, một thương binh nhân hậu giữa đời thường.

Là người con của vùng Đất tổ Phú Thọ, năm 1974, theo lệnh tổng động viên anh lên đường nhập ngũ vào đơn vị Tên lửa phòng không, hành quân qua nhiều miền đất nước từ Hà Nội đến Nghệ An, Quảng Bình. Theo chiến dịch Hồ Chí Minh vào Quảng Trị, Huế , Đà Nẵng. Sau ngày đất nước thống nhất anh được cử đi học Trường sĩ quan Quân y  và anh trở thành phẫu thuật viên, như một mối duyên nợ. Anh tâm sự: "Tôi học y với tất cả sự đam mê. Tôi mê mổ lắm, ngày đó thương binh từ chiến trường về nhiều, phòng mổ không khi nào trống, các y, bác sỹ làm việc không kể ngày đêm". Nhờ chuyên cần, sau khi tốt nghiệp  anh được phân công về làm giáo viên của trường. Chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt anh được điều sang chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ.

Thương binh Nguyễn Đại Hải – Làm giàu đâu chỉ để cho mình - Ảnh 1.

Thương binh Nguyễn Đại Hải một lần trở lại chiến trường xưa

Sau những ngày tháng gian nan, anh đã hoàn thành nghĩa vụ của một thanh niên với đất nướcvà là một thương binh. Trong năm tháng ấy (14 năm) anh vẫn thường hay trăn trở: "Sao người ta cứ thích đánh nhau? Chết chóc, đau thương? Sao không để tiền mua vũ khí dùng cho việc kiến thiết hòa bình cho dân tộc sống trong hạnh phúc?". Và anh cũng tự trả lời được rằng  vốn dĩ  người ta thường thích ức hiếp những người yếu hơn mình. Muốn không bị ức hiếp chỉ có thể trở thành kẻ mạnh. Anh đã trở thành "kẻ mạnh" theo cách của riêng mình. Anh lao vào công việc, không ngừng học hỏi, tự học Anh văn và khả năng giao tiếp tốt phục vụ cho công tác nhập khẩu hàng hoá từ ngước ngoài, sau bốn năm miệt mài ngày làm tối học anh nhận bằng đại học ngành Quản trị kinh doanh, là vốn kinh doanh sau này. Trong thời điểm đất nước còn khó khăn, một trong những cái thiếu thốn của ngành y chính là hóa chất dùng trong lĩnh vực xét nghiệm. Bước chân anh đã ngược xuôi từ Bắc chí Nam để đi tìm hóa chất xét nghiệm cho ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Khó khăn chồng chất nhưng cũng không ít tình cảm chí tình trên con đường mà anh đã đi qua. Chính những điều quý giá đã làm anh thêm vững tin rằng cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. 

Thương binh Nguyễn Đại Hải – Làm giàu đâu chỉ để cho mình - Ảnh 2.

Trao quà cho người nghèo trong chương trình Kết nối yêu thương

Bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ suốt mấy chục năm và sự hiểu biết về các hóa chất trong công tác nghiên cứu khoa học, anh đã xây dựng được Công ty Hóa chất Long Hải, với số vốn vài chục tỷ đồng. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho mấy chục công nhân, niềm vui của anh khi làm giàu là còn để giúp đỡ người khác.  Khao khát lớn nhất của anh, một cựu chiến binh, một thương binh giữa đời thường là được chia sẻ xoa dịu bớt nỗi đau của những người khó khăn bất hạnh hơn mình. Trong những năm vừa qua anh là một trong những gương mặt thiện nguyện quen thuộc của báo Lao động Xã hội (Văn phòng miền Nam) trong những chương trình từ thiện. Những phần quà của anh trao tặng không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là cả tấm lòng của anh khi anh luôn luôn đi đến tận nơi, trao tận tay cho người nhận. 

Thương binh Nguyễn Đại Hải – Làm giàu đâu chỉ để cho mình - Ảnh 3.

Trao quà cho học sinh nghèo ở Hàm Tân - Bình Thuận

Cùng với trung tâm Unesco anh đã đi dọc Việt Nam đến với các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm và tặng quà cùng Nghệ sĩ Quang Đạt, đến thăm các bệnh nhân Hủi (Hansen). Kỷ niệm xúc động nhất của anh là lần đến với  Bệnh viện Phong huyện Quỳnh Lập – Nghệ An. Với cái tâm của một người lính, qua công ty của mình anh đã tự nhập hóa chất diệt ruồi từ nước ngoài về trao tặng cho bệnh viện, không chỉ hướng dẫn mọi người cách sử dụng vệ sinh phòng dịch anh còn làm cùng với bệnh viện để đảm bảo quy trình làm việc và xử lý dịch ruồi đúng cách. Bên cạnh đó anh còn đồng hành với Tổ chức Saigon Children's Charity (59 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP Hồ Chí Minh) giúp trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục  đi học phổ thông, vào đại học và ra trường có việc làm. Những đứa trẻ ở vùng quê nghèo thường có nguy cơ bỏ học sớm để mưu sinh, giờ đây được tiếp tục đến trường nhờ có những tấm lòng rộng mở giống như anh vậy. Một việc làm có ý nghĩa biết bao! Bởi vốn dĩ làm từ thiện không chỉ đơn thuần là đem đến cho người khác cái ăn, cái mặc mà điều cốt lõi nhất là cho họ một nền tảng vững chắc để phát triển tương lai. Đôi mắt anh sáng lên niềm yêu thương khi kể về những đứa trẻ, những đứa trẻ mồ côi, thiếu thốn tình thương cứ ôm chặt cán bộ của đơn vị không chịu rời dù đó là những người xa lạ. Anh hiểu rằng chúng cần nhiều hơn cả sự giúp đỡ thông thường, đó chính là  sự đồng cảm của xã hội để mở một con đường bước vào tương lai. Vào độ tuổi như anh cùng với điều kiện kinh tế đảm bảo nhiều người đã lựa chọn cho mình sự nghỉ ngơi và hưởng thụ. Nhưng với anh, với chất lính xông pha được tôi luyện từ những ngày tuổi trẻ anh vẫn chưa chịu dừng chân, anh vẫn tiếp tục đi, tìm đến những mảnh đời cần sự giúp đỡ, và truyền tải lý tưởng, khát vọng của anh về cuộc sống.

Thương binh Nguyễn Đại Hải – Làm giàu đâu chỉ để cho mình - Ảnh 4.

Câu lạc bộ Võ thuật Đất tổ

Vốn đam mê võ thuật từ nhỏ, anh đã tự đi tìm học với nhiều thầy, với nhiều môn phái nổi tiếng khác nhau và với sự nỗ lực của bản thân, anh đã sáng lập nên Câu lạc bộ Võ thuật Đất tổ chuyên dạy về phòng vệ. Triết lý võ thuật của anh: "Học thực chiến, đừng múa... không hung hăng, hãy hiền hậu tránh rắc rối... Hãy ra đòn, nếu bị ức hiếp..." Một phương châm thực tế có phần thực dụng nhưng cần thiết. Anh không ngần ngại đến những vùng hẻo lánh xa xôi, dạy cho những đứa trẻ các kỹ năng phòng vệ. Anh dạy cho chúng điều đơn giản rằng muốn bảo vệ người khác trước hết là phải biết bảo vệ bản thân mình.

Tự bao giờ Sài Gòn đã trở thành quê hương thứ hai của anh. Nơi anh đã cống hiến hơn một nửa đời người. Nhưng giống như bao người con xa quê khác, anh vẫn luôn hướng lòng mình về nguồn cội. Mỗi lần nhắc đến quê hương Phú Thọ anh vẫn rưng rưng: "Tôi nhớ đồi chè trải dài như một tấm thảm xanh mướt, tôi nhớ tiếng mưa rơi trong rừng cọ. Tiếng mưa rơi trên lá cọ đặc biệt lắm, không giống như bất cứ ở nơi nào". Những cơn mưa quê từ ngày thơ bé vẫn tắm mát tâm hồn anh đến tận bây giờ:

Ở đâu cũng có nắng có mưa

Nhưng tôi nhớ mưa quê mình lắm đấy!

Những cơn mưa tháng bảy

Trơn nhẫy đê sông Hồng,

Những cơn mưa tháng ba

Cơn mưa đầu hạ

Tiếng mưa rơi thật lạ

Tưới mát cỏ và hoa,

Đất trời như trẻ lại

Những cơn mưa ...Quê nhà!

Thương binh Nguyễn Đại Hải – Làm giàu đâu chỉ để cho mình - Ảnh 5.

Cùng lên đường làm từ thiện

Ai đã từng tiếp xúc với anh đều ấn tượng bởi chất lính đậm nét trong phong cách đời thường của anh. Và càng nói chuyện ta càng ngạc nhiên vì trong con người anh là sự tổng hòa của nhiều yếu tố rất đặc biệt: anh là một người lính, một thương binh, một bác sĩ, một thầy giáo, một võ sư và hơn hết anh sống với cuộc đời bằng tất cả nhiệt huyết, góp nhặt, chắt chiu, gìn giữ những điều tốt đẹp và cũng không quên chia sẻ những điều tốt đẹp ấy lại cho cuộc đời.