Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tìm “nút thắt” để gỡ khó cho ngành nông nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp" vừa được tổ chức, nhiều CEO trong lĩnh vực nông nghiệp đã đưa ra các ý kiến hữu ích để hiến kế nhằm tháo gỡ những khó khăn.

Nông nghiệp Việt Nam cần thay đổi về mặt tư duy

Phát biểu tại hội nghị, bà Thái Hương, nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cho rằng, nông nghiệp Việt Nam cần có thay đổi về mặt tư duy. Đó là sự đột phá, không đi theo lối mòn cũ. Nói về công nghệ không là không đủ mà phải nói tới khoa học quản trị. Theo bà Hương, muốn bán được hàng phải có thương hiệu, phải có cơ chế chính sách về văn hóa doanh nhân. Nền sản xuất của Việt Nam phải đi theo hướng hữu cơ. Nhưng để đạt được hữu cơ thì đó là cả 1 con đường dài và còn nhiều việc phải làm.

Tìm “nút thắt” để tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp - Ảnh 1.

Muốn "làm ăn lớn" thì cơ giới hóa nông nghiệp là tất yếu.

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, trong thời gian qua, nông nghiệp đã phát triển tốt nhưng đã đến lúc cần xem xét để cơ cấu lại mà chủ yếu là thị trường hội nhập kinh tế thế giới. Nông nghiệp phải theo 2 hướng: Quy mô lớn và ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với chất lượng ổn định và dựa vào phân phối tập trung ở các thị trường chiếm tỷ lệ nhất định. Thứ 2 là khi tổ chức sản xuất nhỏ hơn thì phải theo hướng tam nông. Phải dựa trên nền tảng hữu cơ và có tính thiết thực cao.

Ông Dương cho rằng, khi làm nông nghiệp quy mô lớn thì bắt buộc phải cơ giới hóa. Hiện, ngành nông nghiệp còn bị vô cơ hóa quá nặng, dẫn tới đời sống sinh học cùa sản phẩm nông nghiệp thấp. Phải làm đồng bộ cả chăn nuôi, phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ và biện pháp bảo quản hữu cơ. Ông Dương lấy ví dụ: Dưa hấu phải chở xe nóng và bảo quản được 10 ngày; thanh long bảo quản được khoảng 24 ngày. Nếu như có biện pháp bảo quản tốt thì thời gian bảo quản của các loại hoa quả sẽ được dài hơn. Về chuỗi giá trị hữu cơ thì cần phải xuyên suốt từ giống, chăm sóc, bảo quản và chứng nhận với khách hàng để tạo ra chuỗi giá trị.

Trong cơ giới hóa thì mỗi vùng yêu cầu về công năng của thiết bị khác nhau ứng với từng loại cây sẽ đòi hỏi chuyên môn về cơ giới hóa chuyên sâu. Khi làm quy mô lớn thì bắt buộc phải cơ giới hóa, từ đó giá thành sẽ rẻ. Nhưng vấn đề là sẽ tiêu thụ ở thị trường nào?. "Trong thời gian qua, 1 số tổ chức "giải cứu" và có những thông tin thái quá khiến người nông dân chạnh lòng. Nếu làm kinh doanh mà cứ chờ giải cứu thì không phải là làm kinh doanh. Người nông dân cần tham gia nền sản xuất kinh tế thị trường để có hướng sản xuất phù hợp hơn", ông Dương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản VASEP chia sẻ, 20 năm trước, thủy sản đã đi trước để xâm nhập thị trường EU. Đến nay, có 559 nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, lớn gấp 30 lần so với cách đây 20 năm. Tuy nhiên, theo ông Nam những nút thắt mà hiện nay ngành thủy sản đang gặp phải và cần được tháo gỡ đó là nguyên liệu phục vụ việc chế biến còn thiếu.

Bên cạnh đó, giá thành nguyên liệu của Việt Nam còn cao hơn so với 1 số nước sản xuất cạnh tranh với nước ta như Ấn Độ, Thái Lan từ 10 đến 20%. Tiếp đó là việc thiếu lao động phổ thông. "Với việc đầu tư những công nghệ mới thì trong ngành thủy sản đã có doanh nghiệp đầu tư những thiết bị rất hiện đại để giảm giá thành xuống còn 30 - 40% để nội địa hóa. Nhưng có công nghệ hóa hay cơ giới hóa thì lao động vẫn là yếu tố rất cần thiết", ông Nam chỉ ra những khó khăn ngành thủy sản đang phải đối mặt. Về vấn đề liên kết, ông Nam cho rằng, ngành thủy sản còn thiếu một "nhạc trưởng" để chỉ huy và đây là 1 nút thắt cần quan tâm hơn.

Điểm yếu nhất trong nền nông nghiệp là giống

Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (tỉnh Đồng Tháp) thẳng thắn nhìn nhận, điểm yếu nhất trong nông nghiệp hiện nay là về giống.

Cũng theo bà Khanh, trong thời đại hiện nay, yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm nông sản xuất khẩu và tiến tới kể cả sản xuất phục vụ thị trường trong nước là phải có truy xuất truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng tra cứu thông tin.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong quản lý môi trường sản xuất và chế biến. Khi đã số hóa được dữ liệu sản lượng, quy hoạch vùng nào nên làm gì, sản lượng cân đối giữa cung với cầu. Nếu cung tăng lên, thì cần có kế hoạch kích cầu từ vài năm trước. Còn nếu tình trạng năm được mùa, năm mất mùa thì sẽ rất mệt mỏi. Vùng nào nên nuôi cá tra, vùng nào nên trồng cây, thì cần có quy hoạch để khuếch trương thương hiệu. Số hóa cũng giúp chính phủ quy hoạch cụ thể, bản thân doanh nghiệp cũng nắm được thông tin định hướng. "Số hóa sẽ giúp người nông dân không đối phó, ngày càng văn minh hơn. Các tổ chức quốc tế đến kiểm tra điều kiện chất lượng sản phẩm cũng dựa theo thông tư, quy định của nước sở tại, nên chúng ta cần có lộ trình hợp lý, khả thi. Các quy chuẩn chất lượng, lao động cũng cần gần gũi hơn", bà Khanh nhấn mạnh.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho rằng: "Vùng nguyên liệu quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà máy chế biến. Hiện công ty liên kết với hợp tác xã, nông dân và lâm trường bởi doanh nghiệp rất khó có được những mảnh đất hàng chục nghìn ha".

Khi đã có vùng nguyên liệu, cần xác định đối thủ, tạo thế cạnh tranh riêng, phải đi song song giữa xuất khẩu tươi và chế biến. Về máy móc sản xuất nông nghiệp, ông Khuê cho rằng, vấn đề nghiên cứu lớn, nghiên cứu cơ bản nên giao cho các Trường học, các Viện. Còn nghiên cứu ứng dụng, nên giao cho doanh nghiệp như VinFast, như Trường Hải. Sau đó, các doanh nghiệp đến đặt hàng máy móc từ VinFast, từ Trường Hải. Bởi hiện nay muốn mua máy móc hiện loại nào của Đức, Mỹ đều có nhưng khi máy hỏng lại phải gửi ra nước ngoài sửa hoặc mời nhà sản xuất sang, rất lâu và tốn kém.