Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM: Gỡ khó cho nhóm đối tượng chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ do dịch Covid-19

(Dân sinh) - Hiện nay trên địa bàn TP.HCM vẫn có nhiều doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ từ Chính phủ. Vậy, nguyên nhân và khó khăn từ đâu?

Theo báo cáo từ sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tính đến ngày 28/5, TP.HCM đã hỗ trợ chi trả trợ cấp cho 263.567.000 người, cho nhóm đối tượng là người có công; bảo trợ xã hội và hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch Covid - 19. (Trong đó: hộ nghèo, cận nghèo là 107.665 người, đạt tỷ lệ 100%; người có công là 32.493 người, đạt tỷ lệ 99,83%; bảo trợ xã hội là 123.407 người, đạt đạt tỷ lệ 98,95%).

Tuy nhiên, khác với 3 nhóm đối tượng trên thì việc chi trả cho các nhóm đối tượng còn lại đến nay vẫn còn triển khai khá chậm. Thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn TP.HCM hiện tạm ngưng hoạt động, kéo theo hàng ngàn công nhân bị chấm dứt hợp đồng, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương... Vì vậy, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ được xem là "phao cứu sinh" giúp các doanh nghiệp, người lao động có thêm nghị lực vượt qua khó khăn.

TP.HCM: Cần gỡ khó cho nhóm đối tượng chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Trao tiền hỗ trợ cho nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM

Thống kê số liệu cho thấy, hiện tại thành phố mới chi hỗ trợ cho 6.225 trường hợp là lao động làm việc tại các doanh nghiệp phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (đạt tỷ lệ 11, 21%); Hỗ trợ cho 232 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp(đạt tỷ lệ 3,3 %).

Ngoài ra, thành phố cũng đã hỗ trợ chi trả cho 444 hộ kinh doanh (đạt tỷ lệ 12,94 %) và 22.078 là đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (đạt tỷ lệ 7,77%). Còn đối với nhóm đối tượng là giáo viên, nhân viên trong cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ, bị nghỉ việc không hưởng lương đến nay, hiện thành phố cũng đã giải quyết cho 6.309 người (đạt tỷ lệ 44,54%).

Bên cạnh đó, TP. HCM hiện có 53 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động nhưng hiện tại chưa doanh nghiệp nào được giải ngân khoản hỗ trợ vì qua thẩm định không có doanh nghiệp nào đủ điều kiện theo quy định.

Hiện nay, nhiều người bán vé số dạo, lao động tự do công việc không ổn định nên chỗ ở cũng không ổn định. Những người làm bảo mẫu trường mầm non tư thục, giáo viên trường dân lập, phụ việc quán cơm, bảo vệ cửa hàng, buôn bán nhỏ… cũng cần xác minh được địa điểm, việc làm. Các tổ trưởng dân phố cho biết khi lập danh sách những trường hợp này đã phải thẩm tra, bổ sung danh sách vài lần. Xác minh nhanh thì chưa chính xác, còn sót lọt đối tượng cần được hỗ trợ.

Trao đổi với PV Báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân Sinh), ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: "Tính thời điểm hiện tại hầu hết 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố cơ bản đã chi trả xong 3 nhóm đối tượng là người có công; hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội. Còn việc chi trả đối với các nhóm đối tượng là nhóm lao động tự do, lao động mất việc làm, hộ kinh doanh, giáo viên…hiện thành phố vẫn đang tiến hành triển khai, nhưng tiến độ có chậm hơn so với các nhóm đối tượng khác.

Theo ông Tấn, việc triển khai chậm nguyên nhân một phần là các đối tượng chưa có sự thống nhất, hướng dẫn cụ thể nên tại địa phương còn khó khăn trong việc rà soát, lập danh các nhóm đối tượng; Nhiều chỗ đang trong quá trình tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Nên còn sót nhiều đối tượng là lao động tự do chưa nhận được tiền hỗ trợ từ Chính phủ.

Đơn cử như, nhóm đối tượng người lao động bị ngừng việc, hoãn việc, chấm dứt hợp đồng lao động là do người sử dụng lao động chậm đối chiếu với cơ quan bảo hiểm xã hội về danh sách người lao động bị ngừng việc, hoãn việc. Thậm chí không tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, dẫn đến số lượng hồ sơ giải quyết trên thực tế được còn thấp so với thống kê do người lao động chưa đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định.

Ông Tấn cho biết, trước đó sở LĐ-TB&XH cũng đã trình đề xuất với UBND thành phố về việc hỗ trợ hộ kinh doanh và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hiên nay đề xuất cũng đã được UBND thành phố chấp thuận khi thành phố đãbổ sung thêm 830 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cải cách tiền lương của TP.HCM.

Việc này, nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải tạm ngưng kinh doanh và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ.

Ngoài ra, trong thời gian tới, sở cũng sẽ tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật lao động về các chính sách cho người lao động, cũng như hướng dẫn các quận – huyện thực hiện chế độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhằm triển khai nhanh gói hỗ trợ sau dịch Covid-19.