Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM: "Tắc" chương trình di dời 20.000 hộ dân sống ven kênh rạch

(Dân sinh) - TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 phải hoàn tất việc di dời 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch để thực hiện việc chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố có 2.953 tuyến sông, kênh, rạch. Tuy nhiên đa phần các con sông, kênh rạch đều bị người dân lấn chiếm để xây dựng nhà cửa.

Theo thống kê, TP.HCM hiện có 21.851 nhà ven kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở quận 8 (gần 10.000 căn), quận Bình Thạnh (hơn 1.800 căn), quận 7 (hơn 1.700 căn), quận 4 (hơn 1.600 căn)...

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.

Kế hoạch đã đề ra nhưng đến nay toàn thành phố mới di dời được 2.400 hộ gia đình trong tổng số 20.000 hộ trên và ven kênh, rạch.

Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân của việc "tắc" chương trình di dời 20.000 hộ dân sống ven kênh rạch do nguồn vốn ngân sách của thành phố dành cho chương trình chưa tương xứng với nhu cầu.

TP.HCM: Gặp nhiều khó khăn trong việc di dời 20.000 hộ dân ven kênh, rạch  - Ảnh 1.

Đến nay, toàn thành phố mới di dời được 2.400 hộ gia đình trong tổng số 20.000 hộ trên và ven kênh, rạch.

Cụ thể, để hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố sẽ phải thực hiện 65 dự án với tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư ước tính hơn 44.000 tỷ đồng với nguồn vốn ngân sách bỏ ra là 22.000 tỷ đồng, vốn xã hội hóa bằng hình thức PPP khoảng 19.000 tỷ đồng và số tiền còn lại từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị.

Một nguyên nhân khác cũng được Sở này đưa ra là trình tự thực hiện thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách là rất phức tạp, kéo dài gồm nhiều giai đoạn.

Chưa kể, các vấn đề về trượt giá, điều chỉnh nguồn vốn, tổng mức đầu tư nên phải trình cấp thẩm quyền phê duyệt thủ tục điều chỉnh; chậm tiến độ, không kịp ghi kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm; vướng mắc trong áp giá bồi thường công trình, vật kiến trúc; khó khăn trong cơ chế, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Đặc biệt, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện trong việc thực hiện dự án cũng là một nguyên nhân rất quan trọng khiến chương trình này suốt nhiều năm vẫn giậm chân tại chỗ…