Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TPHCM: Trẻ suýt mất mạng vì học “thắt cổ” trên YouTube

Nhập viện trong tình trạng hôn mê vì học theo trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" như hướng dẫn trên YouTube, một bé trai 7 tuổi tại TP.HCM suýt mất mạng.

TPHCM: Trẻ suýt mất mạng vì học “thắt cổ” trên YouTube - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: thesun.co.uk).

Theo lời kể của gia đình, khi phát hiện, bé đang trong tình trạng thắt cổ bằng khăn quàng đỏ, treo trên dây phơi của gia đình. Lúc này, bé đã trong tình trạng tím tái, không thở được.

Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 và được hồi sức cấp cứu, bé đã tỉnh lại. Bé kể với gia đình là hay xem những trò ma quỷ, ảo thuật trên YouTube. Trong đó có trò hướng dẫn cách thắt cổ, nhưng dù thắt cổ xong những nhân vật trên YouTube vẫn thở, vẫn sống được nên cháu làm theo.

Theo khuyến cáo của Viện Nhi khoa Mỹ, trẻ từ 6 đến 10 tuổi, thời gian tiếp xúc màn hình nên ít hơn 2 giờ một ngày nếu không có sự đồng hành của người lớn.

Những trẻ xem nhiều chương trình bạo lực thì có nhiều khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn hơn những trẻ ít hoặc không xem chương trình bạo lực. Nguy cơ này càng tăng cao nếu trẻ sống trong môi trường có những người xung quanh sử dụng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn.

Trẻ xem những hình ảnh bạo lực có thể gây ám ảnh nhưng không phải trẻ nào cũng mắc. Trẻ chưa đủ nhận thức để nhận biết sự nguy hiểm thật sự của trò chơi đó mà bắt chước những hành động, những trò chơi mà trẻ xem sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Bác sĩ Triết khuyên các bậc phụ huynh cần cho trẻ hạn chế thời gian tiếp xúc màn hình một mình ít hơn 2 giờ/ngày. Các bậc phụ huynh nên sắp xếp để tương tác đồng thời kiểm soát nội dung trẻ đang theo dõi cho phù hợp.

TPHCM: Trẻ suýt mất mạng vì học “thắt cổ” trên YouTube - Ảnh 2.

Các phụ huynh nên hạn chế cho bé một mình xem điện thoại trong nhiều giờ liền - Ảnh: D. PHAN.

Tùy theo sở thích của trẻ và mục tiêu phát triển mà các bậc phụ huynh mong đợi ở trẻ, các bậc phụ huynh sẽ lựa chọn, khuyến khích trẻ theo dõi những chương trình phù hợp với trẻ. Phụ huynh có thể cùng xem và cùng trẻ thảo luận những vấn đề được trình chiếu trong lúc theo dõi chương trình.

Các bậc phụ huynh cần học những kỹ năng dạy con tích cực, không sử dụng bạo lực với trẻ mỗi khi trẻ không nghe lời để đạt được hiệu quả dạy trẻ như mong muốn.

Sắp xếp cho trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời như chơi thể thao, đi câu cá... để giảm bớt thời gian tiếp xúc màn hình ở trẻ.