Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tránh mắc bẫy giảm giá ngày Black Friday

(Dân sinh) - Những chiêu trò câu khách ngày Black Friday như: Sale sốc, sale sập sàn, giảm lên tới 70-90%... người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng trước hàng loạt "bẫy mua sắm" từ các nhà bán lẻ.

Tránh mắc bẫy giảm giá ngày Black Friday - Ảnh 1.

Black Friday không chỉ là dịp cho khách hàng mua đồ rẻ, mà còn là thời gian vàng để các cửa hàng “giăng bẫy”.

Trong dịp Black Friday, để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, các nhà bán lẻ thường đưa ra thông tin khuyến mại về những sản phẩm chỉ có số lượng hạn chế. Thậm chí, số hàng giảm giá cũng bị giới hạn cả về thời gian. Tuy nhiên, đừng vội tin ngày, bạn nên tìm hiểu thật kỹ xem món hàng đó có thực sự khan hiếm như lời quản cáo hay không. Đặc biệt, nó có cần thiết với nhu cầu sử dụng của gia đình không?

Nắm bắt tâm lý theo số đông của hầu hết người tiêu dùng, các hãng thường đưa thông tin đã nhiều khách đặt mua trước, thậm chí phải xếp hàng dài mới đến lượt mua.

Thông tin này chắc chắn kích thích tâm lý người tiêu dùng sốt ruột muốn đến xem và mua hàng theo số đông.

Nhiều chương trình quảng cáo rầm rộ trước ngày Black Friday của các nhãn hàng tạo cảm giác cho người tiêu dùng suy nghĩ các hãng bán lẻ sẽ giảm giá xuống mức thấp nhất.

Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc thật kỹ bởi không ít người mua phát hiện họ không nhận được khuyến mại nhiều như trong quảng cáo đã đưa ra.

Một số thương hiệu nâng giá thành sản phẩm cao hơn so với thực tế để đến khi khuyến mại, họ sẽ hạ giá xuống ở mức vừa đủ, để không lỗ mà lại còn đạt doanh thu về số lượng bán ra.

Thậm chí, có thể đăng tin giảm giá 50% nhưng bán hàng toàn đồ giảm... 5% với lý do hàng 50% đã được bán hết.

Tránh mắc bẫy giảm giá ngày Black Friday - Ảnh 2.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng đồng loạt giảm giá trong ngày Black Friday.

Từng là nhân viên của một cửa hàng thời trang trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), chị N.L cho biết thực chất các dịp khuyến mãi như: Black Friday, Ngày độc thân,... là cơ hội vàng cho các cửa hàng vừa xả hàng tồn vừa tăng doanh thu với hàng mới. "Tâm lý người tiêu dùng cứ có chữ 'giảm giá sốc' hay 'giảm giá 80%' là sẽ vào cửa hàng xem. Nếu họ không mua hàng sale thì cũng xem thêm các sản phẩm mới, thấy ưng sẽ mua tiếp", chị N.L chia sẻ.

Theo chị, mỗi lần đến các đợt giảm giá lớn các cửa hàng đều phải tính toán kỹ từ cách bố trí sản phẩm giảm giá, số lượng là bao nhiêu đến số phần trăm giảm giá… Để tránh mua phải hàng tồn, chị N.L khuyên khách hàng nên xem xét từng đường kim, mũi chỉ trên các sản phẩm trước khi thanh toán. Vì hàng mua ngày Black Friday chỉ được xem, không được thử và miễn đổi trả.

Theo nhiều người tiêu dùng họ đã không còn hào hứng với mức giảm giá 50-80% trong những dịp Black Friday. Tâm sự trong một hội nhóm trên mạng xã hội, tài khoản Nguyen Kim chia sẻ chị từng mua một lọ mỹ phẩm giảm giá trong ngày Black Friday, tuy nhiên, về nhà mới nhận ra sản phẩm chỉ còn 3 tháng nữa là hết hạn sử dụng. "Làm vậy sẽ khiến khách hàng mất lòng tin và ngày thứ 6 đen tối sẽ không còn ý nghĩa gì nữa", chị nói.

Thực tế, không có nhu cầu mua sắm, nhưng với tâm lý ngày hội giảm giá "ai cũng mua, chẳng lẽ mình không mua" đã khiến nhiều người lao vào các cuộc săn sale.

Tránh mắc bẫy giảm giá ngày Black Friday - Ảnh 3.

Người mua không tỉnh táo dễ dàng bị sa đà vào cơn lốc mua sắm mùa giảm giá.

Theo một số người chuyên "săn" hàng giảm giá, trong các đợt sale, bên cạnh nhiều sản phẩm sale ảo cũng có một số giá tốt hơn thường ngày. Người dùng không nên chú trọng vào số phần trăm giảm giá mà nên tìm hiểu, khảo sát giá tại nhiều nơi, thời điểm khác nhau.

Đối với Hồng Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội), dịp Black Friday mỗi năm là lúc cô lên kế hoạch tìm mua những sản phẩm phù hợp và cần thiết với mức giá tiết kiệm. Theo Nhung, việc lên danh sách những món đồ cần mua rất quan trọng trước khi vào mùa sale. Những chương trình giảm giá sẽ dễ khiến bạn phân vân và rơi vào tình trạng mua nhầm các sản phẩm không cần thiết.

"Điều quan trọng là bạn phải có một cái đầu lạnh thay vì thấy giảm giá là muốn mua. Đừng nghĩ rằng mình sẽ tiết kiệm tiền nhờ mua hàng giảm giá mà hãy suy nghĩ, cân nhắc xem sản phẩm đó có thực sự cần thiết hay không? Và sản phẩm có phù hợp với túi tiền của mình hay không?", Nhung nói.

Ngoài ra, một số người tiêu dùng còn có thói quen sử dụng ứng dụng so sánh giá để biết được giá thực của sản phẩm này cũng như lịch sử mức khuyến mãi của sản phẩm.