Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trung tâm DVVL Cần Thơ: Tăng cường tạo nguồn, kết nối doanh nghiệp

Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm DVVL Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đã mang lại những hiệu quả rất tích cực, góp phần rất lớn trong việc kết nối nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Trung tâm DVVL Cần Thơ: Tăng cường tạo nguồn, kết nối doanh nghiệp - Ảnh 1.

Cán bộ công nhân viên và người lao động Trung tâm DVVL TP. Cần Thơ

Trong năm 2019, Trung tâm đã tư vấn nghề nghiệp, việc làm và quan hệ lao động cho 135.618 lượt người lao động, đạt 100,46% kế hoạch năm, tăng 17,31% so với cùng kỳ năm 2018; Kết nối việc làm trong nước cho 13.277 lượt lao động, đạt 120,7% kế hoạch năm, tăng 31,95% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến tháng 2/2020, Trung tâm đã tư vấn nghề nghiệp, việc làm và quan hệ lao động cho 20.179 lượt người lao động; Kết nối việc làm trong nước cho 1.494 lượt lao động, đạt 10,67% kế hoạch năm.

Để đạt được kết quả nêu trên, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối việc làm, cụ thể:

Tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm thường xuyên

Thay đổi hoạt động của Ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng thứ Sáu hàng tuần được chuyển sang tổ chức hàng ngày từ năm 2018. Các hoạt động tư vấn về tạo dựng hình ảnh, lập hồ sơ dự tuyển, hướng dẫn kỹ năng dự phỏng vấn đã được chuyển đổi sang thực hiện hàng ngày tại các Gian tư vấn chuyên sâu và các hoạt động khác như giao dịch việc làm với chất lượng tổ chức cao hơn. Kết quả đã tư vấn việc làm cho 1.755 người, kết nối việc làm cho 2.020 lượt lao động.

Tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm đặc thù

Trong năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức nhiều hoạt động giao dịch việc làm đặc thù, cụ thể như sau: tổ chức 20 điểm tư vấn tuyển dụng lao động tại các quận, huyện; Ngày hội tuyển dụng học sinh, sinh viên ở các trường: Đại học Cần Thơ, Đại học Nam Cần Thơ, Đại học Tây Đô, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Đại học Kỹ thuật công nghệ; Ngày hội việc làm cho lao động nữ; Phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận; Phiên giao dịch việc làm dành cho người thất nghiệp; Ngày hội tuyển chọn lao động đi làm việc và học tập ở nước ngoài theo hợp đồng; Ngày hội việc làm cho lao động nông thôn. Kết quả đã thu hút được 875 lượt nhà tuyển dụng tham gia với khoảng 9.462 chỗ làm việc trống cần tuyển nhân lực; có 9.414 lượt lao động đến dự; Trung tâm đã tư vấn và kết nối việc làm được cho 5.308 lượt lao động.

Trung tâm DVVL Cần Thơ: Tăng cường tạo nguồn, kết nối doanh nghiệp - Ảnh 2.

Người lao động tham gia tìm việc làm tại Trung tâm DVVL TP. Cần Thơ

Thực trạng cung - cầu lao động trên địa bàn

Theo đánh giá từ Trung tâm, thị trường lao động thành phố Cần Thơ năm 2019 đã và đang có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường vẫn còn rất lớn, dẫn đến việc phát triển thị trường lao động vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung - cầu lao động về cả số lượng và chất lượng.

Xã hội phát triển và tiến tới nền công nghiệp 4.0, trong đó công nghệ sẽ thay thế nhiều công việc giản đơn và cả một số công việc trí thức, đòi hỏi người lao động phải có các yếu tố sau: năng lực hành nghề, kỹ làm việc nhóm và giao tiếp, tính kỹ luật trong công việc, khả năng thành thạo công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Tuy nhiên, nguồn lao động của thành phố vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu này, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp thiếu lao động có tay nghề cao phù hợp trong từng lĩnh vực hoạt động, trong khi nhiều sinh viên, học sinh sau khi đào tạo ra trường phải làm trái ngành trái nghề.

Một trong những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu lao động có trình độ đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều doanh nghiệp trong nước không thể tìm đủ lao động có trình độ tay nghề cao. Đa số sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm là rất khó khăn. Nguyên nhân ở đây không phải là thiếu việc làm mà là do thiếu người làm được việc, đáp ứng được yêu cầu công việc.

Vai trò cung ứng, điều tiết thị trường trong vùng ĐBSCL

Với vai trò là đầu mối tổ chức các hội nghị, hội thảo liên quan đến thị trường lao động trong khu vực. Định kỳ hàng năm tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, tổ chức cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong khu vực thông qua các Trung tâm DVVL của vùng. Vì vậy, để hạn chế tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động, cân bằng và thúc đẩy thị trường lao động phát triển, giảm bớt mất cân đối giữa đào tạo và yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Theo Trung tâm cần có những giải pháp thực tế như:

- Đối với các doanh nghiệp: ngoài việc tăng cường sản xuất kinh doanh, nâng cao uy tín trên thị trường để tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện để người lao động có cơ hội được thể hiện và phát triển năng lực chuyên môn, cần có những chính sách thăng tiến, phúc lợi rõ ràng để tạo động lực làm việc và giữ chân người lao động.

- Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Cần xác định các ngành nghề đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của thị trường lao động, để xây dựng chiến lược phát triển chung của nhà trường và nhiệm vụ đào tạo. Đổi mới nội dung và chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Phối hợp với doanh nghiệp cùng tham gia tuyển sinh theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp, coi tuyển sinh của trường là tuyển dụng của doanh nghiệp; ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho người học.

- Đối với người lao động, học sinh, sinh viên: cần nhận thức rõ xu hướng thị trường lao động, tận dụng năng lực bản thân, chủ động tham gia vào quá trình đào tạo, không chỉ về chuyên môn kỹ thuật mà cần chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển kinh tế xã hội: kỹ năng chuyên môn đáp úng cho từng loại công việc, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ trong công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc tập thể.

Đa dạng hình thức, tăng cường công tác tạo nguồn lao động, kết nối doanh nghiệp

Về phía Trung tâm, tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ thị trường lao động, tăng cường quảng bá trên mạng xã hội, kết nối các Trung tâm DVVL các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long qua kết nối trực tuyến, tại các ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm cho người thất nghiệp… Hình thức tuyển dụng lao động trực tuyến phát triển mạnh cùng với các chính sách tuyển dụng linh hoạt, thông tin chính sách sử dụng lao động hỗ trợ sinh viên, học sinh, người lao động tìm việc rõ ràng, công khai. Tăng cường tư vấn kết nối việc làm cho đối tượng đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp bằng nhiều hình thức tại Trung tâm để họ nhanh chóng quay lại thị trường lao động, nhất là đối với đối tượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Trung tâm DVVL Cần Thơ: Tăng cường tạo nguồn, kết nối doanh nghiệp - Ảnh 3.

Lao động được tư vấn kỹ năng và học nghề cũng như giới thiệu việc làm khi đến với Trung tâm DVVL TP. Cần Thơ

Triển khai thực hiện Kế hoạch tạo nguồn lao động để cung ứng cho doanh nghiệp năm 2020, Trung tâm đã đa dạng hóa hình thức hoạt động nhằm giúp kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động.

Gọi điện thoại: Tập huấn cho những người được phân công gọi điện thoại để mời gọi người lao động. Cuộc gọi nhằm mục đích khảo sát ban đầu, sau đó phân loại danh sách theo từng nhóm ứng viên để có biện pháp thích hợp tiếp theo.

Tư vấn trực tiếp: Tư vấn viên tại các phòng chuyên môn của Trung tâm đang thực hiện việc tư vấn trực tiếp người lao động sẽ tư vấn về đơn hàng tuyển dụng. Hình thức tư vấn 1-1 hay tư vấn nhóm tùy vào số lượng lao động để tổ chức phù hợp.

Tư vấn trên kênh thông tin giao dịch trên mạng do Trung tâm quản lý: vieclamcantho.vn, Facebook và Zalo: Kiểm tra thường xuyên các tương tác của người lao động trên các kênh của Trung tâm. Gọi điện thoại hoặc trao đổi trên môi trường mạng để mời gọi ứng viên.

Tư vấn trên nhóm cộng đồng trên Zalo, tập trung tất cả các lao động có số điện thoại vào chung nhóm cộng đồng: Sử dụng số điện thoại của người lao động để mời tham gia vào nhóm tìm việc lao động phổ thông do Trung tâm quản trị. Gửi thông tin cần thiết về nhu cầu tuyển dụng và tư vấn đối với thành viên có tương tác trên nhóm qua Zalo hoặc gọi điện thoại tùy từng trường hợp.

Đăng tải thông tin trên tài khoản mạng xã hội của cá nhân: Mỗi công chức, viên chức, người lao động đang sử dụng tài khoản trên mạng xã hội của cá nhân về thông tin tuyển dụng và chế độ đãi ngộ cho người giới thiệu và ứng viên bằng cách chia sẻ bài trên Trang mạng xã hội do Trung tâm quản lý hoặc sử dụng nội dung đó để đăng lại trên tài khoản cá nhân, khuyến khích bạn bè, người thân cùng chia sẻ.

Tăng cường tìm kiếm doanh nghiệp phù hợp: Gửi Thư ngỏ giới thiệu về Trung tâm và các hoạt động cung ứng lao động, các chính sách, chế độ đãi ngộ đến doanh nghiệp; Liên hệ, gặp gỡ trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp; Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội.

Trang bị kỹ năng, kiến thức cho lao động để nâng cao chất lượng cung ứng: Tư vấn trực tiếp tại phòng làm việc, người lao động sẽ được tư vấn về các kỹ năng tìm việc, như kỹ năng làm hồ sơ dự tuyển, viết C.V, kỹ năng tạo dựng hình ảnh trước nhà tuyển dụng, kỹ năng dự phỏng vấn; Tổ chức các buổi tư vấn tập thể, tư vấn theo nhóm khi lao động có nhu cầu tìm việc và cùng ứng tuyển vào một đơn hàng của Trung tâm.