Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Truyền thông thay đổi định kiến giới

Nhằm cung cấp, cập nhật những kiến thức, kỹ năng cơ bản để xây dựng các sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới, tránh định kiến giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, trong hai ngày 18-19/9/2019, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Tập huấn về Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho phóng viên và người làm truyền thông.

Phụ nữ chịu bạo lực chủ yếu từ chồng

Theo số liệu thống kê cho thấy, phụ nữ làm việc theo dạng có hợp đồng trả lương cao hơn, nam giới chiếm đa số việc làm có lương nhưng không ký hợp đồng, vì vậy cơ hội hưởng bảo hiểm, ổn định công việc của phụ nữ cao hơn. 26,1% phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo, 52,1% phụ nữ nằm trong nhóm lao động giản đơn, 66,6% phụ nữ lao động gia đình.

Phụ nữ nhận lương thấp hơn 12,6% so với nam giới cùng trình độ, dân tộc, độ tuổi. Thu nhập theo giới còn chênh lệch hơn do 66% việc làm là không được trả lương. Năm 2015, gần 52% lao động nông nghiệp là nữ; 48% là nam; 55 phụ nữ tự làm phi nông nghiệp là nữ, so với 45% là nam.

Truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới thực chất - Ảnh 1.

Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Trần Thị Bích Loan giới thiệu về thông điệp tháng hành động về bình đẳng giới.

Báo cáo khoảng cách giới năm 2015 cho thấy, tỷ lệ nữ công chức cao nhưng tỷ lệ ở cương vị ra quyết định thấp. Tỷ lệ lãnh đạo nữ chưa đạt các chỉ tiêu. 26% doanh nghiệp có quản lý cấp cao là nữ; 59% doanh nghiệp có phụ nữ tham gia làm chủ doanh nghiệp. Việt Nam đứng thứ 76 trong tổng số 108 quốc gia về tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý.

Trong gia đình, hơn một nửa phụ nữ kết hôn bị bạo hành. Tại Việt Nam, 71,44% nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em gái. Phần lớn đối tượng có hành vi bạo lực chính là người chồng trong gia đình đó. Cứ 3 phụ nữ có 1 nạn nhân bị chồng bạo lực về thể xác hoặc tình dục (34%). Đặc biệt là bạo lực do chồng cao gấp 3 lần so với do một người khác gây ra. Tuy nhiên đa số các nạn nhân vẫn chọn giải pháp im lặng. 50% chưa từng nói với ai về tình trạng của mình. 87% chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH và ActionAID năm 2017, thời gian làm việc chăm sóc không lương của nam giới là 169 phút/ngày, của phụ nữ là 274 phút/ngày (162%).

Truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới thực chất - Ảnh 3.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu của UNFA về bạo lực đối với phụ nữ, bà Hà Quỳnh Anh- Chuyên gia giới và Nhân quyền của UNFA cho biết, bạo lực trên cơ sở giới xảy ra rất đa dạng và có thể xảy ra trong suốt vòng đời của người phụ nữ: Cụ thể trước khi sinh (phá thai do lựa chọn giới tính khi sinh) và trong suốt thời gian trong bụng mẹ không được chăm sóc. Khi đến tuổi sơ sinh trẻ em nữ bị giết, sao nhãng không được quan tâm. Trẻ em bị bạo hành, trẻ em suy dinh dưỡng, bị cắt bỏ bộ phận sinh dục. Khi đến tuổi vị thành niên: Trẻ em nữ bị ép kết hôn sớm, buôn bán người, ép buộc hành nghề mại dâm, quấy rối tình dục, tấn công tình dục, bạo lực tậm lý. Đến tuổi sinh sản: Bị buôn bán người, tấn công tình dục, bạo hành, giết người chiếm của hồi môn, ép buộc sinh. Đến tuổi già: bạo hành người già, góa phụ bị bạo hành. Những hình thức bạo lực chủ yếu: Bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý, kinh tế.

Truyền thông thay đổi định kiến giới

Phát biểu tại lớp tập huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) Trần Thị Bích Loan cho biết, trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vị thế, vai trò người phụ nữ ở nước ta ngày càng được nâng cao và có thêm rất nhiều phụ nữ tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ, năng lực, đạo đức con người mới. Việc hoàn thiện pháp luật, chính sách của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của chính bản thân phụ nữ đã mang lại những thành tựu trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới thực chất - Ảnh 4.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh chia sẻ kết quả nghiên cứu của UNFA về vòng đời người phụ nữ phải qua bạo lực.

Tuy nhiên, những thành tựu đó vẫn chưa thực sự bền vững. Những quan niệm truyền thống cứng nhắc về các giá trị và vai trò của nam giới và phụ nữ tồn tại dai dẳng như là một thách thức, trở ngại lớn trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Giá trị này đã ăn sâu trong quan niệm và tâm thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ nên trong nhiều trường hợp, họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc và cả sự tiến bộ của mình để thực hiện vai trò đó và coi đó như là "thiên chức" của mình. Ý thức đó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phụ nữ không chỉ là nạn nhân của bạo lực mà còn là nạn nhân của định kiến xã hội.

Trường hợp người vợ bạo hành chồng thì sẽ bị xã hội lên án gay gắt và coi đó là chuyện “tày trời”, không thể chấp nhận được. Trong khi đó, nhiều người tin rằng, việc nam giới bạo hành với phụ nữ là điều đương nhiên và thường đổ lỗi cho người phụ nữ. Chính từ quan niệm này mà bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái trở nên phổ biến từ trong gia đình cho tới ngoài xã hội.

Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới"

Theo bà Trần Thị Bích Loan, để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, các chính sách, chương trình và đặc biệt là vai trò của truyền thông cần làm thay đổi được những quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của phụ nữ và nam giới. "Hy vọng thông qua lớp tập huấn cùng với trách nhiệm nghề nghiệp, các phóng viên, biên tập viên, tuyên truyền viên, những cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới sẽ có những đóng góp quan trọng trong việc trong việc thông tin, định hướng dư luận, góp phần thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới" - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới bày tỏ hy vọng.


Với chủ đề "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 diễn ra từ ngày 15/11 – 15/12. Thông điệp truyền thông của tháng hành động:

Hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019

Hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2019

Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Hãy hành động, đó có thể là người thân của bạn

Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em

Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại tình dục

Hãy hành động để chấm dứt xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em

Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị xâm hại

Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc cản trở sự tham gia của phụ nữ trong lao động

Hãy tố cáo khi bị quấy rối tình dục

Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn.