Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tưởng nhớ Nguyễn Chánh Tín, phát lại Ván bài lật ngửa trên truyền hình

Bộ phim nổi tiếng gắn liền với tài tử Nguyễn Chánh Tín Ván bài lật ngửa sẽ được kênh HTVC Thuần Việt phát sóng lúc 19h từ ngày 8-1 như một lời chia tay với người nghệ sĩ tài hoa.

 - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín

Trong ngày 8-1, linh cữu của Nguyễn Chánh Tín sẽ được hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước.

Ván bài lật ngửa là phim đen trắng 8 tập về đề tài tình báo do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất trong những năm 1982 - 1987.

Phim mô phỏng quãng đời hoạt động của các nhân vật gián điệp có thật ngoài đời hoạt động trong lòng địch trong kháng chiến chống Mỹ. Nguyễn Chánh Tín vào vai Nguyễn Thành Luân, cùng ca sĩ Thanh Lan và Thúy An...

 - Ảnh 2.

Nguyễn Chánh Tín trong phim Ván bài lật ngửa

Ván bài lật ngửa có 8 tập: Đứa con nuôi vị giám mục, Quân cờ di động, Phát súng trên cao nguyên, Cơn hồng thủy và bản Tango số 3, Trời xanh qua kẽ lá, Lời cảnh cáo cuối cùng, Cao áp và nước lũ và Vòng hoa trước mộ.

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, phim đoạt Giải đặc biệt với tập Đứa con nuôi vị giám mục.

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, tập Trời xanh qua kẽ lá đoạt giải Bông sen bạc, đồng thời giành luôn giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Nguyễn Chánh Tín.

38 năm trôi qua, cho đến tận bây giờ, nhắc đến "Ván bài lật ngửa", giới chuyên môn và khán giả vẫn phải thừa nhận đó là bộ phim thành công nhất về đề tài tình báo. Những năm 80 của thế kỷ trước, điện ảnh Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, sơ khai nhưng bằng chính yếu tố con người mà bộ phim "Ván bài lật ngửa" trở nên bất hủ. Đó là những cái tên như: Nhà văn Trần Bạch Đằng viết kịch bản, đạo diễn Lê Hoàng Hoa, dàn diễn viên tên tuổi Chánh Tín, Thương Tín, Thanh Lan, Thúy An, Trần Quang, Lê Cung Bắc, Lý Hùng, Robert Hải…

Là một bộ phim lịch sử về nhân vật có thật - điệp viên Phạm Ngọc Thảo nhưng đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã biến nó trở thành một bộ phim không chỉ có nội dung hấp dẫn mà còn lôi cuốn ở cách kể chuyện. Sự khác biệt đó có được là nhờ những năm tháng ông được học bổng của International Cooperation Administration (ICA) và là đạo diễn đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ du học về điện ảnh. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã gắn câu chuyện với yếu tố thời cuộc, biến nó từ phim trở thành kho tư liệu quý giá. Đó là bối cảnh Sài Gòn, văn hóa thời Mỹ - Diệm; là chất hành động với những cảnh rượt đuổi xe hơi trên đường đèo không kém gì phim Mỹ; những màn đấu trí thông minh hồi hộp không kém gì các bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Xô Viết. Khó có thể tin được rằng ở thời điểm sơ khai ấy, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã đưa vào phim cả những phân cảnh có tàu chiến, sử dụng trực thăng và đại cảnh lên đến 20.000 người. Bối cảnh của phim cũng trải dài ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, từ Đà Lạt, Tây Nguyên, Bến Tre, Nha Trang, Huế, đến Phnompenh – Campuchia, Lào... với những thước phim vừa gay cấn, vừa đậm chất điện ảnh, thơ mộng và lãng mạn.

Trong số đó, hình tượng thành công nhất, đẹp nhất mà đạo diễn Lê Hoàng Hoa tạo dựng được chính là kỹ sư Nguyễn Thành Luân, do nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín thủ vai. Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín vào vai thành công đến mức, người ta ngỡ rằng đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã "đo ni đóng giày" cho vai diễn. Còn với khán giả, nếu phim có làm lại thì cũng khó có diễn viên nào có thể hợp vai và thành công hơn thế. Không chỉ đẹp trai, lãng tử, Nguyễn Chánh Tín sở hữu đôi mắt biết nói, lối diễn xuất lạnh, khó đoán định đặc trưng của một điệp viên nhưng ẩn sau đó là sự thông minh, sắc sảo và chiều sâu nội tâm làm lung lạc người xem. Ngay cả khi ông không hề diễn xuất, chỉ thong dong bước đi trong cánh rừng cao su mùa rụng lá, đôi mắt với ánh nhìn xa xăm, sau lưng là nắng chiếu và rừng chiều… cũng đủ làm xao xuyến thế hệ khán giả đến tận bây giờ. Người ta nói, những cảnh phim đẹp thì nhiều nhưng để ám ảnh và trở thành biểu tượng như vậy thì vô cùng hiếm hoi. Và chỉ riêng khoảnh khắc đó thôi cũng đủ ghi dấu ấn một đời của đạo diễn và diễn viên.

Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín từng nhận xét về đạo diễn Lê Hoàng Hoa rằng: "Đó là một "phù thủy" của điện ảnh Việt Nam. Trong bộ phim này, bên cạnh vai chính còn có hàng chục vai thứ chính, đều rất quan trọng. Ngoài số diễn viên có nghề, đã thành danh như: Trần Quang, Thương Tín, Thanh Lan, Thúy An ra, còn lại các vai: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục, Lại Văn Sang… đều được thể hiện bởi những khuôn mặt hết sức xa lạ, lần đầu tiên xụất hiện trước ống kính. Vậy mà, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã nhào nắn họ trở thành những diễn viên còn hơn cả chuyên nghiệp. Nhân vật Ngô Đình Nhu, gai góc đến thế, lại được giao cho một người hành nghề bán quần áo rất bình thường. Tôi đã tham gia trên dưới 100 phim nhưng đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã để lại trong ký ức của tôi những ấn tượng sâu sắc nhất".

Trích đoạn Ván bài lật ngửa tập 8 - Vòng hoa trước mộ