Ngày 26/11, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Văn Điệp (SN 1965) ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 117 Bộ luật hình sự.
Trước đó, theo kết quả điều tra của cơ quan An ninh điều tra tỉnh Thanh Hóa, Phạm Văn Điệp là đối tượng cơ hội chính trị, đã từng đi du học tự túc tại Liên bang Nga, sau đó bỏ học và tham gia vào tổ chức Đảng Dân chủ 21.
Từ năm 2010 đến nay, Phạm Văn Điệp thường xuyên sử dụng mạng xã hội facebook để tuyên truyền chống phá Nhà nước.
Trong đó, Điệp đã nhiều lần về nước trực tiếp tham gia cổ xuý, kích động nhân dân biểu tình trong các sự kiện: Nhà máy Formosa xả thải ra biển miền trung (năm 2016); biểu tình phản đối Quốc hội thông qua Luật Đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng (năm 2018)..vv.. Tháng 6-2016, Phạm Văn Điệp đã bị chính quyền nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào bắt giữ về hành vi làm và rải truyền đơn chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam tại tượng đài chiến thắng ở Thủ đô Viên Chăn (Lào) và bị kết án 21 tháng tù giam về tội “Sử dụng lãnh thổ nước “Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào chống lại nước láng giềng”.
Sau khi ra tù, Điệp được trao trả về Việt Nam, nhưng với bản tính ngoan cố, phản động, đối tượng này tiếp tục sử dụng trang facebook cá nhân “Phạm Văn Điệp” để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video clip có nội dung xấu, chống phá Đảng, Nhà nước và bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bịa đặt, suy diễn thiếu căn cứ gây hiểu lầm, hoang mang cho cộng đồng người dùng facebook và trong nhân dân nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ...
Đặc biệt từ tháng 3/2019 đến khi bị bắt, Phạm Văn Điệp đã liên tục đăng tải các bài viết và live stream các clip kích động nhân dân biểu tình phản đối dự án xây dựng Quảng trường biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), gây phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.
Tại phiên Tòa xét xử, căn cứ lời khai, chứng cứ tại tòa, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử xác định đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng gây tổn hại lớn đến an ninh chính trị Quốc gia, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, của thể chế chính trị chế độ, Nhà nước... hành vi phạm tội trên của bị can cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Hội đồng xét xử tuyên phạt Phạm Văn Điệp 9 năm tù giam.