Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Về quê hương Nguyễn Du nghe làn điệu Trò kiều

(Dân sinh) - Thôn An Mỹ, xã Tiên Điền, quê hương của đại thi hào Nguyễn Du là cái nôi của làn điệu Trò kiều nổi tiếng, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, nhưng cũng "ba chìm, bảy nổi" như thân phận của nàng Kiều.

Về quê hương Nguyễn Du nghe làn điệu Trò kiều - Ảnh 1.

Khu tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)

Cho tới nay chưa có sử sách nào ghi rõ ông tổ của làn điệu Trò kiều là ai, nhưng có giả thiết có vẻ rất hợp lí cho rằng, Trò kiều là loại hình nghệ thuật với lời thoại dựa trên Truyện Kiều bất hủ còn được gọi là "Chân dung". Làn điệu này do ông Nguyễn Ngụ, người làng Tiền, nay là thôn An Mỹ, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), hậu duệ đời thứ 3 của Nguyễn Du sáng lập nên cách đây hơn 100 năm, trên cơ sở phóng tác từ các làn điệu dân ca Bắc - Trung - Nam; các điệu lí, nam thương, hát làn, văn tế, tụng kinh... Nổi bật là chèo kiều, tuồng kiều, ví giặm Kiều, ca trù kiều...

Làng Tiền nằm lọt thỏm dưới chân Ngàn Hống, hướng mặt ra sông Lam, là quê hương của đại thi hào Nguyễn Du, một vùng quê yên bình với phong cảnh thật hữu tình. Chỉ lướt qua thôi, dù ai bận rộn đến mấy trước cuộc mưu sinh này thì cũng muốn dừng chân lại ngắm nhìn những nương khoai, ruộng lúa đang thì lên xanh quyện vào sương khói bảng lảng như khí tụ của đất trời Hồng Lam. Và dù ta khó tính đếnh mấy cũng phải trầm trồ thán phục trước bức tranh của thiên nhiên nơi này như một bữa tiệc lớn đang bày dọn trước mắt.

Vậy nhưng, ai hay làng Tiền lại là "xứ sở của đói nghèo" trên bản đồ đất nước. Để kiếm ra hạt lúa, củ khoai, người nông dân ở đây chỉ miệt mài một nắng hai sương là chưa đủ, nếu trời cứ "trở chứng" không mưa thuận gió hòa. Bởi đất đai cằn cỗi, bạc màu, khí hậu, thổ nhưỡng... không thuận lợi.

Bởi vậy, người dân làng Tiền còn làm thêm nhiều nghề phụ khác, trong đó có nghề làm nón dày, một loại nón chỉ dành bán cho nông dân như áo tơi ở Thạch Hà. Đó cũng là một phần lý do mà Trò kiều được coi như "bảo bối" nuôi dưỡng tinh thần người làng Tiền, luôn đồng hành với họ vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống với niềm tin yêu mãnh liệt.

Tuy rằng, làn điệu Trò kiều chỉ được tồn tại qua truyền miệng và ít nhiều bị mai một bởi nhiều lý do khác nhau, nhất là thời cơ chế thị trường như hiện nay. Đây quả là một điều rất đáng tiếc, nhưng ngay bây giờ nếu chúng ta bắt tay vào việc sao chép, in ấn, và đặc biệt là xây dựng được đội ngũ kế cận đưa vào đào tạo bài bản, hoạt động thường xuyên, thì Trò kiều sẽ vẫn trường tồn và có sức lan tỏa ghê gớm.

Dĩ nhiên để làm được điều đó cần phải có sự quan tâm của các cấp, nghành địa phương; cần phải có nguồn kinh phí đủ để đáp ứng cho hoạt động, và đặc biệt cần phải có sự đam mê cháy bỏng của các thành viên.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Xuân Mậu nay đã ở tuổi 73, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trò kiều thôn An Mỹ, đồng thời là hậu duệ đời thứ 6 của Nguyễn Du trăn trở rằng: Từ thời chống Pháp, người làng An Mỹ đã tổ chức được nhiều tiết mục biểu diễn Trò kiều. Phường Trò kiều là những người nông dân trong làng do yêu nghề mà tự phát tập hợp lại, tự sáng tác biểu diễn cho nhau và cho bà con trong làng cùng các làng lân cận thưởng thức.

Đặc biệt, sang đến giai đoạn đầu thời kì chống Mỹ, Trò kiều đã phát triển rực rỡ, và bắt đầu hình thành Câu lạc bộ Trò kiều với sự góp mặt của 18 nghệ nhân đầy tâm huyết và tài năng!

Tuy nhiên, trong chiến tranh chống Mỹ, hầu hết lớp nghệ nhân này đều bước ra khỏi lũy tre làng tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Có người trong số họ vĩnh viễn nằm lại tại chiến trường như nghệ nhân Đặng Ý; có người sau khi chiến tranh kết thúc lại chuyển sang công tác khác, rồi xây dựng gia đình lập nghiệp trên vùng quê mới như nghệ nhân Đặng Quyền, nghệ nhân Đặng Liêu... Hay như trước đó nghệ nhân Trần Thị Chắt một cây Trò kiều xuất sắc lấy chồng xa về tận huyện Hương Sơn. Quê chồng lại là địa phương không có phong trào Trò kiều phát triển, trong lúc đó bà cũng không có điều kiện về quê thường xuyên tham gia diễn xướng nên không thực hiện được tâm nguyện truyền đạt lại những kinh nghiệm quý giá cho thế hệ sau.

Đặc biệt, trong số đó có nghệ nhân Trần Thiều, người vừa làm công tác biên đạo vừa diễn xướng các vai kịch nổi tiếng của làng. Vì hoàn cảnh khó khăn ông phải di dân vào trong núi Hồng Lĩnh khai hoang lập nghiệp. Ông chính là người đã giàn dựng và truyền bá bằng miệng các vở Trò kiều đi vào "tín ngưỡng" của người dân An Mỹ như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hoa Vân Hoa Vị...

Sau khi chiến tranh kết thúc, có 1 khoảng thời gian phong trào Trò kiều ở An Mỹ hầu như lắng xuống. Lúc này, vợ chồng nghệ nhân dân gian Nguyễn Xuân Mậu và nghệ sĩ ưu tú Trần Thị Phượng còn làm nghề dạy học ở trường làng. Nhưng với lòng tự trọng của một người con trong họ tộc Nguyễn Du, và niềm kiêu hãnh là thành viên trong Câu lạc bộ Trò kiều đã thôi thúc vợ chồng ông quyết tâm bằng mọi giá cứu vãn lấy loại hình nghệ thuật đặc sắc này, với việc tìm hiểu, sưu tầm, gầy dựng lại, và phát huy giá trị của nó.

Mặc dù thời kì bao cấp khó khăn vất vả, với 1 chiếc xe đạp cọc cạch, sau những ngày nghỉ, vợ chồng ông lại chở nhau vào núi Hồng Lĩnh tìm gặp nghệ nhân Trần Thiều học hỏi và ghi chép tỉ mỹ các tiết mục, cách dàn dựng, cách diễn xướng Trò kiều...

Chẳng hạn vở Hoa Vân, Hoa Vỵ ca ngợi người phụ nữ Việt Nam trong thời kì phong kiến, đồng thời lên án bọn quan lại triều đình độc ác, bắt bớ chà đạp lên nhân phẩm người phụ nữ, nhưng 2 chị em mồ côi cha lẫn mẹ Hoa Vân, Hoa Vỵ đã phản kháng mạnh mẽ giữ trọn đạo làm con. Đây là tiết mục được giàn dựng công phu, diễn xướng theo thể Ca trù Kiều rất khó nên phải chọn diễn viên nào phù vào từng vai; âm thanh phải thể hiện bằng loại nhạc cụ nào phù hợp; cách bố trí phông màn ra làm sao?...

Khi đã có được nhiều tài liệu quý, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Mậu tiếp tục vận động những người đam mê Trò kiều trong làng tập hợp lại, thành lập Câu lạc bộ Trò kiều, tổ chức giàn dựng và tập diễn các tiết mục, trước mắt nhằm bảo tồn các giá trị của Trò kiều. Đây cũng là giai đoạn cự kì khó khăn, nhưng mọi thành viên đều tỏ ra vui vẻ, hồ hởi tham gia. Ông Trần Thiều lúc này cũng đã già yếu, nhưng không quản đường sá cách trở. Hàng tuần ông vẫn cuốc bộ về quê tập huấn, truyền đạt lại tất cả những kinh nghiệm có được của mình cho các thành viên trong câu lạc bộ.

Để có được điều kiện tập luyện, các thành viên trong câu lạc bộ tự nguyện đóng góp gạo, khoai nấu ăn chung. Điển hình là ông Nguyễn Kế, một thành viên của câu lạc bộ đã dành hẳn cả gian nhà ngoài của mình làm nơi tập thường xuyên. Đồng thời những lúc túng thiếu, ông cùng vợ ngược xuôi khắp nơi đi vay khoai, gạo về nấu ăn phục vụ anh chị em cả ngày, mà không hề than vãn với ai.

Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phượng tâm sự rằng, thời điểm đó bà được ông Trần Thiều tập cho sắm các vai Thúy Vân trong vở Tấn trò kiều và vai Trưng Nhị trong vở Trưng Trắc, Trưng Nhị. Trước đó, thời còn trẻ bà cũng rất thành công trong vai Trưng Nhị, lúc đó người cô ruột của bà là Trần Thị Tô sắm vai Trưng Trắc; ông Trần Mạnh Trí sắm vai Tô Định; ông Nguyễn Kế sắm vai Thi Sách. Nay cô ruột của bà và ông Nguyễn Kế đã qua đời, còn ông Trần Mạnh Trí đã hơn 90 tuổi, nhưng khi nghe nhắc đến Trò kiều vẫn như được tiếp sức, vui, khỏe hẳn lên!

Về quê hương Nguyễn Du nghe làn điệu Trò kiều - Ảnh 2.

Vợ chồng nghệ nhân dân gian Trần Xuân Mậu và nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phượng

Tôi trở lại thôn An Mỹ khi nắng xuân bắt đầu hắt lên dưới chân Hồng Lĩnh, sương khói Hồng Lam đang lãng đãng trên những con đường làng nông thôn mới rộn ràng. Nghe tin các nghệ nhân Trò kiều ở đây kể về ông Trần Thiều, người đã góp công lớn trong việc phục dựng lại những giá trị của Trò kiều đã qua đời cách đây 20 năm mà lòng không khỏi nhớ thương! Nhưng dẫu sao trước khi nhắm mắt xuôi tay ông đã dồn hết năng lượng của mình truyền đạt lại những giá trị bất hủ của Trò kiều cho thế hệ hôm nay, quả thật là một điều đáng mừng.

Có một điều cần được ghi nhận là tất cả những gì tinh túy nhất của Trò kiều có được hôm nay thông qua ông Trần Thiều và nhiều bậc tiền bối khác nằm thất lạc trong dân gian, được vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Xuân Mậu tập hợp lại thành sách vở, và đang bằng mọi cách phát huy giá trị của nó trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Ông Mậu cũng là người sưu tầm viết được nhiều kịch bản và 10 trích đoạn trong kịch bản trò Kiều như: Trích đoạn du xuân tảo mộ, Kim Kiều gặp nhau ở vườn Thúy, từ biệt Kim Kiều; gia biến; Hoạn Thư đánh gen chồng; Sở Khanh gặp Kiều; Tú Bà mua Kiều ở phố lầu xanh, Thúc Sinh gặp Kiều; giao chiến giữa Từ Hải và Hồ Tôn Hiến, Từ Hải chết đứng...

Trước guồng quay của cơ chế thị trường như hiện nay, nói đến trò Kiều người dân An Mỹ vẫn không quay lưng lại. Thậm chí có nhiều người vì lí do nào đó phải xa quê, nhưng khi nghe tới một chương trình biểu diễn Trò kiều ở quê thì họ càng vời vợi nhung nhớ, tìm mọi cách trở về xem cho bằng được.

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Mậu tỏ ra lạc quan tin tưởng, Câu lạc bộ Trò kiều ở An Mỹ sẽ phát triển nếu được quan tâm và đầu tư hợp lí. Theo ông, để dàn dựng và biểu diễn 1 vỡ Trò kiều cần phải đầu tư ít nhất khoảng 30 triệu đồng. Nếu như trước đây người dân thôn An Mỹ sẵn sàng biểu diễn cho nhau xem nhằm động viên tinh thần sau những lúc nông nhàn, thì thời cơ chế thị trường như hiện nay không ai có thể "ăn cơn nhà vác tù và hàng tổng".

Muốn bảo tồn và phát huy làn điệu Trò kiều cần phải có cơ chế chính sách rõ ràng. Đặc biệt, Câu lạc bộ Trò kiều An Mỹ có lợi thế nằm trong Khu lưu niệm Nguyễn Du, nên nếu có "bà đỡ" các nghệ nhân sẽ có điều kiện phục vụ khách du lịch thường xuyên như hát Ca Huế trên sông Hương, đây là hướng đi rất phù hợp, vừa bảo tồn phát huy giá trị Trò kiều, vừa tạo việc làm cho người lao động địa phương.

Hiện, vợ chồng ông Mậu đã truyền đạt cho 3 người con trong gia đình về những giá trị của Trò kiều mà ông bà đã tích lũy được trong cả cuộc đời. Trong đó anh Nguyễn Trà Phúc hiện công tác ở Phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân cũng là thành viên của Câu lạc bộ Trò kiều An Mỹ, xuất sắc với vai diễn Kim Trọng, Vương Quan...

Dĩ nhiên, trước khi tiễn tôi ra về bà Trần Thị Phượng không quên hát tặng tôi một trích đoạn Ca trù kiều trong tiết mục Tấn Trò kiều, như một tuyệt phẩm của trời đất ban cho!

Hy vọng bước vào năm mới, huyện Nghi Xuân sẽ đưa Câu lạc bộ Trò kiều vào hoạt động bằng hình thức chuyên nghiệp, thu hút khách muôn phương về với quê hương Đại thi hào Nguyễn Du.