Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vì sao 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị loại?

Trước những băn khoăn của nhóm nhà khoa học trẻ về xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2019, ngày 18/11, PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước (GSNN) đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Vì sao 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị loại? - Ảnh 1.

Ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Ảnh: HA.

Vietnamnet cho biết, trao đổi với báo chí chiều ngày 18/11, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước thông tin, việc 7 ứng viên giáo sư, 9 ứng viên phó giáo sư - dù được hội đồng ngành, liên ngành thông qua nhưng đến vòng xét của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước vẫn bị "đánh trượt" là do các ứng viên thiếu tiêu chuẩn cứng.

Bởi lẽ, theo quy định mới (Quyết định 37), việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải dựa trên 5 tiêu chuẩn "cứng" là có công bố quốc tế; có hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ, tiến sĩ; tham gia đề tài nghiên cứu khoa học; thâm niên đào tạo và chủ trì biên soạn sách đào tạo (không bắt buộc với ứng viên phó giáo sư).

Những tiêu chuẩn này được đánh giá có phần khắt khe hơn so với quyết định 174 trước đó. Vì vậy, khi hội đồng họp, cả 32/32 thành viên của Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã thảo luận và đi đến thống nhất, ứng viên có thể "bù thay thế các tiêu chuẩn nếu thiếu". Tuy nhiên, nếu ứng viên thiếu toàn bộ một hay nhiều tiêu chuẩn nào đó thì sẽ bị đánh trượt.

Trong số 7 ứng viên "trượt" giáo sư có 2 ứng viên ngành cơ khí động lực, 1 ứng viên ngành kinh tế, 2 ứng viên ngành vật lý và 2 ứng viên ngành y.

Theo ông Tuấn, có tới 6/7 ứng viên khi hội đồng xem xét điều kiện "cứng" của quy định 37 thì thấy không đạt nên đã không đưa vào danh sách bỏ phiếu.

Trường hợp ứng viên còn lại "trượt" giáo sư, theo ông Tuấn là do không đủ số phiếu bầu của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Ứng viên này thuộc ngành Vật lý, làm hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư vào năm 2017 và được công nhận năm 2018. Đến năm 2019, ứng viên này tiếp tục nộp hồ sơ xét giáo sư.

Xét theo tiêu chuẩn thâm niên, ứng viên không đủ thời gian do cần phải có 3 năm được bổ nhiệm phó giáo sư. Tuy nhiên, ứng viên vẫn có thể bù thay thế bằng các tiêu chuẩn khác nên đã đủ tiêu chuẩn để được đưa vào danh sách bỏ phiếu.

Trong khoảng thời gian từ khi công nhận phó giáo sư đến lúc nộp hồ sơ xét giáo sư, ứng viên này chỉ công bố được 8 bài báo (2 bài trong nước, 6 bài quốc tế), trong khi lại thiếu chỉ tiêu hướng dẫn chính 1 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ.

"Vì thiếu hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh nên ứng viên phải bù thay thế bằng 3 bài báo công bố tạp chí quốc tế uy tín. Như vậy ứng viên chỉ còn 2 bài báo trong nước và 3 bài báo quốc tế. Số lượng này quá ít kéo chỉ số xuống thấp nên không thuyết phục được hội đồng nhà nước", ông Tuấn nói.

Vì sao 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị loại? - Ảnh 2.

Còn đối với 9 ứng viên "trượt" phó giáo sư, theo lý giải của ông Tuấn, tất cả đều trượt do hoàn toàn không có hướng dẫn học viên cao học.

Liên quan đến Quyết định 37 mà nhiều ứng viên cho rằng vẫn còn rất nhiều điều cần phải được quy định cụ thể, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Trần Anh Tuấn cho hay, đây là năm đầu tiên thực hiện theo tiêu chuẩn mới. Hội đồng Giáo sư nhà nước đã tổ chức tập huấn cho Hội đồng giáo sư cơ sở và Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành về Quyết định 37. Hội đồng giáo sư nhà nước thống nhất nguyên tắc áp dụng nghiêm những tiêu chuẩn cứng như tổng điểm quy đổi tối thiểu, chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo đối với ứng viên GS, số công trình khoa học quy định, 3 năm cuối giảng dạy liên tục; Áp dụng quy định của Quyết định 37 theo hướng nâng cao đối với những tiêu chuẩn được bù thay thế về thực hiện nhiệm vụ đào tạo; các ứng viên không đủ đối với các tiêu chuẩn này là chỉ được thiếu một phần, không được thiếu toàn bộ.

Tháng sau, Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ có cuộc họp tổng kết đánh giá toàn bộ việc xét công nhận tiêu chuẩn GS, PGS năm nay để có những điều chỉnh phù hợp cho năm sau.