Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Nhức nhối vấn nạn mua bán phụ nữ và trẻ em

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em đang là một vấn nạn nhức nhối. Hành vi mua bán này đã xâm hại đến tính mạng, quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và cơ hội phát triển của người bị hại.

Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp

Bất chấp đạo lý, pháp luật, tội phạm mua bán người ở nước ta có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2022, cả nước phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân.

Các cơ quan có thẩm quyền đã giải cứu, phối hợp giải cứu 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về. Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an kiến nghị khởi tố 386 vụ, 808 bị can.

9a28e70a-7340-4cf8-966d-c1da1d9a2e56.jpg
Công an Trung Quốc bàn giao trẻ sơ sinh bị buôn bán cho Công an Quảng Ninh.

Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: “Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến rất phức tạp trên khắp các tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó lực lượng Công an đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng về hành vi này”.

“Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi nhằm dụ dỗ nạn nhân với các chiêu bài việc nhẹ, lương cao, dụ dỗ yêu đương, tuyển lao động đi xuất khẩu với mức lương cao… để lừa bán ra nước ngoài.

Các nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài qua mạng để làm việc trong các nhóm lừa đảo tại Campuchia, khu vực Tam Giác Vàng; Bị bán làm vợ bất hợp pháp tại Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc làm gái mại dâm tại các nước Trung Đông như Qatar, UAE và các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Myanmar” - Thiếu tướng Phan Mạnh Trường cho biết thêm.

Nạn nhân của mua bán người không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... Trong đó, có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, bào thai sang Trung Quốc; mua bán nội tạng; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Vì đây là một hoạt động siêu lợi nhuận (từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/người) nên tội phạm mua bán người không từ một thủ đoạn nào để thực hiện hành vi. Nhiều đối tượng còn lừa gạt cả những người quen biết, thân thiết, họ hàng đưa đi bán. Thậm chí, chúng còn “đầu tư” gây thiện cảm, lòng tin một thời gian dài, khi nạn nhân mất cảnh giác mới “ra tay”.

Theo Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, nguyên nhân đầu tiên là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế do thiếu thông tin cần thiết, cả tin, không lường được rủi ro khi theo người khác đi tìm việc làm, kết hôn với người nước ngoài...

Không hiếm trường hợp trẻ em gái, nữ sinh, phụ nữ đã tìm cách trốn gia đình, người thân để đi theo lời dụ dỗ, hứa hẹn của tội phạm và phải chịu những hậu quả rất thảm khốc.

Trẻ em gái, nữ sinh ở khu vực miền núi ít nhận được sự quan tâm đầy đủ của cha mẹ do điều kiện kinh tế còn khó khăn và thiếu sự giao tiếp; những em gái mới lớn thiếu kỹ năng sống, thiếu khả năng nhận biết cạm bẫy, cám dỗ, không biết tự bảo vệ mình là những nạn nhân phổ biến của vấn nạn mua bán người.

Bên cạnh đó, tội phạm mua bán người còn lợi dụng một số phong tục tập quán lạc hậu như nạn tảo hôn, tục cướp vợ, mê tín dị đoan ở các vùng đồng bào dân tộc ít người để dễ dàng thực hiện hành vi. 

Nạn nhân mua bán người thường bị bóc lột về tình dục, cưỡng bức lao động nặng nhọc gây ra những tổn hại nghiêm trọng không chỉ về sức khỏe, tinh thần và tâm lý, mà còn bị tước đi quyền làm chủ tính mạng, danh dự. Ðặc biệt, nạn nhân trẻ em còn mất đi quyền được học tập, vui chơi và chăm sóc từ gia đình, xã hội.

Với các nạn nhân may mắn trở về, họ cũng không dễ dàng vượt qua những tổn thương để có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bình thường. Không ít người phải đối diện với những vết thương tâm lý nghiêm trọng, luôn tự ti, tách biệt với xung quanh, sợ hãi, loạn thần, thậm chí có thể chọn giải tỏa bằng cách làm bị thương chính mình.

Cần sức mạnh tổng hợp và những giải pháp đồng bộ

PN TE gai nguoi dan toc thieu so la nan nhan chu yeu.jpg
Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh minh họa

Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu và ngày 30/7 hằng năm được chọn là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người. Tại Việt Nam, ngày 30/7 cũng được chọn là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Công tác đấu tranh phòng ngừa và loại bỏ tội phạm mua bán người là việc làm có tính cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương cũng như sự hợp tác của người dân. Nếu cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương, địa phương ngày càng chặt chẽ; cơ chế pháp lý được bổ sung, hoàn thiện; công tác tái hòa nhập cho các nạn nhân được quan tâm thực hiện; hoạt động hợp tác quốc tế chống tội phạm buôn bán người được đẩy mạnh thì nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em chắc chắn được đẩy lùi.

Việt Nam đã và đang rất nỗ lực để đẩy lùi nạn mua bán người. Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán luôn được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, phối hợp thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”. Các nạn nhân sau khi giải cứu, tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu (bố trí nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chi phí đi lại,...) và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (hỗ trợ kinh phí ổn định cuộc sống, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa, hỗ trợ pháp lý,...) để nhanh chóng ổn định tâm lý và cuộc sống. 

Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an khuyến cáo, tội phạm mua bán người rất khó phát hiện, khó thu thập tài liệu, chứng cứ; nếu bị mua bán ra nước ngoài thì việc xác minh, giải cứu là vô cùng tốn kém, khó khăn.

Do đó, phụ nữ, trẻ em gái cần thận trọng, tìm hiểu đầy đủ thông tin trước khi tìm kiếm việc làm, nhất là việc làm ở nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài cũng như lấy chồng, kết hôn với người nước ngoài;

Không dễ dãi trong việc kết bạn, làm quen, nhất là trên môi trường mạng xã hội;

Thận trọng trước khi nhận lời đi chơi, ăn uống, du lịch với người mới quen, quen qua mạng hoặc chưa có đủ thông tin về người đó (nếu đi thì cần trao đổi thông tin với người thân, bạn bè về việc sẽ đi với ai, ở đâu, bao giờ về);

Không nên giữ kín dự định, quan hệ của mình, mà nên chia sẻ thông tin, tham vấn người khác trước các hiện tượng lạ, những “lòng tốt” bất thường mà không rõ nguyên nhân.

Chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm 2024 là: "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người". 

 

Việt Cường

Ấn phẩm Vì trẻ em số 14