Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Việt Nam có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng

(Dân sinh) - Ngày 24/10, tại Hà Nội, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 10-2019.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 95% dân có có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo nhưng niềm tin không sâu sắc, một người tin theo nhiều loại hình tín ngưỡng hoặc vừa theo tôn giáo vừa theo tin ngưỡng. Tại Việt Nam, có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng với khoảng 15.000 người chuyên hoạt động tín ngưỡng, và tại Việt Nam có gần 8 nghìn lễ hội.

Việt Nam, có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị.

Tính đến tháng 9/2019, có 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, 55.710 chức sắc, 145.721 chức việc, 29.396 cơ sở thờ tự. Việt Nam có khoảng 26.109.033 tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước.

Các tôn giáo ở Việt Nam đều có đường hướng, phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành với dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước về quy mô và chất lượng, cùng với chính quyền giải quyết khó khăn của người dân và nguồn lực của tôn giáo phát triển có định hướng đã phát huy tốt, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. Điển hình như khoảng 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện, 300 trường mầm non, 2.000 lớp học tình thương… thuộc các tổ chức tôn giáo.

Trong thời gian qua, các tôn giáo ở Việt Nam đã phát huy vai trò và vị thế của mình trên thế giới, qua việc đăng cai tổ chức các sự kiện tôn giáo quốc tế, góp phần giới thiệu về hình ảnh đất nước con người Việt Nam. Cụ thể, Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội dòng Đa Minh thế giới tháng 7.2019 tại Đồng Nai, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak năm 2019...

Xác định tầm quan trọng của quan hệ với Lào và Campuchia, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tăng cường đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các cơ quan làm công tác tôn giáo của Lào và Campuchia như: Ký thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước từ năm 2007, với Bộ Lễ nghi Tôn giáo Campuchia năm 2015; Thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cán bộ làm công tác tôn giáo của các nước bạn…

Việt Nam cũng xây dựng quan hệ với các nước trên lĩnh vực tôn giáo, nhân quyền. Trong đó, hoạt động nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo với các nước ở khu vực và trên thế giới được triển khai thường xuyên.

Một số hoạt động nổi bật như tổ chức đoàn đi nghiên cứu, trao đổi về Công giáo, Chính thống giáo tại Mexico, Cuba, Nga; tổ chức đối thoại về vấn đề tôn giáo với cơ quan, các tổ chức cá nhân tại Mỹ, Bỉ, Thụy Sĩ; nghiên cứu thực tế về đạo Tin lành tại Hàn Quốc và Mỹ; thiết lập quan hệ trên lĩnh vực tôn giáo với hầu hết các nước trong ASEAN…

Bên cạnh đó, quan hệ Việt Nam – Vantican tiếp tục được duy trì và có những bước tiến mới: Nâng cấp quan hệ từ mức đặc phái viên không thường trú lên mức đặc phái viên thường trú; tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, chuẩn bị tốt các vòng đàm phán và những hoạt động thúc đẩy quan hệ hai bên.

Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta có chính sách về tôn giáo phù hợp để tập hợp đồng bào có đạo tham gia xây dựng và phát triển đất nước, với điểm nổi bật là tôn trọng và bảo đảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời luôn nhận thức và đặt vai trò của tôn giáo ở những vị trí thích hợp theo một lộ trình từ: Nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo, đến giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo, đến Nhìn nhận tôn giáo là nguồn lực trong quá trình phát triển đất nước.

Việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định, Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở Việt Nam, đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân tộc và các tổ chức tôn giáo.

Đồng thời cũng khẳng định với quốc tế Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; là minh chứng để chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền, tôn giáo.

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Đoàn Công Huynh nhấn mạnh thời gian tới các cơ quan báo chí cần tiếp tục tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị tốt đẹp của tôn giáo. Đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung khẳng định nhà nước ta luôn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, có chính sách nhất quán là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng.

Các cơ quan báo chí cần tập trung chỉ rõ âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo; có nhiều bài viết mang tính giáo dục, tuyên truyền để chức sắc, tín đồ thấy rõ trách nhiệm công dân, chủ động đấu tranh với các hoạt động sai trái, vi phạm pháp luật.