Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xây dựng 12 bộ tài liệu hướng dẫn bảo vệ trẻ em và phụ nữ trong khu cách ly

(Dân sinh) - Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong các khu cách ly tập trung để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp xây dựng nhiều bộ tài liệu để liệu hướng dẫn an toàn, bảo vệ trẻ em, phụ nữ.

Từ giữa tháng 3/2020, số lượng người được cách ly tại các khu cách ly tập trung ngày càng tăng, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cập nhật vào 05 giờ ngày 17/3/2020, có 2.668 nữ giới (trong đó có 53 phụ nữ mang thai) và 194 trẻ em; riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội có 14 phụ nữ mang thai, 118 trẻ em được chăm sóc tại các khu cách ly tập trung.

Xây dựng 12 bộ tài liệu hướng dẫn bảo vệ trẻ em và phụ nữ trong khu cách ly - Ảnh 1.

Tài liệu truyền thông hướng dẫn đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong các khu cách ly.

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Unicef tại Việt Nam, UN Women và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động vì quyền trẻ em nhanh chóng biên soạn các tài liệu hướng dẫn an toàn, bảo vệ trẻ em, phụ nữ tại các khu cách ly tập trung. Hơn 50.000 bản in của 02 loại tài liệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh đã được Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) chuyển đến tất cả các cơ sở cách ly trong toàn quốc. Hai loại tài liệu này gồm 01 tài liệu dành cho cán bộ quản lý và các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc những người phải cách ly tập trung theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19. Và 01 tài liệu dành cho chính trẻ em và người chưa thành niên đang được chăm sóc cách ly.

Nội dung tài liệu được biên soạn ngắn gọn, thiết kế sinh động, thân thiện. Các tài liệu này khuyến nghị trong điều kiện có thể ở mức tối đa, các cá nhân ở vị trí quản lý và chăm sóc y tế tại cơ sở cách ly tập trung cần đáp ứng các nhu cầu an toàn của trẻ em và phụ nữ: về nơi ở; vệ sinh và dinh dưỡng; về thông tin và về an toàn khỏi bị bạo lực và xâm hại tình dục.

Ghi nhận của các phương tiện thông tin đại chúng cũng cho thấy đội ngũ phục vụ tại các cơ sở cách ly cũng đã làm tốt trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của trẻ em mà trước đó họ chưa có những trải nghiệm tương tự. Ví dụ: việc chế biến những suất ăn riêng cho trẻ nhỏ hay hỗ trợ việc tổ chức những cuộc kỷ niệm sinh nhật cho trẻ em trong bối cảnh cách ly.

Với phương châm hành động trong phòng chống đại dịch Covid-19 của Chính phủ: "không một ai bị bỏ lại phía sau" thì đối với phụ nữ và trẻ em, họ không những không bị bỏ lại mà còn được ưu tiên chăm sóc.

Bộ LĐ-TB&XH và các tổ chức quốc tế cũng đã kịp thời đưa ra những hướng dẫn cụ thể để giải quyết những vấn đề về sang chấn tâm lý và các tác động không mong muốn khác do giãn cách xã hội đối với trẻ em và người chưa thành niên.

Một sê-ri sản phẩm truyền thông sử dụng cho môi trường mạng, đặc biệt cho mạng xã hội và các website đã được phổ biến. Hầu hết các sản phẩm này đều thể hiện tính hấp dẫn và thân thiện cả về hình thức thiết kế lẫn nội dung. Đặc biệt hơn, các sản phẩm này có sự kế thừa các tài liệu phổ biến toàn cầu của Unicef và các tổ chức quốc tế khác nhưng đã được địa phương hóa rất nhanh để chạy đua với diễn biến của dịch bệnh và những vấn đề phát sinh của giãn cách xã hội.

Đó là bộ tài liệu gồm 6 nhóm nội dung giúp cha mẹ và người chăm sóc trẻ em có thể tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tạo ra những mối quan hệ tâm lý, tình cảm mà bình thường họ khó có cơ hội làm được. Bộ tài liệu này cũng chỉ dẫn họ cách giúp con cái và chính mình giải quyết những vấn đề về tâm lý, tình cảm phát sinh do bị hạn chế giao tiếp xã hội. Những kinh nghiệm và bài học này có thể áp dụng trong cuộc sống gia đình sau Covid- 19.

Bộ tài liệu gồm 2 nhóm nội dung dành cho cha mẹ và dành riêng cho trẻ em để giải quyết những nguy cơ hoặc bị xâm hại trên môi trường mạng. Chính phủ và Bộ Giáo dục- Đào tạo đã thành công với giải pháp giãn cách xã hội trước tiên và giảm giãn cách sau cùng đối với học sinh, đồng thời tận dụng cơ hội này để "diễn tập" việc giáo dục trực tuyến (online) cho cả các nhà trường, giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, tính 2 mặt của môi trường trực tuyến cũng bộ lộ rõ hơn bao giờ hết. Đã xuất hiện các nguy cơ và hành vi, "âm mưu" xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trong bối cảnh học trực tuyến gia tăng đột biến. Các "âm mưu" này có thể gồm 04 nhóm được bộ tài liệu này chỉ ra: Thông tin xấu độc; Xâm hại đời tư; Bắt nạt; Xâm hại tình dục.

Bộ tài liệu hướng dẫn cha mẹ và người chăm sóc trẻ phòng tránh, xử lý những tai nạn thương tích ở trẻ em thường gặp trong ngôi nhà và môi trường xung quanh nhà, đặc biệt khi trẻ em phải ở nhà một mình hoặc thiếu sự giám sát thường xuyên của cha mẹ. Bằng chứng cho thấy dù ở trong ngôi nhà và không đi xa không gian sống gần nhà thì tai nạn thương tích xảy ra với trẻ em vẫn khá phổ biến. Các loại tai nạn thương tích được chỉ dẫn gồm: rơi ngã, đuối nước, ngộ độc, bỏng, điện giật, ngạt tắc đường thở, bị vật sắc nhọn đâm, bị súc vật hoặc côn trùng gây tổn thương. Đặc biệt trong bộ tài liệu này, có thêm một tài liệu dành riêng để nhắc nhở và giúp cha mẹ phòng ngừa, xử lý những trường hợp trẻ em bị đuổi nước, loại tai nạn thương tích gây tử vong cho trẻ em hàng đầu tại Việt Nam.

Tất cả các tài liệu và bộ tài liệu nói trên (gồm 12 đầu tài liệu) được biên soạn, thảo luận giữa các chuyên gia của Cục Trẻ em- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Unicef và các tổ chức quốc tế chỉ trong thời gian gần 5 tuần. Được thiết kế theo hình thức đồ họa (infographic) để có thể đồng thời truyền thông trên môi trường mạng (các trang web, trang mạng xã hội) hoặc in ấn thành các tờ rơi phân phát cho cộng đồng, gia đình.