Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nuôi hàu ở “tuyệt tình cốc” xứ Huế

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Đầm Lập An (hay còn được gọi là Đầm An Cư, Vụng An Cư hoặc Đầm Lăng Cô) là đầm nước lợ thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Đầm có diện tích mặt nước 1.630ha, được bao bọc bởi dãy núi Bạch Mã và biển Lăng Cô, nước trong xanh tạo nên khung cảnh thiên nhiên đẹp nao lòng.

Do khung cảnh đầm Lập An nên thơ, hữu tình, mặt hồ bình yên, phẳng lặng; mỗi khi thủy triều rút, giữa hồ lại hiện ra một con đường màu trắng tuyệt đẹp nên nhiều người gọi đầm Lập An là “tuyệt tình cốc” xứ Huế.

Nuôi hàu ở “tuyệt tình cốc” xứ Huế - 1
Hàng trăm hộ dân ở Lăng Cô có nguồn thu nhập ổn định nhờ nuôi hàu trên đầm Lập An.

Những năm qua, đầm Lập An không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế mà nơi đây còn cung cấp số lượng lớn thủy hải sản chất lượng cho thị trường, đặc biệt là hàu, loài động vật nhuyễn thể giàu chất dinh dưỡng.

Theo người dân địa phương, trước đây, hàu ở đầm Lập An chủ yếu được khai thác từ nguồn tự nhiên. Từ những năm 2000, khi nhu cầu thị trường ngày càng tăng, người dân thị trấn Lăng Cô bắt đầu chuyển sang nuôi hàu bằng dây, giàn, cọc (tre, gỗ, xi măng) trên diện tích mặt nước đầm Lập An.

Ông Trương Công Chiến (thị trấn Lăng Cô) cho biết, nuôi hàu trên đầm Lập An là nghề tự phát và rất nhiều người ở địa phương tham gia, tạo ra nguồn sinh kế bền vững. Hình thức nuôi hàu phổ biến ở đây là nuôi trên giá thể lốp cao su. Vài năm trở lại đây, một số hộ dân nuôi thêm hàu sữa với con giống được cấy ghép trên vỏ hàu khô, xâu thành từng chuỗi bằng dây cước.

Theo ông Chiến, nuôi hàu theo hình thức truyền thống, người dân chỉ phải bỏ vốn mua lốp cao su cũ thải ra, cọc tre, gỗ, dây thừng, chi phí thu hoạch. Mùa vụ nuôi hàu tại đầm Lập An phụ thuộc nhiều yếu tố, thường bắt đầu treo giá thể từ tháng 1 và kết thúc vào tháng 4 hàng năm. Sau đó, hàu tự nhiên sẽ bám vào lốp cao su, sinh trưởng, phát triển.

Việc nuôi hàu và chăm sóc kéo dài 9-11 tháng. Khi hàu đủ to, đẹp, số lượng nhiều, người dân tiến hành thu hoạch. Để có hàu bán quanh năm, người dân Lăng Cô thường nuôi gối đầu, sau khai thác sẽ tiến hành vệ sinh giá thể để thả lại xuống nước.

Một người nuôi hàu ở đầm Lập An cho biết, nhờ tận dụng con giống tự nhiên, chi phí đầu tư thấp nên người dân thu được nguồn lợi nhuận khá cao. Với những hộ có diện tích nuôi lớn, số lượng giá thể nhiều, bình quân một ngày có thể thu hoạch cả tấn hàu.

Nuôi hàu ở “tuyệt tình cốc” xứ Huế - 2
 Khai thác hàu nuôi trên đầm Lập An.

Hàu Lăng Cô suất ra thị trường có nhiều loại, như: Hàu cho tôm ăn có giá hơn 3.000 đồng/kg; hàu loại to, đẹp có giá 20.000-30.000 đồng/kg; hàu đã tách vỏ có giá từ 120.000 đồng/kg trở lên.

Hàu Lập An không chỉ bán trong tỉnh mà còn xuất đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trung bình mỗi hộ dân có thu nhập 30-40 triệu đồng, có khi tới vài trăm triệu đồng.

Theo thống kê của UBND thị trấn Lăng Cô, khoảng 510 hộ dân ở  9 tổ dân phố của thị trấn tham gia nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, trong đó: 396ha nuôi hàu cọc, giá thể lốp (chiếm 90,34% diện tích nuôi trồng); khoảng 27ha nuôi hàu sữa, ốc hương, vẹm xanh và một số loại khác; 15,69ha diện tích nuôi cá lồng.

Năm 2020, UBND huyện Phú Lộc phê duyệt đề án khai thác mặt đầm Lập An với tổng diện tích 1.630ha. Đề án hướng đến sắp xếp, quản lý việc khai thác và nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch sinh thái, bảo tồn mặt nước đầm Lập An giai đoạn 2020-2030.

Trong giai đoạn 1 (2020-2025), huyện Phú Lộc chỉ đạo thị trấn Lăng Cô tổ chức bố trí, sắp xếp lại nghề nuôi hàu truyền thống theo hướng giảm số lượng cọc và chia sẻ hợp lý diện tích mặt nước giữa các hộ nuôi.

Giai đoạn 2 (2025-2030) sẽ chuyển đổi dần theo lộ trình thích hợp từ nghề nuôi hàu truyền thống sang nuôi công nghiệp (nuôi treo giá thể trong lồng bè di động).

Đề án xác định, hiệu quả kinh tế nuôi hàu thương phẩm trên giá lốp xe cũ biến động khá lớn, phụ thuộc vào phương thức nuôi. Việc chuyển đổi sang nuôi hàu công nghiệp (lồng bè nổi di động trên giàn khung phao nhựa, treo trên giá thể khay nhựa, vỏ hàu khô, giống hàu Thái Bình Dương...) sẽ cho năng suất cao, ổn định và hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với nuôi truyền thống.

Thảo Vi

  Báo Lao động Xã hội số 48