Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xót xa khi dưa hấu mất giá, sắn nhiễm bệnh khảm lá

(Dân sinh) - Thực trạng này đang cần sự vào cuộc tích cực, hiệu quả hơn nữa của các ngành chức năng tỉnh Gia Lai, để giúp đỡ nông dân vì hiện nay dưa hấu tụt giá chưa tới 1 nghìn đồng/kg và có hơn 1,7 nghìn ha sắn (mì) đang bị nhiễm bệnh khảm lá

Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Văn Tú – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai) cho biết: Toàn tỉnh Gia Lai có 9,2 nghìn ha sắn, trong đó hơn 1,7 nghìn ha bị nhiễm bệnh khảm lá. Huyện bị nhiều nhất là Krông Pa 1,1 nghìn ha, Ia Pa 400 ha, Phú Thiện hơn 168 ha…Cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá có nguy cơ giảm 80% năng suất.

Ông Tú khuyến cáo: Đối với diện tích sắn trồng trong niên vụ 2019 đang nhiễm bệnh, người dân cần thu hoạch sớm, không được để hom giống đã nhiễm bệnh trồng cho vụ sau. Sau khi thu hoạch cần tiêu huỷ triệt để cả gốc, thân, lá trên đồng ruộng. Hạn chế trồng sắn trở lại trên các diện tích đã bị nhiễm bệnh, mà phải chuyển sang trồng các loại cây khác như ngô, đậu đũa, mía…để cắt đứt nguồn bệnh. Sau một vụ mới có thể trồng sắn trở lại.

Xót xa khi dưa hấu mất giá, sắn nhiễm bệnh khảm lá - Ảnh 1.

Dưa giá thấp, không có người mua

Xót xa khi dưa hấu mất giá, sắn nhiễm bệnh khảm lá - Ảnh 2.

Bệnh khảm lá sắn khiến củ nhỏ sản lượng thấp

Nếu trồng mới cần kiểm tra, theo dõi chặt chẽ bọ phấn phát sinh gây hại ngay từ khi cây sắn được 3 tháng tuổi, nếu thấy mật độ từ 5 đến 10 con/cây thì tiến hành xử lý bằng thuốc có hoạt chất Pymetrozine hoặc Dinotefuran. Tại tỉnh Gia Lai có thể sử dụng một số các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa các hoạt chất như Map arrow 420WP, Sieucheck 700WP, 707 WP….

Bà Hoàng Thị Chanh (thôn Mê Linh, huyện Krông Pa, Gia Lai) có 4 ha sắn chuẩn bị cho thu hoạch , buồn rầu kể :"Vụ này tôi đầu tư 4 ha sắn hết 80 triệu đồng tiền phân, công rẫy cỏ và giống. Sắn lên được 3 tháng thì có dấu hiệu bị bệnh khảm lá. Vụ trước mỗi ha của tôi cho thu hoạch hơn 30 tấn tươi. Vụ này củ rất nhỏ, ước đạt mỗi ha chỉ thu 15 tấn tươi. Thương lái vào trả mỗi ký chỉ 1,6 nghìn đồng. Tôi chỉ mong trả đủ tiền đầu tư thôi".

Ghi nhận của phóng viên những ngày đầu tháng 2/2020 tại huyện Ia Pa (Gia Lai), tuy đã đến vụ thu hoạch nhưng trên các ruộng dưa đìu hiu, vắng vẻ. Trưa nắng chói nhưng các đống dưa do chủ ruộng thu gom không được che đậy. Thời điểm này các vụ trước xe tải nối đuôi nhau chở dưa hướng ra Bắc để xuất sang Trung Quốc. Giá mua tại chân ruộng đối với dưa loại tốt dao động từ 7 đến 9 nghìn đồng/kg, nay giá chỉ từ 500 đồng đến 1,3 nghìn đồng/kg.

Xót xa khi dưa hấu mất giá, sắn nhiễm bệnh khảm lá - Ảnh 3.

Sắn bị bệnh củ nhỏ sản lượng thấp

Theo thống ban đầu, dưa hấu được trồng chủ yếu ở các huyện phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai với diện tích hơn 1 nghìn ha. Trong đó nhiều nhất là huyện Krông Pa với 608 ha, Ia Pa 416 ha, thị xã Ayun Pa có trồng diện tích ít hơn. Chia sẻ với vất vả của nông dân trồng dưa, nhiều người đã mua hàng tấn dưa rồi chụp ảnh, đăng tải lên mạng xã hội facebook, gọi điện bạn bè đến mua. Tuy nhiên kết quả cứu dưa chỉ như "muối bỏ biển".

Ông Lê Văn Lâu (55 tuổi, huyện Tây Sơn, Bình Định) cùng một số hộ dân khác thuê 18 ha đất ở xã Ia Broái, huyện Ia Pa để trồng dưa, dự tính chăm sóc tốt năng suất bình quân ước đạt từ 40 – 60 tấn/ha. Khi dưa sai quả, ai cũng mừng nghĩ sắp có vụ mùa bội thu, nào ngờ đến kỳ thu hoạch thì xảy ra nạn dịch Corona khiến hàng hóa ế ẩm. "Mỗi ha tôi đầu tư 160 triệu đồng tiền giống, phân bón, công chăm sóc. Đó là chưa kể tiền thuê đất 3 tháng với giá 25 triệu đồng/ha. Bây giờ thì giá rẻ tôi cũng cắn răng mà bán chứ biết sao, để lâu dưa thối hết, vậy mà cũng chẳng có thương lái nào đến mua" – Ông Lâu lo lắng than.