Quay lại Dân trí
Dân Sinh

20 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Di sản Thế giới (1972 - 2022) và 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2002 - 2022), UBND thành phố Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội” trong 2 ngày 8 và 9/9 tại Khu di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội.

Hội thảo sẽ tập trung vào 2 chủ đề chính: Đánh giá kết quả 20 năm nghiên cứu di sản Hoàng Thành - Thăng Long - Hà Nội; Phát huy giá trị di sản: Thực tiễn kinh nghiệm và định hướng nhằm tổng kết những thành tựu nổi bật trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội từ 2002 đến nay, đặc biệt giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ học hơn 10 năm gần đây, kể từ khi khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2010 đến nay) tại khu vực Chính điện Kính Thiên; trao đổi, học tập kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong nước và quốc tế; nghiên cứu so sánh trong nước và các nước khu vực Đông Bắc Á (kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc)... trong công tác phục dựng các cung điện; tham vấn khoa học về định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội.

9750da377b6dbf33e67c

Tham dự Hội thảo, về phía quốc tế có bà Nao Hayashi, đại diện Trung tâm Di sản thế giới, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương; bà Marie Laure Lavenir, Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) - cơ quan tư vấn độc lập cho UNESCO; ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam…

Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng. 

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao; các chuyên gia thuộc UNESCO, ICOM, ICOMOS; đại biểu thuộc nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương; đại diện các bảo tàng, khu di sản thế giới của Việt Nam, các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn Hà Nội, cùng nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, bảo tồn, di sản... của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Hơn 1.000 năm trước, đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô của nước Đại Việt, lấy tên là Thăng Long với mong muốn kinh đô ngày càng phồn thịnh như linh vật Rồng thiêng bay lên. Trong suốt hơn 10 thế kỷ, từ thời Lý (thế kỷ XI - thế kỷ XII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX - thế kỷ XX), các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dấu tích kinh thành Thăng Long còn hiển hiện qua hệ thống di tích, di vật được tìm thấy tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long ngày nay.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Những kết quả khai quật đã phát lộ những dấu tích lịch sử trải dài 13 thế kỷ, với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau, khẳng định đây là một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời; là một di tích văn hóa, lịch sử và khảo cổ tiêu biểu; đồng thời là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật cũng như phản ánh sự giao thoa văn hóa trong một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, đúng dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010)”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh. 

Để góp phần nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của khu di sản, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham góp nhiều ý tưởng tâm huyết, sáng tạo, đưa ra các giải pháp khả thi để gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Những kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để Hà Nội xây dựng phương án khôi phục, tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản cũng như thực hiện nghiêm những cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với khuyến nghị của ICOMOS để Hoàng thành Thăng Long mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam. 

Hội thảo đã nhận được 31 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý di sản trong nước và quốc tế. Các tham luận đề cập đến những kết quả đã đạt được trong các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long trong 20 năm kể từ khi phát lộ, đặc biệt 10 năm kể từ sau khi được vinh danh Di sản văn hóa thế giới trên các lĩnh vực khai quật khảo cổ học theo khuyến nghị của ICOMOS; chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc tại các khu Di sản; chia sẻ kinh nghiệm diễn giải, trưng bày và bảo tàng nhằm làm rõ các giá trị nổi bật toàn cầu của các Khu Di sản thế giới; nghiên cứu giải pháp thiết kế kiến trúc để bảo tồn và phát huy giá trị khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu...

6a75b5c0159ad1c4888b

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định: Trong số 3 “cố đô” của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hoàng thành Thăng Long có nét độc đáo riêng thể hiện sự nối tiếp, liên tục trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây được coi là trung tâm chính trị quan trọng bậc nhất trong hệ thống các kinh đô của Việt Nam - nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử.

Trải qua hơn 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, về cơ bản, các khuyến nghị của UNESCO đã và đang tiếp tục được các cơ quan quản lý di sản của thành phố Hà Nội thực hiện đầy đủ, từ việc củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ đến bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý di sản; xây dựng và ban hành các quy chế bảo vệ di sản; xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, quy hoạch và đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai các dự án bảo vệ, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di sản, ngăn chặn các nguy cơ tác động, ảnh hưởng xấu tới di sản, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học...

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau. Chính vì vậy, Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” sẽ là cơ hội tốt nhất để chúng ta góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản có tầm quan trọng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, Hội thảo này càng có ý nghĩa hơn, khi nó được diễn ra trong bối cảnh UNESCO đang tổ chức các hoạt động hướng tới Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Chia sẻ kinh nghiệm về phục dựng lại các công trình kiến trúc đã bị phá hủy, chỉ còn lại dấu tích, GS Ueno Kunikazu (Đại học nữ Nara - Nhật bản) giới thiệu một số công trình kiến trúc tiêu biểu thế kỷ thứ VIII, thế kỷ thứ IX được phục dựng thành công tại Nhật Bản và cho biết: “Trước tiên, cần dựa vào kết quả của các cuộc khảo cổ học để dựng lên phác thảo chính xác tới 70 - 80% công trình kiến trúc cổ. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi dựng mô hình ở tỉ lệ 1/50 đến 1/100. Chúng tôi cũng kiểm tra các vấn đề khác nhau trong quá trình phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ phá hủy các hiện vật có giá trị gốc”.

BTC cho biết, kết quả của Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” là cơ sở khoa học để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đưa ra các phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới; đặc biệt bổ sung tư liệu và tham vấn các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ trong quá trình thực hiện Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên và bảo tồn nhà Cục Tác chiến dưới dạng di sản số; hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045; làm tiền đề cho công tác quản lý bền vững di sản, vì sự phát triển của Di sản Thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Ngày 9/9, hội thảo tiếp tục thảo luận làm rõ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản - thực tiễn kinh nghiệm và định hướng; qua đó tìm ra hướng đi tích cực để công tác này đạt hiệu quả cao nhất, làm tiền đề cho công tác quản lý bền vững di sản, vì sự phát triển của các khu Di sản văn hóa thế giới.