Quay lại Dân trí
Dân Sinh

27 năm ngày thành lập Báo Lao động & Xã hội: Chúng ta là một gia đình!

(Dân sinh) - Hôm nay là ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội (25/8/1993 – 25/8/2020). 27 năm chưa phải là dài, nhưng là cả thanh xuân của nhiều thế hệ những người làm báo, những người đã gắn bó, góp công góp sức, thậm chí cả góp của để xây dựng tờ báo - cơ quan ngôn luận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Dẫu năm nay là năm lẻ, lại đang dịch bệnh Covid-19, Báo không tổ chức lễ kỷ niệm hay gặp mặt các thế hệ đã từng gắn bó với tờ báo, nhưng ôn cố tri tân là việc nên làm...

Ngày thành lập báo – Ngày sinh nhật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày 7/6/1993, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Trần Đình Hoan đã chính thức ký Quyết định thành lập Báo Lao động & Xã hội.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 1.

Báo Lao động & Xã hội đến với chiến sĩ đảo Trường Sa.

Để chọn cho Báo một thời điểm đẹp làm ngày chào đời, nhà báo Nguyễn Ngọc Niên - nguyên Tổng biên tập, người trực tiếp xây dựng đề án thành lập báo Lao động & Xã hội cho biết: "Ban biên tập có Anh hùng Lực lượng vũ trang Trịnh Tố Tâm – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (Tổng biên tập đầu tiên của Báo), anh Kim Quốc Hoa và tôi đều xuất thân từ quân ngũ. Để lưu giữ một kỷ niệm đẹp đẽ và hào hùng, tôi đã trình phương án lên Bộ trưởng Trần Đình Hoan và Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm xin phép chọn ngày 25/8 – ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm ngày thành lập Báo. Sáng kiến này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ. Vì lẽ đó, Báo Lao động & Xã hội đã có một ngày sinh hết sức có ý nghĩa!".

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 2.

CB, PV chung vui trong ngày kỷ niệm 27 năm thành lập Báo.   Ảnh: Tiến Luyến

Báo Lao động & Xã hội lúc ấy được Bộ cấp cho 3 gian nhà tạm dựng trên sân thượng của căn nhà số 2 Ngô Thì Nhậm, cùng địa chỉ với Trung tâm kiểm định Khu vực 1 và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam.

Kỷ niệm về người Tổng biên tập đầu tiên - Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm

Nhớ lại về người Tổng biên tập đầu tiên của Báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trịnh Tố Tâm, trong ký ức của tôi - một phóng viên non trẻ khi ấy, vẫn không thể nào quên một người Thứ trưởng, Tổng biên tập nhỏ thó, đi nhanh thoăn thoắt và nói to, rõ ràng, dứt khoát, việc gì cũng rất quyết liệt... Tuy kiêm nhiệm chức Tổng biên tập nhưng Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm không "chỉ đạo từ xa". Tuần nào cũng một vài lần ông chạy xuống trụ sở báo, sát sàn sạt với từng việc, thuộc mặt từng nhân viên, từng phóng viên, kể cả phóng viên thử việc. Thú thật là mấy phóng viên trẻ chúng tôi cứ giáp mặt Tổng biên tập Tâm là sợ run cầm cập.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 3.

Thứ trưởng - Tổng biên tập Báo Lao động & Xã hội Trịnh Tố Tâm chuyện trò thân mật với Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Báo Lao động & Xã hội khi mới xuất bản in ấn tại TP Hồ Chí Minh, 2 tuần mới phát hành một kỳ. Chưa có máy tính, còn máy chữ thì cả tòa soạn ở đầu Hà Nội chỉ có một cái, bài vở phóng viên đều viết tay. Sau khi biên tập, một nhân viên đánh máy lại rồi mang lên trụ sở Bộ LĐ-TB&XH ở 12 Ngô Quyền để Thứ trưởng, TBT Trịnh Tố Tâm đọc duyệt rồi mới chuyển vào miền Nam bằng đường bưu điện.

Công việc của một Thứ trưởng rất bận rộn, nhưng ông vẫn đọc duyệt kỹ từng bài báo chứ không giao phó hoàn toàn cho hai Phó TBT Kim Quốc Hoa và Nguyễn Ngọc Niên, dù đó là hai nhà báo lão luyện, lâu năm trong nghề. Còn nhớ, năm 1996, ông bị bệnh hiểm nghèo do ảnh hưởng chất độc hóa học của Mỹ trong những năm lăn lộn khắp chiến trường. Ông nằm điều trị ở Bệnh viện quân y 108, tôi vẫn kỳ cạch tuần vài lần mang bản thảo, bài vở vào tận bệnh viện cho TBT duyệt bài.

Có lần, vào phòng bệnh thấy ông đang thiêm thiếp ngủ, tôi không dám gọi mà ngồi một góc chờ. Lát sau, ông mở mắt, nhìn thấy tôi, ông gọi khẽ: Hằng đấy à, cháu mang bài vào à? Ngừng một lát, ông nặng nhọc nói: Hôm nay chú mệt lắm, không đọc được, cháu mang về bảo chú Hoa, chú Niên là chú Tâm dặn phải duyệt thật kỹ nhé...

Tôi nhớ từ sau lần đó, tôi không còn mang bài vào viện lần nào nữa, đến cuối năm 1996 ông rất yếu và qua đời vào tháng 1 năm 1997, lúc mới 53 tuổi.

• Tờ báo có nhiều cái "đầu tiên"

Cách đây 27 năm, không phải bộ ngành nào cũng có cơ quan ngôn luận, các tờ báo ngành khi ấy đều sống nhờ vào sự bao cấp hoàn toàn của ngân sách nhà nước. Nhưng với yêu cầu của Bộ trưởng Trần Đình Hoan, những người sáng lập đã dám lựa chọn phương án xây dựng cơ quan báo chí hoàn toàn thoát khỏi bao cấp, xây dựng tờ báo hoạt động theo cơ chế hạch toán độc lập, tự trang trải, chỉ cần Bộ bố trí trụ sở và  xin cấp 60 triệu đồng để mua một số bàn ghế, phương tiện làm việc. Lãnh đạo Bộ đồng ý ngay và tờ báo nhanh chóng đi vào hoạt động.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 4.

Bộ trưởng Trần Đình Hoan cùng các Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Lương Trào và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đến chúc mừng CBPV nhân ngày 21/6/1994 tại trụ sở đầu tiên của Báo ở số 2 phố Ngô Thì Nhậm – Hà Nội

Năm 1994 và 1995, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Pháp lệnh: Pháp lệnh ưu đãi người có công và Pháp lệnh Phong tặng danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Được phép của lãnh đạo Bộ, Báo thành lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước hình thành loại quỹ này. Và người đầu tiên đóng góp vào Quỹ là Bộ trưởng Trần Đình Hoan.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 5.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng; Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Côn Đảo Phan Thanh Biên; Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Lao động và Xã hội, báo điện tử Dân sinh Nguyễn Thu Hằng cùng đại diện nhà tài trợ tặng quà gia đình người có công tại Côn Đảo dịp 27/7/2020

Báo Lao động & Xã hội cũng khởi xướng, đi đầu phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đợt đầu triển khai Pháp lệnh phong tặng danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng chục nghìn bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu, lúc đó mức trợ cấp tuất liệt sĩ còn rất thấp, tuổi già đau yếu luôn, nếu xã hội hóa được thì các mẹ có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Báo Lao động & Xã hội đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng hàng trăm Bà Mẹ VNAH và trực tiếp phụng dưỡng 2 mẹ ở Quảng Nam. Các phong trào xây nhà tình nghĩa, tặng tivi cho bộ đội Trường Sa, tặng quà gia đình chính sách, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn luôn được báo quan tâm, thực hiện thường xuyên.

Những năm sau này, các chương trình Hoa ban trong lòng Hà Nội, Huyền thoại Mẹ Việt Nam, Linh thiêng Việt Nam; Vầng trăng cổ tích, Tổ quốc linh thiêng... đã được duy trì, những năm qua Báo đã vận động được nhiều tỷ đồng tặng gia đình chính sách, đỡ đầu nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, bám sát các lĩnh vực lao động việc làm, người có công và xã hội, báo thường xuyên tổ chức các cuộc thi tác phẩm báo chí phù hợp với tôn chỉ mục đích và nhiệm vụ của tờ báo ngành LĐ-TB&XH như: Chân dung doanh nghiệp trên đường đổi mới, thi viết về đề tài phòng chống tệ nạn xã hội, về người khuyết tật, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới...

• Chúng ta là một gia đình

Theo xu hướng chung của báo chí hiện đại, tháng 8/2014 báo ra mắt trang thông tin điện tử Dân sinh. Sau hai năm vận hành, tháng 8/2016 báo điện tử Dân sinh đã chính thức được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp giấy phép hoạt động. Như vậy, báo Lao động và Xã hội có thêm một sản phẩm báo chí góp mặt trong làng báo hiện đại, thông tin được nhanh hơn, nhiều hơn, sinh động hơn, tốt hơn đến với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.

Ngoài đội ngũ cán bộ, phóng viên tại trụ sở chính ở Hà Nội, mạng lưới văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại TP HCM, Nha Trang, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và cộng tác viên ở nhiều tỉnh thành khác luôn cung cấp những thông tin mới nhất, nhanh nhất về mọi hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt bám sát các hoạt động an sinh xã hội, công tác lao động, việc làm và người có công trên mọi miền đất nước.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 6.

Nhờ công nghệ viễn thông hiện đại, lãnh đạo, cán bộ, phóng viên tòa soạn không chỉ liên lạc với nhau bằng điện thoại hay thư tín như trước. Hàng tuần, tòa soạn giao ban trực tuyến với tất cả các văn phòng đại diện, tổ phóng viên thường trú. Nhờ đó, thông tin thông suốt hơn, công tác chỉ đạo nội dung, điều hành rất nhanh chóng, các vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ ngay nhờ đối thoại trực tuyến.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 7.

Cùng với việc thường xuyên trao đổi về công việc, mọi người có điều kiện gặp gỡ nhau cả trực tuyến lẫn trực tiếp. Những năm gần đây, tòa soạn tích cực tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn; các hoạt động xã hội được quan tâm; hoạt động tập thể toàn tòa soạn được tổ chức thường xuyên hàng năm, đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ phóng viên được chăm lo. Nhờ đó, các thành viên trong tòa soạn thân thiết, gần gũi nhau hơn, cả trong công việc lẫn cuộc sống.

Bên cạnh đó, các thế hệ lãnh đạo đã nghỉ hưu, các cán bộ phóng viên đã chuyển công tác vẫn luôn coi báo là ngôi nhà chung, mỗi khi có dịp lại cùng nhau hàn huyên "ôn nghèo kể khổ", nhớ về "những ngày xưa thân ái"...

27 năm qua, các thế hệ phóng viên, cán bộ trong ngôi nhà Lao động & Xã hội đã cùng nhau trải qua nhiều niềm vui nỗi buồn, kể cả sự va vấp trong nghề và những khó khăn, cũng là những tích lũy kinh nghiệm để trưởng thành hơn. Dù đóng góp nhiều hay ít nhưng ai cũng có quyền tự hào rằng mình đã góp một phần vào việc thực hiện các chính sách của ngành LĐ-TB&XH và sự phát triển của tờ báo. 

Được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH cả về cơ chế và vật chất, Báo LĐ&XH đang có cả thế và lực để vươn lên. Mỗi thành viên, mỗi cán bộ, phóng viên luôn coi Báo Lao động & Xã hội thực sự là mái nhà chung ấm áp, cùng nhau kề vai góp sức xây dựng tờ báo ngày càng phát triển và hãy luôn ghi nhớ: Chúng ta là một gia đình!


Một số hoạt động của Báo Lao động và Xã hội, báo điện tử Dân sinh

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 8.

Tham gia đoàn công tác của Báo Lao động và Xã hội tại Côn Đảo dịp 27/7/2020, ông Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thăm hỏi cựu tù chính trị Nguyễn Thị Ni. Bà quê ở Tiền Giang, là biệt động thành bị địch bắt năm 1971. Tháng 10/1972, bà bị đưa ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo và bị địch tra tấn vô cùng tàn ác đến mức không thể sinh con.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 9.

Đoàn công tác của Báo LĐ&XH cùng các cựu chiến binh, các nhà tài trợ dâng hoa tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 10.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng (trái), Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Lao động và Xã hội, báo điện tử Dân sinh Nguyễn Thu Hằng - Trưởng Ban Tổ chức chương trình Tổ quốc linh thiêng (đứng giữa), cùng đại biểu tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 11.

Phó TBT phụ trách Nguyễn Thu Hằng tặng quà Người có công huyện Côn Đảo dịp 27/7/2020.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 12.

Vietnam HR AWARDS - Giải thưởng tiên phong và duy nhất về Quản trị nhân sự do Báo Lao động và Xã hội, Báo điện tử Dân sinh - phối hợp cùng Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài Talentnet tổ chức.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 13.

PV Nguyễn Ngọc Ước và các chiến sĩ đảo Trường Sa.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 14.

PV Nguyễn Síu trong chuyến công tác miền núi.

27 năm ngày thành lập Báo Lao động và Xã hội: Chúng ta là một gia đình - Ảnh 15.

Gia đình Lao động và Xã hội vui mừng đón chào tuổi 27