Quay lại Dân trí
Dân Sinh

5 hoạt động hỗ trợ phát triển nghề nghiệp để giảm nghèo bền vững

Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) Tô Đức cho rằng, để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giáo dục nghề nghiệp là một trong những yếu tố then chốt, có tính chất quyết định thành công trong giảm nghèo bền vững…

Cũng theo ông Tô Đức, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Thông tư Hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

“Cầm tay chỉ việc” để dạy nghề cho người nghèo.

“Cầm tay chỉ việc” để dạy nghề cho người nghèo.

Trong dự thảo, đối tượng nhận hỗ trợ phát triển nghề nghiệp gồm: Người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm thoát nghèo), người lao động có thu nhập thấp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan. Các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án.

Theo đó, sẽ có 5 hoạt động hỗ trợ phát triển nghề nghiệp để giảm nghèo bền vững gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo. Hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và các công trình phụ trợ cho khoảng 40 trường Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.

Hỗ trợ đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện đào tạo cho khoảng 150 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, ưu tiên cho các trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.

Hoạt động xây dựng các chuẩn, phát triển chương trình, học liệu; phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp với đối tượng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội tại vùng nghèo, vùng khó khăn. Theo đó, sẽ xây dựng mới, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung khoảng 100 bộ chuẩn, tiêu chuẩn cho khoảng 100 ngành, nghề phục vụ cho đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp tại vùng nghèo, vùng khó khăn.

Phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Phát triển, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; Phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu, tài nguyên học liệu đào tạo.

Điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo bao gồm điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; Phổ biến, tuyên truyền, truyền thông, thông tin về giáo dục nghề nghiệp; Tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, người học nghề, người lao động nhằm thúc đẩy phân luồng, tạo việc làm và hỗ trợ học tập suốt đời và xã hội học tập cho người lao động.

Hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm cho người học; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo của người học.

Cùng với đó, phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo. Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển cho khoảng 100 thiết bị đào tạo tự làm phục vụ đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.

Trao đổi chuyên gia, nghiên cứu chuyển giao quy trình, thủ tục, kỹ thuật biên soạn tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, biên soạn đề thi đánh giá tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; đào tạo phát triển đánh giá viên tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; quản lý, thiết lập và bảo mật ngân hàng đề thi đánh giá tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Thí điểm xây dựng và triển khai khoảng 30 chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo (theo mô hình doanh nghiệp tham gia từ quá trình xây dựng chương trình đào tạo và tham gia trực tiếp đào tạo tại cơ sở GDNN và doanh nghiệp một số nội dung theo chương trình đào tạo do 2 bên thống nhất).

Thí điểm đào tạo, đào tạo lại theo Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021. Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho người học tốt nghiệp trung học cơ sở

Chương trình sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp: Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho khoảng 50.000 người lao động cho các ngành, nghề trọng điểm.

Đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.

Ông Tô Đức nhấn mạnh: “Trong số các  hoạt động hỗ trợ cho người nghèo về việc nâng cao tay nghề, áp dụng khoa học vào sản xuất thì 2 nội dung: Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp phải được ưu tiên hàng đầu.

Trong thời gian tới, Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo sẽ phối hợp với một số cơ quan hỗ trợ thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn... Đặc biệt là đào tạo gắn với thị trường lao động trong đó ưu tiên lao động đi làm việc tại nước ngoài...”.