Quay lại Dân trí
Dân Sinh

6 tháng cuối năm 2021, Việt Nam mới tiếp cận được vắc xin COVID-19

Phát biểu tại cuộc giao ban trực tuyến với các Sở Y tế chiều nay 19-8, Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đang tìm mọi phương pháp, mọi góc độ tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19, nhưng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có.

Theo Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đang nỗ lực bằng mọi phương pháp, mọi góc độ để tiếp cận vắc xin, nhưng ít nhất phải 6 tháng cuối 2021 mới có vắc xin. Từ nay đến thời điểm đó, lúc nào cũng phải sẵn sàng nguy cơ có thể xảy ra dịch.

Ông Long cũng đánh giá "nhờ triển khai các biện pháp chưa có tiền lệ", cho đến nay sau gần 1 tháng, ổ dịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã từng bước được kiểm soát. Các tỉnh miền Trung đang tăng cường xét nghiệm, truy vết để có biện pháp ngăn dịch kịp thời.

Về ổ dịch tại Hải Dương, ông Long cho rằng nguồn bệnh xâm nhập vào quán Thế giới bò tươi vào khoảng 25-27 tháng 7, nơi có ca bệnh 867 và từ địa điểm này lây lan ra 11 bệnh nhân khác. Trong những ngày tới có thể có thêm ca nhiễm, do trong khoảng thời gian từ khi có mầm bệnh đến khi phát hiện ổ dịch đã có khoảng 1.000 người ra vào quán ăn này và thời gian đã kéo dài khoảng 2 tuần.

Ông Long cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại các kịch bản ứng phó các cấp độ, do thời gian qua khi dịch xảy ra tại địa phương, có địa phương đã lúng túng và không đủ điều kiện nhân lực, vật lực, Bộ Y tế phải điều bệnh viện trung ương vào hỗ trợ. Tốc độ lây lan trong giai đoạn này của dịch cũng cao hơn, giai đoạn trước chỉ có 40 ổ dịch, giai đoạn này có 150 ổ dịch.

Về các bài học chống dịch, ông Long khuyến cáo các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó chủ động, tránh trường hợp phải phong tỏa 1 loạt bệnh viện, đặc biệt là bảo vệ các khoa hồi sức, khoa thận nhân tạo, nhân viên y tế, đồng thời cách ly ngay các trường hợp F1 và phản ứng nhanh, chần chừ sẽ rất nguy hiểm.

Các nhà thuốc phải giám sát chặt trường hợp có ho, sốt, bệnh viện và nhà thuốc để lọt ca bệnh nghi ngờ sẽ bị xử lý nghiêm.

6 tháng cuối năm 2021, Việt Nam mới tiếp cận được vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Nghiên cứu vắc xin Sputnik V tại Viện Gamaleya - Ảnh: Sputnik V

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đăng ký mua vắc xin của Anh và Nga, đồng thời đang nỗ lực phát triển vắc xin trong nước. Hiện có 2 trong 4 loại vắc xin ngừa COVID-19 trong nước chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.

Liên quan đến vắc xin COVID-19, tờ Thông tấn xã Việt Nam cho hay, nhiều nước tìm cách sớm bảo đảm nguồn cung vắc-xin Covid-19. 

Ngày 21-8, Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt đủ số lượng vắc-xin phòng ngừa Covid-19 để mọi người dân nước này đều có thể tiêm phòng. Trong trường hợp khó đạt được mục tiêu này, chính phủ sẽ nỗ lực để 70% số dân có thể được tiêm vắc-xin, điều kiện tối thiểu để hình thành miễn dịch cộng đồng.

* Giới chức Pê-ru và Ma-rốc đã phê duyệt giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng ứng cử viên vắc-xin tiềm năng do Công ty Biotec của Trung Quốc phát triển. Hiện Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) cũng đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 vắc-xin của Biotec, công ty con của Tập đoàn dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc.

* Công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc và Bio Farma của In-đô-nê-xi-a đã ký bản ghi nhớ về việc ưu tiên phân phối vắc-xin phòng ngừa Covid-19 cho In-đô-nê-xi-a cho đến cuối năm 2021. Theo thỏa thuận, Sinovac đã cam kết cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 lên đến 40 triệu liều từ tháng 11-2020 đến tháng 3-2021 cho In-đô-nê-xi-a.

* Thụy Điển đã nhất trí tham gia vào thỏa thuận của Liên hiệp châu Âu (EU) với Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh để bảo đảm nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19 ngay khi loại vắc-xin này được lưu hành. Theo thỏa thuận này, Thụy Điển sẽ có khoảng 6 triệu liều vắc-xin trong giai đoạn đầu và thêm 2 triệu liều nữa trong giai đoạn sau.

* Ngày 21-8, Bộ Y tế Ấn Độ công bố gần 69 nghìn ca mắc mới tại nước này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên mức 2,9 triệu người. Ấn Độ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch tại châu Á và đứng thứ ba trên thế giới về tổng số ca nhiễm. Theo khảo sát của giới chức y tế Niu Đê-li, gần 30% số dân ở thủ đô có thể đã nhiễm Covid-19 mà không có triệu chứng.

* Chính phủ Phi-li-pin khuyến khích người dân chuyển sang đi bộ và sử dụng xe đạp nhằm giải quyết tình trạng hạn chế dịch vụ giao thông công cộng và khuyến khích lối sống tích cực hơn. Kể từ khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa hồi giữa tháng 3, hệ thống giao thông công cộng đã bị hạn chế hoạt động.

* Ngày 21-8, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In đề nghị chính quyền thành phố Xơ-un xử lý nghiêm các hành vi cản trở công tác điều tra dịch tễ, cản trở người thi hành công vụ. Hiện một số cơ sở tôn giáo như nhà thờ Xa-rang Giên ở Xơ-un không hợp tác giao nộp danh sách giáo dân cho cơ quan phòng dịch.

6 tháng cuối năm 2021, Việt Nam mới tiếp cận được vắc xin COVID-19 - Ảnh 2.

Trung Quốc phê duyệt thử nghiệm vắc xin COVID-19 phát triển từ tế bào côn trùng

* Trung tâm Kiểm soát dịch Covid-19 của Thái-lan gia hạn quy tắc khẩn cấp chống đại dịch tới ngày 30-9. Tuy nhiên, những hạn chế trong các biện pháp chống dịch của Thái-lan phần lớn đã được nới lỏng đối với trường học, giao thông công cộng, các sân vận động và các điểm giải trí gần như được mở cửa trở lại theo trật tự giãn cách xã hội.

* Bộ Y tế I-xra-en cho biết cơ quan này và Bộ Tài chính đã quyết định phân bổ ngân sách 294 triệu USD cho hệ thống y tế để chuẩn bị cho chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19 vào mùa đông tới. Theo kế hoạch, 40% trong khoản ngân sách trên sẽ được phân bổ cho các trường hợp cách ly tại nhà, số còn lại sẽ được phân bổ cho việc tiêm vắc-xin phòng cúm.

* Ca-na-đa thông báo gia hạn thêm bốn tuần trợ cấp cho những người bị mất việc làm do đại dịch, đồng thời nới lỏng các quy định về việc xin trợ cấp thất nghiệp. Giới chức Ca-na-đa ước tính chi phí cho gói hỗ trợ khẩn cấp này vào khoảng 28 tỷ USD.

* Bộ Tài chính Đức đã lên kế hoạch vay khoảng 258 tỷ USD trong năm nay để chi trả cho gói cứu trợ khổng lồ lên tới 1.187 tỷ USD để bảo vệ người dân và doanh nghiệp.

* Anh công bố nợ công lần đầu tiên vượt mức 2.000 tỷ bảng, trong khi khoản vay trong tháng cũng tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong thời bình. Nợ ròng của Chính phủ Anh trong tháng 7 vừa qua đã tăng thêm 20,2 tỷ bảng. Dự báo Chính phủ Anh sẽ phải vay hơn 370 tỷ bảng cho cả tài khóa 2020 - 2021.

* Cu-ba đã cử một nhóm gồm 150 y, bác sĩ tới Vê-nê-xu-ê-la giúp đối phó dịch bệnh. Đây là những “chiến sĩ áo trắng” nằm trong số 1.000 chuyên gia và nhân viên y tế mà Cu-ba dự kiến tăng cường cho Vê-nê-xu-ê-la trong tháng 8 này để giúp ứng phó với đỉnh dịch Covid-19 được dự báo có thể xảy ra trong tháng 8 hoặc tháng 9.

* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) yêu cầu các quốc gia châu Phi triển khai các biện pháp phòng dịch một cách cẩn trọng trước khi mở cửa lại trường học. Trong số 39 quốc gia thuộc khu vực châu Phi hạ Xa-ha-ra, sáu nước đã nối lại hoàn toàn các hoạt động giáo dục, 19 nước thực hiện việc mở cửa lại một phần các cơ sở giáo dục.

* Thủ tướng Ai Cập M.Mát-bu-li tuyên bố nước này đang chuẩn bị hai lô hàng viện trợ tiếp theo trị giá 2,2 triệu USD nhằm giúp 23 quốc gia châu Phi chống dịch. Trước đó, Ai Cập đã cung cấp một đợt viện trợ y tế trị giá gần 1,6 triệu USD cho 10 quốc gia châu Phi.

* Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo 100 triệu người trên thế giới có thể trở lại cảnh nghèo cùng cực do tác động của đại dịch. Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết cho phép các nước nghèo nhất hoãn thanh toán nợ cho đến cuối năm nay. WB đã cam kết tài trợ 160 tỷ USD cho 100 quốc gia cho đến tháng 6-2021, nhằm giải quyết tình huống cấp bách hiện nay.