Quay lại Dân trí
Dân Sinh

AIPA thúc đẩy giải quyết các vấn đề xã hội

(Dân sinh) - Trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng - Trưởng đoàn ĐBQH Việt Nam dự AIPA đã phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Xã hội AIPA diễn ra chiều 9/9, tại Hà Nội.

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách như: Ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc, những hệ lụy trong quá trình phát triển, đô thị hóa tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, gây hại cho tài nguyên thiên nhiên và đời sống xã hội.

AIPA là yếu tố quyết định hướng tới cộng đồng ASEAN có trách nhiệm xã hội - Ảnh 1.

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị Ủy ban Xã hội AIPA 41.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên qui mô toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay, đã gây ra những hậu quả nặng nề, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặt gánh nặng rất lớn lên hệ thống y tế của các quốc gia, ảnh hưởng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân của mỗi quốc gia, cũng như các mục tiêu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội mang ý nghĩa quan trọng khi hướng tới một cộng đồng có trách nhiệm xã hội, kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân, nhằm đạt được sự đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận, rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Để thực hiện được mục tiêu này, sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả giữa các Nghị viện thành viên AIPA là một yếu tố quyết định.

Thảo luận tại phiên họp, đại diện Đoàn Bruney cho hay, từ tháng 3/2020 khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, Chính phủ Bruney đã có các giải pháp nhằm bảo đảm sức khỏe và việc làm cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá rủi ro giai đoạn đầu đại dịch và cập nhật tình hình dịch bệnh liên tục, Đoàn Bruney cũng nêu một số giải pháp hỗ trợ cộng đồng ứng phó với đại dịch: Tập trung các công nghệ cần thiết, đầu tư thương mại điện tử để thúc đẩy các chuỗi cung ứng; nâng cấp các dịch vụ viễn thông để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các dịch vụ thiết yếu khác trong bối cảnh đại dịch...; đồng thời mong muốn AIPA có vai trò thúc đẩy tốt hơn nữa cách tiếp cận và thực hiện nỗ lực chung của các nước ASEAN.

Theo bà Nin Saphon, đại diện Đoàn Campuchia, cuộc chiến chống COVID-19 và quá trình phục hồi kinh tế-xã hội hậu COVID-19 không thể nào giải quyết ở các quốc gia đơn lẻ, đòi hỏi sự mở rộng hơn việc hợp tác quốc tế trên tinh thần đoàn kết. Về khía cạnh này Campuchia muốn có cách tiếp cận đoàn kết và gắn kết. Hiện trong quá trình phát triển vắc-xin, Campuchia kêu gọi các nước coi vắc-xin là sản phẩm hàng hóa mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được, để một khi vắc-xin đã được sản xuất và khẳng định tính hiệu quả thì có thể được cung cấp cho nhân loại.

"COVID mang đến cho các quốc gia ASEAN cơ hội nâng cao sức chống chịu và tự cường. Chỉ khi chúng ta đoàn kết, gắn kết, chủ động thích ứng thì mới vượt qua được", đại diện Đoàn Indonesia chia sẻ. Đây là quốc gia có khả năng xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng với 26.000 người/ngày và đang tham gia trong tiến trình phát triển vắc-xin phòng chống COVID-19. Theo đại diện Đoàn Indonesia, đối với những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề thì cần tư duy, đi trước một bước để đưa ra nỗ lực hồi phục sau đại dịch, chẳng hạn thúc đẩy, quảng bá du lịch. Đây cũng là thời cơ để mỗi nước cân nhắc lại khả năng tăng trưởng của mình, xây dựng lại nền kinh tế song không được quyền chối bỏ các cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các vấn đề môi trường...

Đại diện Đoàn Lào cho biết, đất nước này chịu ảnh hướng rất lớn từ đại dịch COVID-19, song Chính phủ Lào đã thông qua các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì, đảm bảo hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; duy trì thương mại quốc tế và khu vực dịch vụ, du lịch... Nữ nghị sỹ hy vọng các quốc gia tìm được giải pháp thỏa đáng để ứng phó với đại dịch COVID-19 và Laos tiếp tục nhạn được sự hợp tác của các quốc gia trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện đoàn Việt Nam cho biết, đến sáng 9/9, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là 1.054 người, trong đó có 35 ca tử vong. Việt Nam đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, Việt Nam triển khai các giải pháp nhằm ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội Việt Nam đảm bảo hành lang pháp lý khi triển khai các biện pháp chống dịch Covid-19 (giãn cách xã hội, cách ly người bệnh, người nhập cảnh 14 ngày, …). Thông qua ngân sách thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ để hỗ trợ sinh kế cho người dân và các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19; thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như việc triển khai gói hỗ trợ.

Điều chỉnh ngân sách theo hướng thúc đẩy đầu tư công, phục hồi phát triển kinh tế; Ban hành các Nghị quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đến nay, về cơ bản đã kiểm soát tốt, ngăn chặn thành công làn sóng lây nhiễm thứ 2 và đến hôm nay đã 7 ngày liên tiếp Việt Nam chưa phát hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.