Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bắc Giang đào tạo nghề cho lao động và từng bước cải thiện cuộc sống

Tỉnh Bắc Giang hiện có dân số trên 1,8 triệu người (65,8% trong độ tuổi lao động), trong đó có 14,26% dân số là người DTTS, sinh sống phổ biến ở các vùng miền núi. Kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, toàn tỉnh có 24.674 hộ hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,28% và 24.531 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,25% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). Năm 2022 tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề cho người nghèo, người lao động ở vùng kinh tế khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN)… góp phần hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất, thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống.

Thực hiện nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Quyết định 1719) và phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định 90), Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang đã ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN triển khai thực hiện.

Dạy nghề nghề Điện dân dụng cho lao động nông thôn,  ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng

Dạy nghề nghề Điện dân dụng cho lao động nông thôn, ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng

Trên cơ sở hướng dẫn của Sở LĐTBXH, UBND các huyện, thành phố đã khẩn trương tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề của các đối tượng lao động trên địa bàn (số lượng, trình độ, thực trạng lao động, yêu cầu về phát triển ngành, nghề); nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ.... Đồng thời, tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát trong công tác tổ chức lớp học của các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN sao cho bảo đảm thời gian học lý thuyết và thực hành, sĩ số lớp học, chất lượng giáo viên... để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao.

Tỉnh Bắc Giang có có 5 huyện, thành phố được thụ hưởng các chính sách đào tạo nghề theo Quyết định 90 (thành phố Bắc Giang, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên và Việt Yên) và 5 huyện được thụ hưởng các chính sách đào tạo nghề của cả 2 quyết định (Quyết định 1719 và Quyết định 90) là huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.

Về ngành, nghề đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo. Tỉnh thực hiện theo các văn bản quy định của cấp có thẩm quyền về danh mục nghề mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng sử dụng ngân sách nhà nước hiện hành. Riêng năm 2022, áp dụng theo quy định tại Quyết định số 146/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 về việc phê duyệt danh mục nghề và mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2022. Theo đó, thời gian đào tạo đối với nhóm nghề Công nghiệp - Dịch vụ là 3 tháng; Nhóm nghề nông nghiệp 02 tháng; Nhóm nghề tiểu thủ công nghiệp 2 tháng.

Mức hỗ trợ chi phí đào tạo: Người khuyết tật được hỗ trợ 1,3 triệu đồng/tháng; Người DTTS; người dân tộc Kinh thuộc hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào DTTS&MN; người thuộc hộ nghèo; lao động nữ mất việc làm… được hỗ trợ 840.000 đồng/tháng;  Người thuộc hộ cận nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, người chấp hành xong hình phạt tù… được hỗ trợ 660.000 đồng/tháng.

Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại: Học viên tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng sẽ được hỗ trợ tiền ăn 30.000/ngày thực học. Đối với học viên ở xa địa điểm đạo tạo từ 15 km trở lên sẽ được hỗ trợ thêm tiền đi lại là 200.000 đồng/khóa học. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

Huyện Yên Dũng đã lựa chọn được 02 đơn vị đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo nghề là Trung tâm GDNN-GDTX (giáo dục thường xuyên) huyện Yên Dũng và Công ty TNHH một thành viên Chung Nga để mở các lớp đào tạo cho người lao động. Tổng số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp được đào tạo năm 2022 là 150 người, trong đó: 01 lớp học nghề May công nghiệp: 01 lớp học nghề Điện dân dụng và 03 lớp học nghề Nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm; mỗi lớp có 30 học viên. Ông Nguyễn Văn Vy - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng cho biết: Triển khai thực hiện nội dung phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Chương trình mục quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, ngay sau khi Sở LĐ-TB&XH có văn bản hướng dẫn, UBND huyện đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị để triển khai thực hiện. Căn cứ và kế hoạch và nhiệm vụ được giao, phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề; Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện kế hoạch đào tạo nghề đáp ứng và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện triển khai công tác dạy nghề trên địa bàn.

Dạy nghề nghề Điện dân dụng cho lao động nông thôn,  ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng

Dạy nghề nghề Điện dân dụng cho lao động nông thôn, ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng

Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các lớp đào tạo, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đào tạo của các cơ sở GDNN, đảm bảo đủ thời lượng dạy lý thuyết và thực hành, sao cho học viên sau khóa học có thể áp dụng ngay vào thực tế. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở GDNN phối hợp với các doanh nghiệp tuyên truyền, tư vấn về việc làm sau khi được đào tạo để thu hút người lao động tham gia học nghề và làm việc tại các doanh nghiệp.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Dũng, đơn vị đang đào tạo 2 lớp đào tạo nghề cho người dân là nghề May Công nghiệp và Điện dân dụng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đơn vị thực hiện xây dựng giáo án mang tính thực tế cao, để người học dễ vận dụng vào thực tế. Cử các giáo viên có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm đứng lớp, tận tình hướng dẫn học viên thực hành. Đến nay, học viên tham giá các khóa học đã có thể tự sửa chữa các đồ điện trong gia đình như: Quạt máy, nối dây điện, lắp bóng điện… Bên cạnh đó, đơn vị cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để đưa người học đến thực hành, thực tế và liên hệ việc làm phù hợp cho học viên sau khóa đào tạo nếu có nhu cầu. Thời gian tới, đơn vị dự kiến sẽ mở thêm một số ngành, nghề đào tạo như: Điện tử công nghiệp, cơ khí… để người học có thêm nhiều lựa chọn học nghề và có thêm nhiều cơ hội việc làm. Ông Nghiêm Văn Cường, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Dũng cho biết thêm: Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn đến từng hộ dân để tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác GDNN và lợi ích thiết thực của việc học nghề đối với bà con; điều tra, khảo sát, tham khảo nguyện vọng của người dân về ngành nghề muốn học để mở lớp dạy nghề cho phù hợp; đồng thời vận động những người đủ điều kiện đăng ký tham gia học nghề. Đơn vị cũng đưa các máy móc, thiết bị thực hành về để mở lớp học ngay tại thôn, xóm và bố trí thời gian linh hoạt, phù hợp với điều kiện của người dân để thuận tiện cho bà con tham gia các khóa học.

Lớp học nghề Nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm được mở ở thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu, Yên Dũng

Lớp học nghề Nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm được mở ở thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu, Yên Dũng

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chung Nga, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho biết: Qua quá trình khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân về nhu cầu và nguyện vọng học nghề, công ty đã triển khai 03 lớp đào tạo nghề Nuôi và phòng trừ bệnh cho gia cầm cho người dân trên địa bàn huyện. Đơn vị cử giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm trong chăn nuôi và phòng bệnh cho gia cầm để hướng dẫn bà con. Đến nay, bà con đã được học các kiến thức: Chọn giống, dụng cụ chăn nuôi và cải tạo chuồng trại; Lựa chọn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng; Nhận biết và phòng bệnh cho đàn gia cầm… Hy vọng rằng, khóa học này sẽ giúp bà con có thêm nhiều kiến thức để áp dụng vào thực tế giúp việc tăng gia, chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của bà con để mới thêm nhiều lớp dạy các nghề khác nhau, để bà con có nhiều sự lựa chọn sao phù hợp với điều kiện của gia đình và địa phương.

Nhờ sự chủ động của các cấp, các ngành và địa phương công tác đào tạo nghề cho người nghèo, người lao động ở vùng kinh tế khó khăn, vùng DTTS… trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.