Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bắc Trung bộ trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử

(Dân sinh) - Từ tháng 5 đến nay, tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế xảy ra 6 đợt nắng nóng, đợt dài nhất kéo dài 14 ngày, nhiệt độ cao nhất thực đo trong các đợt nắng nóng từ 38-40 độ, có nơi trên 40 độ; riêng trạm Hà Tĩnh duy trì nhiệt độ cao trên 35 độ trong 26 ngày liên tục. Đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử trong chuỗi số liệu tính từ năm 1971 đến hiện tại.

Tại một số nơi, nhiệt độ cao nhất đã vượt giá trị lịch sử như: Đô Lương (Nghệ An - ngày 22 và 24/6): 41,20C đã vượt giá trị lịch sử: 410C vào tháng 6/2019, Hà Tĩnh: 40,20C đã vượt giá trị lịch sử: 400C vào tháng 6/2019, Đồng Hới (Quảng Bình): 40,20C đã vượt giá trị lịch sử: 40,10C vào tháng 6/1983.

Bắc Trung bộ trải quả đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử - Ảnh 1.

Nắng nóng khiến hàng trăm ha cây trồng tại Bắc Trung bộ bị khô hạn.

Lượng mưa 6 tháng đầu năm 2020 đến nay phổ biến từ 200 - 500mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20-50%, riêng tháng 5 và tháng 6/2020 tổng lượng mưa tháng thiếu hụt nhiều từ 50-80%, một số nơi trong tháng 6/2020 hầu như không có mưa như Hà Tĩnh, Quảng Bình. Sang đến 20 ngày tháng 7/2020 mưa cũng chỉ xuất hiện cục bộ trên khu vực, riêng khu vực phía tây của Thừa Thiên Huế như A Lưới, Nam Đông xuất hiện nhiều mưa hơn và tổng lượng mưa đạt 170-190mm.

Trong các tháng mùa khô năm 2020, mực nước trên phần lớn các sông trong khu vực biến đổi chậm theo xu thế xuống dần. Từ tháng 4 đến tháng 6, mực nước thượng nguồn sông Mã, sông Cả xuất hiện 2-3 đợt dao động với biên độ từ 1,0-2,5m, mực nước trung, hạ lưu biến đổi chậm theo xu thế xuống dần và ở mức thấp. Trên một số sông, đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ như trên sông Mã (Thanh Hóa) tại Cẩm Thủy, tại Lý Nhân, tại Xuân Khánh; sông Cả (Nghệ An) tại Yên Thượng, tại Nam Đàn; sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) tại Hòa Duyệt; sông Bến Hải (Quảng Trị) tại Gia Vòng; sông Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) tại Thượng Nhật.

Lưu lượng dòng chảy trung bình 6 tháng đầu năm phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 25-60%, một số sông thấp hơn trên 70%; riêng các sông ở Hà Tĩnh ở mức tương đương trung bình nhiều năm cùng kỳ từ tháng 01 đến tháng 5 và thấp hơn trong tháng 6 khoảng 20%.

Nửa đầu tháng 7, mực nước trên các sông trong khu vực biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần, lưu lượng dòng chảy phổ biến thấp hơn từ 20-60% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong nửa cuối năm 2020 có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Cụ thể: Có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó khu vực Bắc Trung Bộ là vùng trọng điểm của bão/ áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng năm nay.

Nhiệt độ trung bình tháng 8, tháng 9/2020 ở khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,00C; tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2020, nhiệt độ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 8/2020 ở khu vực Bắc Trung Bộ và đầu tháng 8/2020 nhưng không gay gắt.