Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn.

Ảnh minh hoa

Ảnh minh hoa

Cấp nước an toàn là việc cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ số lượng nước, đảm bảo chất lượng nước theo quy định của pháp luật và kiểm soát được rủi ro theo kế hoạch cấp nước an toàn đã được phê duyệt.

Thông tư quy định quy trình xây dựng, phê duyệt, thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh và kế hoạch cấp nước an toàn công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung có công suất từ 100m3/ngày đêm trở lên; việc thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình khu vực nông thôn.

Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnhThông tư nêu rõ yêu cầu cơ bản của công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bảo đảm cấp nước an toàn như sau: Bảo đảm cấp nước liên tục, ổn định, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng theo quy định của pháp luật; các hạng mục công trình thu, xử lý, trữ, phân phối nước sạch đến khách hàng được quản lý, vận hành, bảo dưỡng theo quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật; có phương án kiểm soát các nguy hại, rủi ro, sự cố có thể xảy ra trong hệ thống từ nguồn nước đến khách hàng và biện pháp cấp nước dự phòng trường hợp xảy ra gián đoạn cấp nước trên 48 giờ; có cơ chế quản lý tài chính rõ ràng, doanh thu đủ bù đắp chi phí và có tích lũy phục vụ công tác duy tu, sửa chữa nhỏ và khắc phục sự cố.

Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh gồm 7 nội dung sau: 1- Sự cần thiết phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn; 2- Thực trạng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn cấp tỉnh; 3- Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; 4- Nội dung và giải pháp thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn; 5- Danh mục công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh theo mẫu; 6- Kinh phí thực hiện; 7- Trách nhiệm thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.

Xây dựng, phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnhThông tư nêu rõ, kỳ kế hoạch cấp nước an toàn cấp tỉnh là 5 năm.

Trước ngày 30/3 của năm trước kỳ kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; đơn vị cấp nước về việc đề xuất nội dung kế hoạch.

Trước ngày 30/4 của năm trước kỳ kế hoạch, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, đơn vị cấp nước đề xuất nội dung kế hoạch và danh mục công trình đáp ứng yêu cầu cơ bản của công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bảo đảm cấp nước an toàn, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trước ngày 30/5 của năm trước kỳ kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trước ngày 30/6 của năm trước kỳ kế hoạch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh.

Trữ nước an toàn hộ gia đình khu vực nông thônThông tư nêu rõ yêu cầu sử dụng nguồn nước an toàn như sau: Sử dụng nguồn nước an toàn đối với nước mặt, nước mưa và nước dưới đất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo số lượng, chất lượng nước (trong, không màu, không mùi, không vị); không bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và làng nghề.

Có nguồn nước dự phòng ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng.

Yêu cầu về công trình, thiết bị, dụng cụ thu, trữ và xử lý nước hộ gia đình bảo đảm an toàn như sau: 1- Công trình, thiết bị, dụng cụ thu, trữ và xử lý nước hộ gia đình được lắp đặt, vận hành, vệ sinh, thay thế định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan chuyên môn; 2- Áp dụng các biện pháp xử lý nước phù hợp với nguồn nước cấp để loại bỏ các tạp chất, chất có hại cho sức khỏe con người; 3- Không sử dụng các dụng cụ, thiết bị có chứa các chất độc hại làm dụng cụ thu, xử lý và trữ nước hộ gia đình; 4- Áp dụng biện pháp khử trùng thích hợp trước khi sử dụng nước cho mục đích ăn, uống.

Trách nhiệm của hộ gia đìnhHộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp thu, trữ và xử lý nước an toàn hộ gia đình theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương; thường xuyên theo dõi, kiểm tra và bảo vệ số lượng, chất lượng nước hộ gia đình, kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương khi phát hiện có hiện tượng bất thường về số lượng, chất lượng nước đang sử dụng.

Bên cạnh đó, lắp đặt thiết bị lọc và xử lý nước hộ gia đình đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về vật tư, thiết bị và chất lượng theo quy định khi có khuyến cáo của cơ quan chức năng về chất lượng nguồn nước cấp.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/2/2023.