Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để lao động hai nước phải đóng BHXH 2 lần

Thành Công
Thành Công

(Dân sinh) - Nhấn mạnh đến Hiệp định Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị hai bên cần thúc đẩy nhanh hơn, bởi lực lượng lao động Việt Nam và Nhật Bản rất đông, không nên để người lao động phải đóng BHXH 2 lần, gây khó khăn cho người lao động hai nước.

Ngày 9/4, tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp và chào tạm biệt ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản nhân dịp ông kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để lao động hai nước phải đóng BHXH 2 lần - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp và chào tạm biệt ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam (Ảnh: Tống Giáp)

 

Đánh giá cao tiềm năng của lao động Việt về công nghệ cao

Tiếp đón và chúc mừng Đại sứ có một nhiệm kỳ rất thành công trong bối cảnh mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản chưa bao giờ tốt đẹp như ngày nay, Bộ trưởng nhấn mạnh, “quan hệ đó bao phủ trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, trong đó có hợp tác về đào tạo và nhân lực”.

“Đặc biệt, sự kiện kỷ niệm 50 hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vừa qua, thể hiện chúng ta không chỉ là đối tác mà còn là những người bạn thân thiết tin cậy của nhau. Trong thành công đó, có đóng góp không nhỏ của ngài”, ông nói.

Chào chia tay, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio khẳng định, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển dựa trên nền tảng nguồn nhân lực. Ông đánh giá cao tay nghề của lao động Việt Nam, và nhìn nhận, họ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản.

“Mong rằng, sự hợp tác, giao lưu nguồn nhân lực giữa hai nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng sự phát triển mối quan hệ hợp tác của hai quốc gia”, Đại sứ nói và nêu thêm, Bộ LĐ-TB&XH có đề xuất Nhật bổ sung vào kế hoạch tổ chức kỳ thi đối với lao động kỹ năng đặc định tại Việt Nam trong một số ngành nghề như: phục vụ nhà hàng, sản xuất thực phẩm, đồ uống.

“Đây là những ngành nghề nhiều lao động Việt Nam mong muốn được làm tại Nhật Bản. Do đó, Bộ cung cấp thông tin đầy đủ, dự kiến số lượng người tham gia kỳ thi”, Đại sứ Yamada Takio chia sẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để lao động hai nước phải đóng BHXH 2 lần - 2
Toàn cảnh buổi tiếp (Ảnh: Tống Giáp)

 

Cũng theo Đại sứ, việc hợp tác lao động Việt - Nhật chủ yếu là thực tâp sinh và lao động kỹ năng đặc định. Thời gian tới, hai bên sẽ mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, công nghệ cao, quản trị kinh doanh…

Bởi lẽ, theo ông, Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng của lao động Việt Nam trong các lĩnh vực này.

Thúc đẩy việc ký kết Hiệp định về Bảo hiểm xã hội 

Điểm qua một số hợp tác nổi bật giữa hai bên về hợp tác lao động, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa trong đưa lao động Việt Nam đi làm tại Nhật, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản sửa đổi chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài.

“Bộ LĐ-TB&XH luôn sẵn sàng hợp tác với các đối tác, Bộ ngành Nhật Bản trong lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và đưa thanh niên, người lao động sang làm việc tại Nhật Bản, phối hợp đào tạo ứng viên hộ lý, điều dưỡng theo chương trình EPA”, ông Dung nói.

Cũng theo Lãnh đạo Bộ, mặc dù hiện nay bối cảnh đồng Yên giảm sút, nhưng người lao động vẫn lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến, cho thấy niềm tin của người lao động dành cho đất nước mặt trời mọc.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sự quan tâm của lãnh đạo hai quốc gia, nhất là Thủ tướng hai bên cùng sự phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH với Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp, và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Đại sứ, đã mang lại kết quả xứng đáng.

“Lần đầu tiên, hai bên tổ chức Diễn đàn quốc gia về lao động tại Nhật Bản và đi đến quyết định chọn ngày 16/12 hàng năm là ngày lao động Việt Nam tại Nhật”, Bộ trưởng nhắc lại.

Một trong những vấn đề hai nước đang quan tâm là Hiệp định Bảo hiểm xã hội đang xúc tiến và sẽ kết thúc việc đàm phán trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn và đề nghị hai bên thúc đẩy đi đến ký kết nhanh hơn. Bởi lực lượng lao động của Việt Nam và Nhật Bản rất đông, không nên để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần, gây khó khăn cho người lao động hai nước.

Liên quan đến vấn đề này, Đại sứ Yamada Takio trao đổi: “Phía Nhật Bản mong muốn hai bên thúc đẩy việc ký kết Hiệp định về BHXH mà Chính phủ hai nước đang thảo luận, để Hiệp định này sớm đi vào thực tiễn, giải quyết được vấn đề đóng BHXH song trùng của lao động hai nước”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để lao động hai nước phải đóng BHXH 2 lần - 3
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam (Ảnh: Tống Giáp)

 

Đề xuất Nhật hỗ trợ xây dựng 1-2 cơ sở nuôi dưỡng người già tầm quốc tế

Ông Yamada Takio đánh giá thêm, với chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc (chương trình EPA), các ứng viên người Việt rất xuất sắc, có khả năng ngoại ngữ tốt. Đặc biệt tỷ lệ ứng viên điều dưỡng, hộ lý thi đỗ chứng chỉ nghề quốc gia của Nhật khá cao.

Điều đó thể hiện, công tác đào tạo lao động ở Việt Nam trước khi sang Nhật rất tốt. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH cùng với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sớm bố trí một cơ sở đào tạo tiếng Nhật cho các ứng viên khóa này.

Đồng tình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, việc đào tạo các ứng viên điều dưỡng rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, vì thế bên cạnh các khóa đào tạo đang triển khai, phía Nhật có thể lựa chọn các trường Trung cấp, Cao đẳng y của Việt Nam để đặt hàng và hỗ trợ kinh phí đào tạo vào các trường này thay vì đào tạo trực tiếp như hiện nay.

“Tôi có đọc bài báo về cô điều dưỡng viên tại Nhật khi về nước, các cụ già Nhật Bản lưu luyến “bao giờ con trở lại”, rất cảm động, nên tôi tiếp tục quan tâm lĩnh vực này”, Bộ trưởng nói với nhiều tự hào về người lao động Việt luôn để lại những dấu ấn đặc biệt, thắm tình người.

Tuy nhiên, Bộ trưởng bày tỏ, thời gian qua, hợp tác giữa hai quốc gia về vấn đề xã hội chưa tương xứng với tiềm năng. Việt Nam đang đi theo mô hình cơ sở bảo trợ xã hội, Nhà nước bảo trợ, trợ giúp.

“Tôi nghĩ lâu dài Việt Nam cần có các cơ sở nuôi dưỡng người già lớn hơn, và đây vẫn là tiềm năng rất lớn cho sự hợp tác Việt - Nhật”, vì vậy, ông đề xuất Nhật Bản hỗ trợ xây dựng 1-2 cơ sở nuôi dưỡng người già mang tầm quốc tế ở hai miền Nam - Bắc.

Bộ trưởng gợi ý, trước mắt, có thể xây dựng một cơ sở nuôi dưỡng người già quốc tế ở Bình Dương.

Cuối buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết: Việt Nam sẽ tiếp tục dành ưu tiên đối với Nhật Bản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào việc phối hợp với các nghiệp đoàn của Nhật để đưa lao động sang làm việc với phương châm đào tạo, bồi dưỡng kỹ, trang bị kiến thức, ngoại ngữ, tác phong làm việc thật tốt trước khi sang Nhật.

Đáng chú ý, tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi ý, phối hợp với Nhật chọn một số ngành nghề, lĩnh vực chất lượng để bồi dưỡng, tuyển dụng những nhân sự tốt nhất trong nhóm những thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đưa sang Nhật làm việc.

 

"Nếu Nhật Bản mở rộng tiếp nhận trong những ngành nghề chất lượng, phù hợp và mang lại mức thu nhập hấp dẫn, mỗi năm Việt Nam sẽ đào tạo khoảng 50.000 lao động có năng lực chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhật Bản", Bộ trưởng tin tưởng.