Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bệnh bại liệt tái xuất ở nhiều nước, WHO nghiên cứu khả năng đột biến gen khiến bệnh đậu mùa khỉ lây lan

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/8 cho biết đang có các nghiên cứu đánh giá khả năng những biến đổi về gen trong virus gây bệnh đậu mùa khỉ là nguyên nhân khiến căn bệnh này đang lây lan mạnh. Trong khi đó, tổ chức Sáng kiến xóa bỏ bại liệt toàn cầu (GPEI) đang tìm hiểu mối liên hệ giữa sự tái xuất của bệnh bại liệt ở London - Anh và New York - Mỹ vừa qua với sự kiện trước đó ở Jerusalem - Israel tháng 3/2022.

Báo Người Lao Động đưa tin, kết quả sơ bộ cho thấy các virus này tương tự về mặt di truyền. Sự tái xuất của bệnh bại liệt ở New York và Jerusalem sau nhiều thập kỷ bị xóa sổ được đánh dấu bằng ca bệnh cụ thể, ở Anh chỉ mới có virus trong nước thải nhưng nhà chức trách khẳng định phải có ca bệnh.

Theo người đứng đầu về bệnh bại liệt toàn cầu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Derek Ehrhardt, các vụ bùng phát bất thường này có nguồn gốc từ vaccine sống giảm độc lực (OPV, dạng uống).

Trẻ em ở châu Phi uống vaccine sống giảm độc lực OPV ngừa bại liệt. Ảnh: WHO

Trẻ em ở châu Phi uống vaccine sống giảm độc lực OPV ngừa bại liệt. Ảnh: WHO

Chất thải của người vừa uống vaccine có virus yếu hơn virus bại liệt hoang dã nhưng vẫn đủ gây bệnh. Một số nước như Anh và Mỹ đã chuyển sang vaccine bất hoạt IPV (dạng tiêm, không phát tán virus có thể lây lan) nhưng vẫn cần một nỗ lực chuyển đổi toàn cầu.

Bệnh bại liệt do virus nguồn gốc vaccine hầu như chưa từng xảy ra ở 3 địa điểm trên trước đó nhưng vẫn là mối đe dọa ở nhiều quốc gia khác - nhất là vùng Đông Nam châu Phi và Trung Đông, gây ra các đợt bùng phát hằng năm, ví dụ 415 trường hợp ở Nigeria năm 2021.

Nguyên nhân thứ 2 là lỗ hổng tiêm chủng. Theo Liên hiệp quốc, sự do dự tiêm vaccine đã là một vấn đề ngày càng gia tăng trước đại dịch Covid-19, sau đó đại dịch tiếp tục gây ra sự gián đoạn tồi tệ nhất đối với việc tiêm chủng.

Nhà dịch tễ học David Heymann của Trường Vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London - Anh nhấn mạnh việc phát hiện virus là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ.

Từ khi được tuyên bố năm 2014, bệnh bại liệt hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) bên cạnh Covid-19 và đậu mùa khỉ. Hồi tháng 6, Ủy ban Khẩn cấp về bại liệt của Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo về tình hình phức tạp ở: Afghanistan, Congo, Israel, Malawi, Palestine, Pakistan, Eritrea, Yemen…

Theo báo Tin Tức đưa tin, WHO đã công bố tên gọi mới cho 2 biến thể của virus gây bệnh đậu mùa khỉ phổ biến nhất hiện nay nhằm tránh những hàm ý địa lý tiêu cực. Theo đó, Clade I là tên gọi mới dành cho biến thể có nguồn gốc từ Congo (Trung Phi) mà trước đây hay được gọi với tên không chính thức là “biến thể lưu vực (sông) Congo”, trong khi Clade II là tên mới chỉ biến thể có nguồn gốc từ Tây Phi. WHO cũng xác nhận biến thể Clade II có 2 biến thể phụ là Clade IIa và Clade IIb. Trong đó, Clade IIb được cho là đang gây ra làn sóng bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu.

Cũng trong ngày 17/8, WHO khẳng định 2 biến thể phụ Clade IIa và Clade IIb có quan hệ với nhau và có cùng một “tổ tiên”. Do đó, Clade IIb không phải là biến thể phụ của Clade IIa. Clade IIb bao gồm các virus được thu thập trong những năm 1970 và từ năm 2017 trở lại đây.

WHO giải thích: “Khi nghiên cứu bộ gen, thực sự có một số khác biệt di truyền giữa các virus của đợt bùng phát hiện nay và các virus thuộc biến thể Clade IIb trước kia. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết gì về ý nghĩa của những đột biến di truyền này và công tác nghiên cứu đang được tiến hành để xác định tác động (nếu có) của các đột biến đối với sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh”.

Theo WHO, hiện chưa có thông tin gì về vai trò của những đột biến này đối với cách thức tương tác của virus đậu mùa khỉ đối với phản ứng miễn dịch của con người.

Cũng theo WHO, quá trình đặt lại tên cho căn bệnh đậu mùa khỉ có thể  “phải mất vài tháng”. Thời gian gần đây, WHO đã bày tỏ quan ngại về tên gọi hiện nay của căn bệnh, trong đó các chuyên gia cho rằng cách gọi “đậu mùa khỉ” vừa không chính xác vừa dễ gây hiểu nhầm.

Tên gọi hiện nay xuất phát từ việc virus gây bệnh được phát hiện ở những con khỉ thí nghiệm tại Đan Mạch hồi năm 1958. Tuy nhiên, căn bệnh xuất hiện phổ biến nhất ở các loài gặm nhấm và đợt dịch hiện nay bùng phát qua tiếp xúc gần giữa người với người.