Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ trên giường

Người đàn ông 37 tuổi ở Lạng Sơn đang ngủ trên giường, trở mình thì đè lên con rắn và bị cắn vào mạn sườn trái.

Theo Zing, ngày 25/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết vừa cấp cứu một bệnh nhân bị rắn độc cắn.

Nam bệnh nhân 37 tuổi, trú tại phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, bị một con rắn dài bò lên giường, cắn vào sườn trái. Qua kiểm tra, nhân viên y tế xác định đây là rắn cạp nia với đặc điểm phần thân khúc trắng, khúc đen.

Người đàn ông bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ trên giường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Vnexpress cũng đưa tin, nạn nhân cho biết không rõ rắn đã bò lên giường từ lúc nào. Con rắn khoang trắng khoang đen, dài khoảng 20 cm, các bác sĩ xác định là rắn cạp nia.

Nhà bệnh nhân ở gần bệnh viện, nên vào giờ đầu tiên sau khi bị rắn cắn đã kịp thời được cấp cứu, dùng huyết thanh ngay. Các bác sĩ xác định vết rắn cắn không rõ, chỉ bị sưng, các chức năng cơ thể của bệnh nhân vẫn bình thường, chưa ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy vậy, chiều 24/8, gia đình xin chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.

Theo các bác sĩ, hàng năm, cứ vào mùa mưa, số bệnh nhân nhập viện do bị rắn độc cắn gia tăng. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay đã điều trị 20 bệnh nhân bị rắn độc cắn. Cao điểm là hai tháng qua, tiếp nhận 16 trường hợp.

Hầu hết bệnh nhân bị rắn độc cắn xuất hiện tình trạng suy hô hấp do liệt cơ, xuất huyết do rối loạn đông máu, hoại tử... Việc xác định vết rắn cắn rất khó khăn, bởi thường không có dấu vết rõ ràng, đôi khi chỉ có hai vết móc nhỏ như đầu kim, đặc biệt rắn cạp nia cắn thì vết móc này rất nhỏ.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên biết nhận dạng các loài rắn độc, biết được môi trường sống, thức ăn, đặc tính hoạt động của một số loài rắn. Khi gặp rắn nên chủ động tránh, nếu không tránh được thì không nên có những hành động đe dọa hoặc bắt rắn. Rắn sẽ tấn công người khi bị chọc phá hay bị đe dọa.