Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Dương 100% “Xã, phường làm tốt công tác Thương binh Liệt sĩ và Người có công”

Những năm qua, công tác tuyên truyền về sự ra đời, ý nghĩa Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn” được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện thông qua nhiều hình thức. Qua đó, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần, động viên kịp thời các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công (NCC) với cách mạng. Song song với thực hiện các chế độ ưu đãi đối với gia đình chính sách, phong trào vận động thu, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa ngày càng mở rộng và phát triển.

Người người nhà nhà làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, biết bao người con của quê hương Bình Dương đã không tiếc máu xương, hy sinh thân mình vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã anh dũng hy sinh và cũng không ít người phải bỏ lại một phần máu xương nơi chiến trường. Vì thế, khi hòa bình lập lại, công tác đền ơn, đáp nghĩa luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thăm, tặng quà cho gia đình người có công.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thăm, tặng quà cho gia đình người có công.

Những ngày tháng 7, dọc theo các tuyến đường trên khắp địa bàn tỉnh Bình Dương đã được treo nhiều băng rôn tuyên truyền, thể hiện sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đối với thương binh và những gia đình chính sách, người có công trên địa bàn. Thông qua hoạt động tuyên truyền này, mỗi cán bộ, người dân trên địa bàn càng nhận thức sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa của công tác đền ơn đáp nghĩa. Từ đó, mỗi người đều thấy mình phải có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo cho các đối tượng chính sách thông qua những phần việc, hoạt động mà địa phương phát động.

Đặc biệt là thế hệ trẻ, nòng cốt là các Đoàn viên thanh niên họ đã tích cực tham gia những phần việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử, tặng quà gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng và thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ. Mặt khác, Đoàn các cấp tổ chức “Hành trình theo bước chân những người anh hùng”, vận động tu sửa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà nhân ái cho các gia đình chính sách, chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc tại nhà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Các hoạt động ý nghĩa này đã góp phần giáo dục cho đoàn viên thanh niên biết trân trọng truyền thống anh hùng bất khuất và tri ân đối với thế hệ đi trước.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi (giữa) ân cần thăm hỏi ông Trần Xuân Minh, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi (giữa) ân cần thăm hỏi ông Trần Xuân Minh, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Bình Dương xác định công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta mà qua thông qua các hoạt động còn góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, vun bồi, phát huy truyền thống yêu nước, hướng về cội nguồn cho các thế hệ. Từ những số liệu cụ thể cho thấy, tỉnh Bình Dương đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác đền ơn đáp nghĩa trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên. Từ đó đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách ngày càng được nâng cao.

Theo Sở LĐ-TB&XH Tỉnh Bình Dương, hiện Bình Dương có trên 64 ngàn người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, chi trả trợ cấp hàng tháng gần 7.500 đối tượng, với số tiền trên 13,3 tỷ đồng/tháng từ ngân sách Trung ương. Hiện có 30 mẹ Việt Nam Anh hùng hiện còn sống,  có trên 3.000 thương binh, bệnh binh các hạng và trên 16.800 hồ sơ liệt sĩ.

Tặng quà cho người có công đang điều trị ở bệnh viện.

Tặng quà cho người có công đang điều trị ở bệnh viện.

Đến nay, 99,97% người có công trong tỉnh đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của vùng dân cư nơi cư trú (trong đó: có 1.063 hộ giàu, 2.412 hộ khá, 2.638 hộ có mức sống trung bình và 2 hộ có đời sống còn gặp khó khăn). 100% xã, phường, thị trấn giữ vững danh hiệu xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công.

Thời gian qua, ngoài các chế độ, chính sách của Trung ương, tỉnh còn vận động thêm các nguồn lực xã hội chăm lo cho người có công với cách mạng bằng nhiều hình thức, đảm bảo cho người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn người dân cùng nơi cư trú, góp phần đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội.

Ông Nguyễn Hoàng Thao (bìa phải), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm hỏi và tặng quà cho ông Nguyễn Văn Hùng, thương binh tại phường Hưng Định, TP.Thuận An.

Ông Nguyễn Hoàng Thao (bìa phải), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm hỏi và tặng quà cho ông Nguyễn Văn Hùng, thương binh tại phường Hưng Định, TP.Thuận An.

 Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), công tác tổ chức thăm hỏi, tri ân gia đình NCC trên địa bàn tỉnh càng được các cấp, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, đơn vị quan tâm chu đáo hơn. Từ thôn quê đến thành thị, những gia đình NCC ấm lòng khi được đoàn lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương ân cần hỏi thăm.

Quan tâm chăm sóc

Xác định công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các đối tượng người có công. Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, hàng năm, các ban ngành, đoàn thể cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo cho các đối tượng. Đặc biệt là vào các dịp lễ, tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ phường thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Nhờ đó, đã kịp thời động viên tinh thần các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương viếng nghĩa trang liệt sĩ.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương viếng nghĩa trang liệt sĩ.

Ông Nguyễn Ngọc Dưỡng, thương binh bậc 4/4, ngụ tại phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ: “Còn gì vui hơn khi được đón tiếp các đoàn lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương ghé thăm để cùng nhau uống chén trà, ôn lại kỷ niệm một thời anh dũng, sự phát triển của tỉnh nhà qua từng năm. Chúng tôi không hối tiếc tuổi thanh xuân cũng như sức khỏe vì giờ đây, những vùng đất chiến trường xưa đã trở thành phố thị sầm uất, khu công nghiệp nối dài và đang trên đà phát triển vượt bậc”.

 "Lương và phụ cấp cho thương binh từ 8 - 10 triệu đồng là không nhỏ, đó là chưa nói đến quà cáp từ các cấp chính quyền địa phương các dịp lễ, tết cùng sự chung tay đóng góp từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Gia đình nào cần vốn làm ăn sẽ được hỗ trợ, con cái cần cái nghề, việc làm sẽ được giải quyết. Ai không có điều kiện xây nhà được xây tặng, sửa chữa khang trang", ông Dưỡng chia sẻ.

Ông Võ Văn Minh thắp hương tại các phần mộ Liệt sĩ.

Ông Võ Văn Minh thắp hương tại các phần mộ Liệt sĩ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Thái Thị Thiệp (ngụ phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một) năm nay dù đã 94 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Mẹ Thiệp có chồng và người con trai cả hy sinh trong chiến tranh. Mẹ nói, nhờ sự quan tâm chăm lo từ vật chất đến chữa trị khi ốm đau của chính quyền các cấp mà hôm nay sức khỏe của mẹ mới tốt như vậy. “Cứ tới lễ, tết là nhà của mẹ có đông người đến thăm hỏi và tặng nhiều quà lắm, mẹ không nhớ hết đâu. Có hôm nhiều quà quá, mẹ bảo con cháu trong nhà chia bớt cho hàng xóm, chứ mình đâu dùng hết. Nhìn con cháu trong gia đình đứa nào cũng được địa phương quan tâm, tạo việc làm ổn định, có cuộc sống ấm no như thế là vui lắm rồi, không còn gì phải suy nghĩ”, mẹ nói.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, tỉnh đã phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho NCC được chăm sóc sức khỏe tại gia đình và đưa đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng NCC tại Khánh Hòa, ĐàLạt, Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc... và bảo đảm cho NCC, thân nhân NCC, quân nhân, cựu chiến binh, thanh niên xung phong khi ốm đau được khám, chữa bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng không ngừng vận động, chăm lo, giúp đỡ kịp thời cho những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ như xây dựng, sửa chữa nhà, tặng thẻ bảo hiểm y tế, lập hồ sơ đào tạo nghề, giải quyết việc làm...