Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Dương hỗ trợ toàn bộ công nhân bị ngưng việc, giảm giờ làm

Những ngày gần đây, hàng trăm doanh nghiệp gặp khó khăn đã phải cắt giảm lao động, tạm dừng sản xuất, chủ yếu tập trung tại một số ngành như: dệt may, da giày, gỗ… Hàng trăm nghìn lao động đã rơi vào tình trạng bị giảm giờ làm, thậm chí mất việc. Họ đang phải chật vật lo cho cuộc sống, tìm việc làm mới và cần được hỗ trợ kịp thời trước Tết Nguyên đán sắp tới. Sở LĐ-TB&XH đang chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tiếp nhận và giải quyết hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động.

Theo ghi nhận của phóng viên, như mọi năm, thời gian này đang là những tháng cao điểm của nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên, trái ngược với điều đó, tình hình ở khu công nghiệp Bình Dương - nơi được mệnh danh là "thủ phủ" công nghiệp lại bị khan hiếm đơn hàng, phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ để duy trì sản xuất.

Dọc theo các tuyến đường ở Bình Dương, nhiều công nhân khăn gói đợi xe để về quê sớm do công ty hết đơn hàng công nhân bị tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương.

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Trung  (SN 1990, quê Lâm Đồng) cho hay, anh làm công nhân cho một công ty gỗ ở TP Thuận An được 6 năm. Trừ khi dịch Covid-19, công việc khá ổn định với mức thu nhập khoảng từ 10-12 triệu/tháng. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, công ty hoạt động trở lại, công nhân quay lại làm việc nhưng đơn hàng ít, công ty cắt giảm giờ làm đối với công nhân.

Dọc theo các tuyến đường ở Bình Dương là hình ảnh nhiều công nhân khăn gói đợi xe để về quê sớm do công ty hết đơn hàng công nhân bị tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. (ảnh: internet)

Dọc theo các tuyến đường ở Bình Dương là hình ảnh nhiều công nhân khăn gói đợi xe để về quê sớm do công ty hết đơn hàng công nhân bị tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. (ảnh: internet)

“Đầu tháng, công ty vừa thông báo không có đơn hàng sản xuất. Nhiều công nhân bị tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. Không tìm được việc gì làm nên tôi đành về quê nghỉ Tết sớm, chứ ở lại chi phí tiền nhà trọ, tiền ăn thì đến Tết hết tiền về quê”, anh Trung nói.

Không chỉ anh Trung, nhiều người khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo ghi nhận của phóng viên, dọc nhiều tuyến đường, dòng người đứng chờ đón xe về quê khiến nhiều người bất ngờ bởi lẽ trước đây cảnh này chỉ xuất hiện vào dịp cận Tết.

Một người dân có nhà trên quốc lộ 13, đoạn qua Ngã tư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP Thuận An) cho biết, trước đây, bà chỉ thấy dòng người đứng chờ xe khách vào những ngày cận Tết với không khí nhộn nhịp, vui vẻ. Nhưng năm nay, hình ảnh này xuất hiện sớm hơn. Trong dòng người đứng chờ xe, ai cũng mang nét mặt trầm tư.

Chị Trần Thị Mai (42 tuổi, quê An Giang), công nhân công ty may ở Khu công nghiệp Mỹ Phước II cho biết: “Đầu năm nay, việc làm ổn định, mỗi tuần có tăng ca đều. Nhưng từ tháng 6 trở lại đây, công việc giảm dần vì không có đơn hàng mới. Doanh nghiệp cho chúng tôi nghỉ việc không lương từ đầu tháng 10”.

Công nhân chật vật đi tìm việc làm mới.

Công nhân chật vật đi tìm việc làm mới.

Đã hơn 1 tháng nay, chị Mai và một số công nhân cùng dãy trọ thất nghiệp, ráng ở lại đi tìm việc làm tạm, chờ gần Tết về quê có tiền mua sắm nhưng không tìm được việc để làm.

“Không có việc, lại phải chi phí nhiều, tôi quyết định về quê trước, còn chồng ở lại làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi hai con đang gửi ông bà ở quê. Ra năm, nếu công ty gọi lên đi làm thì tôi lên, còn không gọi chắc ở lại quê tìm việc gì đó làm để nuôi con”, chị Mai trầm tư nói.

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, khoảng 28.000 lao động phải tạm ngưng hợp đồng lao động, khoảng 240.000 người bị giảm giờ làm.

“Các công ty, doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự bởi tác động xấu của tình hình kinh tế thế giới, không có đơn hàng. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu ở khối dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Hiện nay, phía Sở đang chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tiếp nhận và giải quyết hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động”, ông Tuyên chia sẻ.

Để giải quyết việc làm và hỗ trợ cho người lao động đang gặp khó khăn, ông Phạm Văn Tuyên cho biết: “Đầu tiên là thông qua các hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm. Khi người hưởng bảo hiểm thất nghiệp đến, trung tâm sẽ giới thiệu, tư vấn việc làm và giải quyết chính sách về hỗ trợ tiền bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Kế đến, trung tâm tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho NLĐ. Kinh phí dạy nghề này nằm ở nguồn của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong những ngày tới, Sở sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu lao động, qua đó mời đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng như các sở, ngành có liên quan; bên cạnh đó, mời thêm một số trung tâm giới thiệu việc làm ngoài tỉnh tham dự. Mục đích là tạo điều kiện kết nối cung cầu lao động tốt hơn”.

Bình Dương tổ chức kết nối cung - cầu lao động, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Bình Dương tổ chức kết nối cung - cầu lao động, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Trước thực trạng trên, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết mới gửi danh sách gần 30 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để công nhân có nhu cầu xem xét, ứng tuyển vào đơn vị phù hợp. Bên cạnh đó, phía công đoàn cũng cố gắng chăm lo, hỗ trợ cho công nhân trong dịp Tết Nguyên đán này.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao đồng tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đang vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho công nhân bị ngưng việc để duy trì cuộc sống.

Bên cạnh đó, phía công đoàn cũng cố gắng vận động các nguồn cùng với kinh phí của công đoàn để hỗ trợ giúp công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn đến khi đi làm lại.

Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, ngoài việc hỗ trợ cho các công nhân gặp khó khăn, công nhân ở lại Bình Dương ăn Tết thì cũng hỗ trợ các công nhân bị ngưng việc, giảm giờ làm.

“Hiện tại, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã hỗ trợ khoản kinh phí lớn cùng với quỹ của công đoàn để chăm lo tốt nhất cho những công nhân bị ảnh hưởng trong năm nay. Cố gắng làm sao cho mọi công nhân có một cái tết thật đầy đủ”- bà Loan cho biết.

Trước thực trạng hàng vạn lao động đang bị mất việc làm ngay trước Tết, các chuyên gia cho rằng cần phải nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động bởi thời điểm cuối năm thị trường sôi động cũng là cơ hội để tìm việc làm mới.