Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Phước cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(Dân sinh) - Tham gia cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước chiều 20/3, tại buổi làm việc Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị Bình Phước cần chú trọng công tác giảm nghèo, đào tạo nghề cho người dân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chiều ngày 20/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và quý I/2022; nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022. 

Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản; Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường,… 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với  Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. (Ảnh: TTXVN).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. (Ảnh: TTXVN).

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Bình Phước có truyền thống đoàn kết, chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt trong công tác bình đẳng giới thực hiện rất tốt về chính sách cán bộ nữ; các chính sách xã hội cũng được quan tâm đầy đủ, kịp thời. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng gợi ý, tỉnh Bình Phước cần quan tâm công tác quy hoạch một cách căn cơ, bài bản nếu không sẽ bị phá vỡ quy hoạch, khi quy hoạch phải thiết kế, tính toán kỹ lưỡng, chi tiết ngay từ đầu đối với các khu công nghiệp, từ nhà ở cho công nhân, chỗ vui chơi, nơi học hành của con em công nhân, người lao động.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. (Ảnh: VGP).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. (Ảnh: VGP).

“Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Bình Phước còn rất cao, có thể nói cao nhất khu vực Đông Nam Bộ. Đáng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 58%, đây là vấn đề Bình Phước cần chú ý và tỉnh còn trên 1.300 hộ không có khả năng lao động, thuộc diện không thể thoát nghèo. Do vậy, tôi đề nghị tỉnh tách hoàn toàn số hộ này ra, cho hưởng chính sách bảo trợ xã hội, để giảm bớt gánh nặng giảm nghèo cho Bình Phước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước cần quy hoạch lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chú trọng hơn công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Bình Phước đã chuẩn bị kỹ nội dung báo cáo và các bộ, ngành đã có nhiều ý kiến cụ thể, trách nhiệm, thiết thực, sát thực tế, có đầu ra cho những vấn đề đặt ra, nhất là về những đề xuất, kiến nghị của Bình Phước. Bình Phước là tỉnh có đủ điều kiện để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, Thủ tướng yêu cầu xác định quan điểm này trong nhận thức và hành động. Tỉnh rất thuận lợi để phát triển cả công nghiệp và nông nghiệp, các dịch vụ đi theo, năng lượng sạch, nhưng vấn đề đặt ra là xác định lĩnh vực nào để phát triển có hiệu quả nhất. 

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Phước phải làm công tác quy hoạch tốt, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của năm 2022. (Ảnh: VGP).

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Phước phải làm công tác quy hoạch tốt, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của năm 2022. (Ảnh: VGP).

Thủ tướng cũng chỉ rõ, điểm nghẽn lớn nhất của Bình Phước là kết nối giao thông. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Phát triển chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, chưa dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục còn hạn chế. 

Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải làm công tác quy hoạch tốt, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của năm 2022. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, tìm ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời hóa giải các khó khăn, thách thức của địa phương. 

“Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt thì mới có sản phẩm tốt. Những khu vực lợi thế, tiềm năng nhất phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh; đồng thời bảo vệ được môi trường sống, tiết kiệm tài nguyên, khai thác, sử dụng tối đa hiệu quả trên đất”, Thủ tướng nhấn mạnh.