Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Thuận chi gần 38.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở

Đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu diện tích nhà ở tối thiểu lên 10 m2 sàn/người; diện tích nhà ở bình quân đạt 27 m2 sàn/người; tổng diện tích sàn nhà ở là khoảng 34.566.560 m2. Như vậy, Bình Thuận cần xây dựng thêm hơn 6,6 triệu m2 sàn từ đây cho đến 2025.

Phối cảnh chung sông Cà Ty thuộc phường Phú Trinh, TP Phan Thiết.

Phối cảnh chung sông Cà Ty thuộc phường Phú Trinh, TP Phan Thiết.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong vừa ký ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh này dự kiến dùng 37.468 tỷ đồng để phát triển nhà ở trong 5 năm. Cơ cấu vốn nhà ở thương mại khoảng 9.200 tỷ đồng, nhà ở xã hội khoảng 4.493 tỷ đồng, nhà ở tái định cư khoảng 2.327 tỷ đồng…

Trong năm 2022, tỉnh Bình Thuận sẽ dùng 7.417 tỷ đồng để xây dựng 11.810 căn nhà, gồm 1.626 tỷ đồng xây 1.414 căn nhà ở thương mại, còn nhà ở xã hội sẽ được bố trí hơn 992 tỷ đồng vốn xây 2.075 căn, xây 376 căn nhà ở tái định cư với 316 tỷ đồng.

Theo đó, Bình Thuận cần xây hơn 1,2 triệu m2 sàn để đáp ứng chỉ tiêu có hơn 30,1 triệu m2 sàn nhà ở, diện tích bình quân 24m2 sàn/người trong năm nay, diện tích tối thiểu là 8,8 m2 sàn/người.

Bình Thuận dự kiến bố trí 208 ha đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đất ở phát triển nhà ở dân tự xây dựng là 158,93 ha; đất ở phát triển nhà ở tái định cư là 11,23 ha; đất ở phát triển nhà ở xã hội 18,25 ha; còn 20,09 ha là đất ở phát triển nhà ở thương mại.

Đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu diện tích nhà ở tối thiểu lên 10 m2 sàn/người; diện tích nhà ở bình quân đạt 27 m2 sàn/người; tổng diện tích sàn nhà ở là khoảng 34.566.560 m2. Như vậy, Bình Thuận cần xây dựng thêm hơn 6,6 triệu m2 sàn từ đây cho đến 2025.

Chính quyền địa phương cũng tính toán, ngân sách nhà nước dành cho kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm sẽ khoảng 1.370 tỷ đồng. Số tiền còn lại, tỉnh sẽ huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng…; nhà ở riêng lẻ tự xây của các hộ gia đình bằng nguồn vốn của các hộ gia đình; vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng chính sách xã hội…