Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Sự sẻ chia, tương thân tương ái trong bão lũ không phải quốc gia nào cũng có được

(Dân sinh) - Nhấn mạnh những khó khăn, thách thức phải đối diện thời gian qua, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, với sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, có hiệu quả của Đảng, Nhà nước và các cấp uỷ, chính quyền, đất nước ta vẫn đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong năm 2020 cũng như chặng đường 5 năm qua.

Nhiều thành tựu đáng khích lệ chặng đường 5 năm qua

Sáng nay 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Lao động – TB&XH Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh, trong bối cảnh cả thế giới điêu đứng vì đại dịch, các nền kinh tế đều gặp nhiều khó khăn, phải khẳng định với sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và có hiệu quả của Đảng, Nhà nước rồi các cấp ủy, chúng ta đạt được những thành tựu đáng khích lệ của năm 2020, cũng như cả chặng đường 5 năm qua.

Đặc biệt, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương. "Nếu nhìn lại cả 5 năm, thì 4 năm chúng ta tăng trưởng tốt, còn năm cuối do tác động Covid mà được thế này, tôi cho là rất mừng", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Sự sẻ chia, tương thân tương ái trong bão lũ không phải quốc gia nào cũng có được - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, với sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, có hiệu quả của Đảng, Nhà nước và các cấp uỷ, chính quyền, đất nước ta đạt được những thành tựu đáng khích lệ

"Chính trị xã hội tiếp tục giữ được ổn định. Kể cả trong đại dịch, bão lũ càng thấy niềm tin, tương thân tương ái", Bộ trưởng nhấn mạnh và viện dẫn, trong những chuyến tháp tùng Thủ tướng đi các tỉnh miền trung lũ lụt vừa qua, trên đường đi, cứ 2, 3 chuyến ô tô là có một xe chạy qua căng biển "hướng về miền trung", "hỗ trợ miền trung". Những tỉnh bên cạnh cũng khó khăn nhưng cũng chung tay chia sẻ…

"Sự sẻ chia, tương thân tương ái đó không phải đất nước nào cũng có được", thêm một lần nữa, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH khẳng định.

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền thực chất

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý thời gian tới, chúng ta sẽ phải đối diện những thách thức mới, trong đó trào lưu cạnh tranh của các nước lớn ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện đến Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn rất phức tạp trong khi "độ mở" của nền kinh tế Việt Nam rất lớn nên sẽ còn ảnh hưởng lâu dài.

Ông cũng bày tỏ lo lắng về nợ công và bội chi ngân sách. Nếu tính tăng trưởng trên 4%, bội chi trên 6% thì nợ công sẽ rất cao và chắc chắn không an toàn. "Đây là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu thời gian tới", Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Sự sẻ chia, tương thân tương ái trong bão lũ không phải quốc gia nào cũng có được - Ảnh 2.

Toàn cảnh thảo luận tại tổ

Một vấn đề nữa Bộ trưởng lưu ý, phải đẩy mạnh phân cấp phân quyền thực chất thì mới phát triển được. "Chúng ta vừa qua có phân cấp, phân quyền không?", ông nêu và khẳng định là có, tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận là ở một số lĩnh vực, một số ngành vẫn còn theo kiểu… lơ mơ, phân cấp không ra phân cấp, phân quyền chưa thật sự là phân quyền.

Viện dẫn, theo Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ví dụ, như chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia, giai đoạn đầu từ 3 tỷ trở lên phải đưa ra Bộ trưởng Bộ Lao động-TB&XH, sau đó lại thống nhất với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT mới được ký quyết định.

Ông cho biết, nhưng sau khi đưa ra Chính phủ, giao toàn quyền 3 tỷ cho xã, 15 tỷ cho huyện và tỉnh, thì rõ ràng triển khai rất nhanh, và gắn với trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm của cấp ủy, "tôi thấy an toàn hơn".

"Vì vậy, đề nghị cần phải có chủ trương, nhưng phải thực thi một cách rất cụ thể, đầy đủ phân cấp phân quyền mạnh hơn, thực chất hơn", Bộ trưởng Dung nêu quan điểm.  

Nhiều mục tiêu thiên niên kỷ hoàn thành trước thời hạn

Cũng tại thảo luận tổ về kinh tế xã hội, đánh giá về an sinh xã hội, cho rằng, chúng ta có một hệ thống chính sách về an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 tương đối cơ bản, đồng bộ, toàn diện, người đứng đầu ngành Lao động- TB&XH nhấn mạnh, cơ bản đảm bảo được quyền con người.

"Theo điều 34 Hiến pháp, căn cứ lại, tôi thấy cơ bản, và chỉ số HDI- chỉ số phát triển con người được cải thiện tương đối đáng kể", Bộ trưởng nói.  

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Sự sẻ chia, tương thân tương ái trong bão lũ không phải quốc gia nào cũng có được - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu Quốc hội

Cho biết, Việt Nam có nhiều mục tiêu thiên niên kỷ hoàn thành trước thời hạn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ví dụ, trong 26 chỉ tiêu về an sinh xã hội, theo tinh thần Nghị quyết 15, chúng ta hoàn thành và vượt mức 24 chỉ tiêu, chỉ còn có 2 chỉ tiêu không đạt (là trẻ em dưới 5 tuổi, thể trạng còi, chết, tỷ lệ người nông thôn sử dụng nước sạch chưa đạt yêu cầu).

Đáng chú ý, về giảm nghèo, giai đoạn 2016- 2020, lần đầu tiên áp dụng tiêu chí giảm nghèo đa chiều, đến nay sau 5 năm, bước đi của chúng ta đạt được kết quả đáng kể.

Thống kê, nếu đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%, thì tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm.

Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%, tỷ lệ hộ cận nghèo cả nước còn khoảng 4%.

Rồi tỷ lệ hộ các huyện nghèo của chúng ta giảm, còn có 27,85%, trong khi đó, đầu nhiệm kỳ là 58%. Đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 12,5% và 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Như thế cho thấy rằng, chúng ta cơ bản đáp ứng được những mục tiêu đặt ra, và đến giờ khả năng hoàn toàn đạt được. Thế giới đánh giá cao "kỳ tích" giảm nghèo của Việt Nam.

Niềm tin người dân tăng lên: Phần thưởng vô giá

Theo đó, Bộ trưởng khẳng định, trong bối cảnh đất nước khó khăn, vẫn luôn chú trọng, quan tâm đến an sinh xã hội. Bằng chứng là chúng ta chi cho an sinh xã hội bình quân khoảng 21%, cao nhất khu vực ASEAN.

Và đánh giá khảo sát mới nhất của Ban Tuyên giáo Trung ương vào tháng 9/2020 cho thấy, niềm tin của nhân dân về các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam tăng từ 58% lên 68 %, và đứng thứ 4 trong 32 chỉ tiêu mà khảo sát đánh giá.

Song song đó, nhấn mạnh sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân vừa qua dù trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn và không phải gói 62.000 tỷ "hoàn toàn là tiền tươi thóc thật mà còn qua các chính sách khác", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, điều này có ý nghĩa rất lớn khi thể hiện được sự quan tâm đầu tư cho xã hội và niềm tin người dân tăng lên, "thì đây là phần thưởng vô giá đối với chúng ta", tư lệnh ngành nói.

Thời gian tới, trong Báo cáo Kinh tế Xã hội, theo Bộ trưởng, cần phải nhấn mạnh hơn yếu tố đảm bảo phát triển toàn diện và hài hòa giữa kinh tế và xã hội. "Trong chừng mực nào đó, trong quan tâm đến vấn đề xã hội, an sinh còn chưa tương xứng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.

5 năm tới: Chú trọng nâng tầm kỹ năng người lao động

Đáng chú ý, nêu quan điểm phải chú trọng phát triển bao trùm bền vững là mục tiêu nhất quán, tập trung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, định hướng 5 năm tới, phải tập trung vào 3 vấn đề cơ bản – đây cũng là 3 vấn đề mà thế giới đang chú trọng.

Đó là, thứ nhất phải nâng cao, nâng tầm kỹ năng người lao động, để thu hút mạnh hơn đầu tư FDI. Vì sự dồi dào về nhân lực là thế mạnh của Việt Nam bên cạnh ổn định chính trị và hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ.

"Phải thấy lợi thế này của chúng ta, phải tập trung nâng cao, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam lên", ông nói.

Vấn đề thứ hai trong phát triển bền vững, bao trùm là quan tâm thỏa đáng việc làm cho người lao động.

Và thứ 3, là an sinh xã hội bền vững mà trọng tâm là 2 trụ cột: Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm Y tế.

Điều cuối cùng Bộ trưởng lưu ý, là cần có chính sách, giải pháp để đồng bằng sông Cửu Long giữ được nguồn lương thực, đảm bảo ổn định cuộc sống dân cư, "nhất là trong tình hình hiện nay, xâm nhập mặt, tác động biến đổi khí hậu khốc liệt", Bộ trưởng nhấn mạnh.