Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới

(Dân sinh) - Tại TP Buôn Ma Thuột, sáng 17/2, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo lễ hội cà phê lần thứ 8 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”.

Thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk lắk có vị trí quan trọng về chính trị và kinh tế, là trung tâm của vùng Tây Nguyên, nơi hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật … Đặc biệt, cà phê Robusta Buôn Ma Thuột từ lâu đã nổi tiếng vì các lợi thế về điều kiện sinh thái và nông học đã ban cho sản phẩm cà phê trong vùng có chất lượng tự nhiên hơn hẳn nhiều nước sản xuất cà phê Robusta khác.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức ông Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại buổi họp báo

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức ông Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại buổi họp báo

Bên cạnh đó Buôn Ma Thuột còn được biết đến với những lễ hội đặc trưng được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ kết nghĩa anh em…Đặc biệt, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia được tổ chức 2 năm 1 lần. Với hương vị cà phê thơm ngon được cộng đồng đam mê cà phê toàn cầu ưa chuộng, hội tụ cùng các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đặc sắc, thành phố Buôn Ma Thuột hoàn toàn có đủ các lợi thế để trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.

UBND thành phố Buôn Ma Thuột đặt quyết tâm xây dựng thành công Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia, một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ giao thực hiện tại Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là công việc mới – khó – chưa có tiền lệ ở địa phương nào và là nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói chung và của thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng.

Toàn cảnh buổi họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo

Tỉnh Đắk Lắk cũng đã giao UBND thành phố Buôn Ma Thuột lấy ý kiến các đơn vị liên quan để ban hành Đề án “Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành thành phố Cà phê của thế giới; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia” nhằm đưa thành phố Buôn Ma Thuột phát triển có định hướng cụ thể. Có thể thấy, tỉnh Đắk Lắk được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện; do đó, Lễ hội cà phê lần thứ 8 năm 2023 như một sự khởi đầu thuận lợi cho quá trình xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới.

Lễ hội năm nay sẽ có quy mô lớn hơn so với những lần trước. Trong đó, các hoạt động, hình thức quảng bá được thể hiện theo xu hướng hội nhập quốc tế với phong cách hiện đại làm nổi bật chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”, một số hoạt động mới như: Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma thuột với chủ đề “Chuyện kể về cà phê Buôn Ma Thuột”; biểu diễn ca kịch “Khát vọng Đăm Săn”; Lễ hội Ánh sáng; triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Văn hóa cà phê Việt Nam - hành trình kiến tạo văn hóa thế giới” và “Lịch sử cà phê thế giới”; hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê…, công tác truyền thông năm nay cũng được đặc biệt quan tâm, trong đó, mỗi người dân địa phương cùng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là một đại sứ truyền thông và là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi thông qua các hoạt động quảng bá, truyền thông lễ hội.

Empty
Empty
Quày trưng bày của những thương hiệu cà phê

Quày trưng bày của những thương hiệu cà phê

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 diễn ra từ ngày 10/3 đến ngày 14/3. Qua 7 lần tổ chức, lễ hội đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, để lại ấn tượng tốt đẹp với người dân, du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội cà phê lần này sẽ có 18 hoạt động chính cùng các hoạt động hưởng ứng lễ hội của các địa phương.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức ông Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 được tổ chức nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa TP Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Điều này cũng góp phần quan trọng nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê, cũng là dịp để tỉnh Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh du lịch đang ngày càng phát triển của tỉnh, xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh.

Hoa hậu H’Hen Niê làm đại sứ truyền thông cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, phát biểu tại buổi lễ

Hoa hậu H’Hen Niê làm đại sứ truyền thông cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, phát biểu tại buổi lễ

Tiếp đó sáng 17/2, ban tổ chức đã trao giải Cuộc thi video clip giới thiệu về Cà phê Buôn Ma Thuột. Theo đó, 7 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả đã đoạt giải với 1 giải nhất trị giá 300 triệu đồng (tác phẩm “Quê nhà - Hometown” của tác giả Trần Anh Đạt trú tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk); 1 giải nhì trị giá 100 triệu đồng (tác phẩm “Vị đắng hoàn hảo” của tác giải Trần Xuân Quốc Trung trú tại TP Buôn Ma Thuột); 1 giải ba trị giá 50 triệu đồng (tácp hẩm “Hơi thở cà phê Ban Mê” của nhóm tác giả HOTHA STUDIO; 3 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 20 triệu đồng và 1 giải do khán giả bình chọn trị giá 20 triệu đồng.